Chuyện đời cảm động của đôi tình nhân 91 tuổi

Thứ ba - 10/04/2012 16:26

Cụ Vinh

Cụ Vinh
Gần một tháng nay, người dân miệt vườn xứ sở nổi tiếng kẹo dừa Bến Tre vô cùng sửng sốt khi nghe tin hai cụ già đã 91 tuổi tha thiết muốn đến với nhau một cách danh chính ngôn thuận, nhưng bị con cháu ngăn cản.

Câu chuyện lan nhanh như cơn gió cứ từ làng này sang làng khác, từ huyện này sang huyện kia, đến nỗi mỗi khi bình minh của ngày mới bắt đầu, người ta lại hỏi nhau không biết hai cụ đã được về ở cùng nhau chưa?

Cụ Vinh đang tâm sự với P.V

Bà mẹ vĩ đại

Chúng tôi tìm đến ấp Chợ, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, chẳng khó khăn gì khi hỏi nhà của cụ Nguyễn Thị Vinh, người dân ở đây thường gọi cụ là "Mụ Bảy". Lý giải cho cái tên đệm Mụ là trước đây cụ làm nghề bà đỡ. 

Cụ Vinh sinh năm 1921, tại tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình trí thức. Học đến lớp 7, sau đó vì vùng quê trong cảnh chiến tranh, đạn bom ác liệt nên năm 35 tuổi cụ di cư lên Bến Tre, rồi được gia đình gả cho con trai người bạn chí cốt. Người bạn đời của cụ tên thường gọi là Nguyễn Văn Tam. Tuy được gia đình sắp đặt, nhưng cụ Tam là người chồng hiền lành đức độ, lại hết mực chăm lo cho vợ con nên tình cảm của cụ Vinh dành cho cụ Tam rất sâu đậm.

Lấy nhau được 8 năm, và có với nhau một người con gái tên Thanh V. Rồi một hôm cụ Tam sang nhà mẹ đẻ chơi, được đúng một ngày thì có người hớt hải chạy sang báo tin là cụ Tam bị bệnh nặng. Tất tả về đưa chồng đi bệnh viện thì đã thấy chồng mắt nhắm nghiền, mặt trắng bệch trên giường, cụ Vinh như chết đứng. Mấy mươi năm trôi qua nhưng cụ không thể nào quên được nỗi đau cũng như cái chết đột ngột của người chồng mà cụ thương yêu hết mực. Cụ nói có lẽ ngày đó cụ ông bị não. Bệnh viện thì ở xa nên cụ Tam mới chết đáng thương như thế, chứ nếu có bệnh viện gần và hiện đại như giờ thì mọi chuyện đã khác rồi.

Mất chồng, một mình nuôi con, không nghề nghiệp, nỗi đau chồng lên nỗi đau khi ba mẹ cụ cũng lần lượt qua đời. Lúc đó cụ Vinh cứ nghĩ mãi về cái nghề y, bởi giá như cái vùng cụ ở có một bệnh viện hay trạm xá thì ít nhất là cứu giúp những đứa trẻ mới chào đời. Nghĩ thế, cụ gửi con cho mẹ chồng rồi đi học nghề y, vừa học cụ vừa thực hành luôn trong ấp.

Ngày đó, theo cụ kể thì vùng ấp Chợ này toàn kênh rạch chằng chịt, cái dòng sông Phú Phụng quanh năm nước ngập không có cầu như bây giờ, đi lại cực kỳ khó khăn. Học nghề xong, cụ Vinh quyết định về dựng mấy cái chòi gần nhà để đỡ đẻ cho người dân. Chiến tranh ác liệt, trạm xá và bệnh viện quá xa nên mang tiếng là bà mụ nhưng cô y tá Vinh ngoài việc đỡ đẻ còn nhận thêm những bệnh nhân bị bệnh nhẹ như cảm cúm, chảy máu ngoài da...

Dù chỉ có mấy phòng nhỏ nhưng bệnh nhân lúc nào cũng chật cứng. Cụ Vinh còn sắm thêm một chiếc xuồng gọi là phương tiện đi lại cho những bệnh nhân nghèo ở xa. Nếu bệnh nhân nào mà không có tiền thì cụ sẽ chữa trị miễn phí, đôi khi còn cho người ta thêm tiền.

Cụ còn nhớ như in một kỷ niệm khó quên là năm 1972, trong một đêm mưa gió, có người đàn bà vác bụng bầu to tướng đến phòng khám của cụ khóc tấm tức vì đau bụng đẻ mà không có ai đi cùng. Cụ Vinh nhanh chóng đưa lên bàn sinh, chừng chưa đầy nửa tiếng thì một bé gái xinh xắn chào đời, cụ bế đứa bé trên tay và giao lại cho người mẹ, nhưng kỳ lạ thay người mẹ ấy không đón nhận thiên thần của mình với nụ cười như bao bà mẹ khác, chỉ quay quay mặt vào tường và khóc.

Cụ Vinh thấy thế sợ cô gái tủi thân nên không dám hỏi nhiều, ngày ngày nấu cơm chăm sóc hai mẹ con, nhưng chỉ được 2 ngày sau thì người mẹ đã bỏ đứa bé ở lại và đi mất tăm. Từ đó đến nay đã hơn 40 năm trôi qua, đứa bé ngày xưa giờ được đặt tên là Nguyễn Thị Thảo L. Nhưng L. cũng không phải là đứa con gái duy nhất cụ Vinh nhận làm con, sau này cũng có những người sinh ra vì trăm ngàn lý do mà để lại tất thảy 11 đứa bé cho cụ nuôi.

Ngày đó một mình phụ trách phòng bệnh, vì toàn chữa bệnh cho dân nghèo nên không kiếm được nhiều tiền, lại nuôi cả con ruột lẫn con đẻ là 12 đứa nên cụ không có giờ nào được nghỉ ngơi. Sáng ra dậy từ 4 giờ, bắc nồi nấu cháo cho các con và bệnh nhân, rồi đến giờ khám bệnh, trưa lại nấu ăn. Cứ thế khi xong việc của một ngày, đặt lưng xuống giường có khi đã gần sang ngày mới. Cụ kể có những khi lên tỉnh mua thuốc, cụ đói lả người mà không dám lấy tiền ra mua một bát cháo cho đỡ đói lòng, vì sợ không đủ tiền nuôi mười mấy đứa con.

Giờ các con đều có gia đình và ra ở riêng, có những người ở rất xa. Chị Thanh V (con đẻ cụ) cũng theo chồng về Trà Vinh sinh sống, cụ một mình trong căn nhà không rộng nhưng lại quá bao la với thân già cô đơn.

Tình yêu sóng gió

Cụ Vinh tâm sự với chúng tôi rằng, 43 năm trôi qua kể từ ngày cụ Tam bỏ cụ ra đi, cụ luôn đau đáu nhớ thương chồng và một lòng một dạ nuôi con. Tuy có nhiều người đàn ông đến đặt vấn đề, nhưng tình yêu dành cho chồng và những đứa con cùng công việc đã không cho cụ sống vì bản thân mình. Gần cả cuộc đời, cụ đã trải qua bao vất vả khó khăn để nuôi con khôn lớn, mong chúng hạnh phúc và bình yên là cụ vui rồi. Cụ cũng không thể ngờ rằng có một ngày mình lại mệt mỏi và cô đơn khủng khiếp như thế, ăn một mình, ngủ một mình. Nhiều đêm mất ngủ, cụ nhìn chăm chăm lên trần nhà và bắt đầu hoảng sợ, sự lạnh giá của cô đơn tràn ngập lòng mình, lúc đó cụ chỉ ước mong có ai đó bên cạnh, dù chỉ nói với nhau đôi ba câu chuyện để lòng vơi bớt tủi buồn.

Ngôi nhà vắng vẻ của cụ Vinh

Rồi cách đây nửa năm, trong một lần đi lễ ở nhà thờ, như thể "duyên thiên định", cụ Vinh gặp lại cụ T- người bạn ngày xưa, mấy chục năm rồi mới gặp lại. Cụ T vừa mất vợ gần một năm, nên từ đó hai người hay chuyện trò và tình yêu đã đến. Cụ T rất muốn về ở với cụ, nhưng vì hai người theo đạo công giáo nên không thể về ở với nhau được khi chưa làm lễ.

Ngày 18/3 vừa qua, hai cụ đã đến nhà thờ làm lễ nhưng các con bên gia đình cụ T chưa thực sự thuận lòng. Nói đến đây, cụ Vinh khóc như một đứa trẻ, cụ hỏi chúng tôi là như thế có quá đáng không, tại sao con cái không cho cụ lấy chồng, chúng có ở được với cụ đâu. Một bên mất vợ, một bên mất chồng, hai người có quyền đến với nhau chứ?

Theo một nguồn tin  ngày 6/4, chủ tịch UBND xã Phú Phụng, cùng lãnh đạo Hội phụ nữ, Hội Người cao tuổi tại phường xã... đã có buổi gặp gỡ hai gia đình cụ Vinh và cụ T. Các vị này cho rằng, các cụ đủ điều kiện kết hôn theo cả luật đời, luật đạo, những người già cần sự sẻ chia, sự hợp pháp của cuộc kết hôn giữa hai cụ, mà đáng ra các cụ đã đạt được tâm nguyện nếu như không có sự cản trở của các người con.

Cụ Vinh nằm đổ bệnh không ăn uống được, cụ nói với chúng tôi rằng, tối hôm trước cụ định tự tử vì sống từng này tuổi đầu rồi, lo cho con cái vuông tròn, giờ chỉ có một nguyện vọng muốn ở bên người bạn để thủ thỉ với nhau lúc xế chiều cũng không được, cuộc sống như thế còn có ý nghĩa gì nữa. Rất may, khi cụ đi mua thuốc để tự tử thì ông K hàng xóm phát hiện ra đã đưa cụ về và khuyên cụ đừng dại dột quyên sinh, hãy cứ vui vẻ mà sống. Ông K và nhiều người đều ủng hộ tình cảm của cụ.

 

Được sự động viên của ông K, cụ mừng lắm nên sáng ra, cụ bắt xe ôm sang nhà cụ T.  Gặp nhau, hai cụ mừng mừng, tủi tủi. "Bây chừ tụi nó lộn xộn thế (ý nói là con cháu không cho hai cụ tổ chức đám cưới - pv) anh định tiến tới hay lui?". Cụ Vinh hỏi người yêu. "Anh sẽ cưới em, phải tới chớ không lui gì hết ráo, chờ vài hôm nữa mình sẽ lại đến nhà thờ và bây giờ không đứa nào ngăn được mình nữa", cụ T quả quyết.

Cụ Vinh lại vui vẻ và khoẻ hẳn. Trước khi chúng tôi ra về, cụ còn khoe cái nhẫn vàng ở ngón tay mà cụ T mua để làm nhẫn đính hôn. "Cái nhẫn này hôm nào sang nhà thờ làm lễ đấy, cũng gần đến ngày lễ phục sinh rồi, nhất định tôi sẽ được ở bên ông ấy", cụ Vinh nói.

Khi chúng tôi tìm đến nhà cụ T thì thấy cụ ngồi nhìn ra ngoài sân với ánh mắt buồn bã. Chưa kịp chào hỏi gì, chúng tôi đã bị một người đàn ông chừng 40 tuổi chạy ra nói lớn: "Nhà báo hả, ở đây không tiếp nhà báo". Tôi nói chỉ muốn xác minh đúng là có việc cụ T muốn kết hôn với cụ Vinh không, người đàn ông đó dịu giọng xuống: "Tôi không muốn nói gì hết, cũng không xác nhận hay từ chối, còn nhà báo muốn lấy thông tin đâu viết thì cứ viết".

Có vẻ tình yêu của hai cụ Vinh, T còn phải trải qua thử thách để họ có thể đến với nhau một cách trọn vẹn. Và chúng tôi hy vọng, một ngày gần đây, sẽ được nghe tin vui của hai cụ.
Theo người lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất vượt trội

Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây