Khổ như dân thành phố

Thứ ba - 06/10/2015 20:43

Minh họa

Minh họa
Lâu nay, cứ tưởng dân thành phố sướng hơn người thôn quê. Cuộc sống dư dả, nhà, xe xênh xang, ai cũng 'ăn trắng mặc trơn'. Nhưng ngẫm ra thì không phải vậy.


Mỗi lần mưa, người Sài Gòn lại khổ vì nước ngập và kẹt xe. Thậm chí, xe cấp cứu mà chạy vào thời điểm này cũng đành chịu kẹt cứng trong dòng xe - Ảnh: Khả Hòa
Với tâm niệm ở thành phố là sướng, người quê cứ lũ lượt rủ nhau lên phố đổi đời, thoát cảnh dầm mưa dãi nắng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Người thành phố nói chung đã vậy, người thủ đô phải mấy lần hơn. Ở quê, cứ gặp “người Hà Nội” hay “người Sài Gòn” là mất tự tin, cứ muốn lân la làm quen và “bắt quàng làm họ”.
Chuyện đó, bây giờ là cổ tích. Hà Nội trước 1954, nguyên vẹn 36 phố phường lịch lãm, chỉ 152 km2 và dân số chưa tới nửa triệu người. Sau mấy lần “tăng trưởng nóng”, Hà Nội trở thành thủ đô có diện tích rộng nhất thế giới: 3.328,9 kmvà dân số gần 7 triệu người. Hà Nội bây giờ rộng hơn 4,6 lần đảo quốc Singapore và gần 67 lần thủ đô hành chính Putrajaya của Malaysia. Dân Hà Nội giờ nói ngọng líu lo.  TP.HCM thì đỡ hơn, diện tích chỉ tăng khoảng 30% nhưng dân số lại tăng gần gấp ba (kể cả nhập cư và vãng lai). Bây giờ thời thế đảo ngược. Dân quê còn đủ thứ khó khăn, tay chân vất vả nhưng cái đầu thoải mái. Chẳng thế mà nhiều đại gia bỏ phố thị về quê xây biệt thự, làm trang trại. Dân phố bây giờ khổ hơn dân quê. Thành phố càng to thì nỗi lo càng lớn.
Mấy ông bà nội, ngoại vào TP.HCM hay ra Hà Nội thăm con cháu chỉ vài bữa là nằng nặc đòi về, dù ở chung cư cao cấp vì “Nhà gì mà như cái hộp lớn, ra vô cũng phải trình báo, chẳng ai quen ai”. Lên thăm con ở nhà thuê làm công nhân thì ôi thôi ngỡ ngàng. Nhà trọ nhỏ như lỗ mũi, ngột ngạt không thở được, lương chỉ trên dưới 4 triệu đồng mà quần quật cả ngày, ăn uống thì chắt chiu kham khổ. Thứ gì cũng phải mua. Vậy mà ham hố gì không biết. Ăn ở và làm việc kiểu đó chỉ tổ chết sớm. Cái đám sinh viên chen chúc trọ học cũng chẳng hơn gì. Học để thoát nghèo đâu chưa thấy nhưng ra trường thất nghiệp tràn lan là nhãn tiền. Tiền học (thêm), tiền trường, tiền ăn ở, quần áo nhiều hơn cả tiền lương khi ra trường mà sao cứ bon chen thế. Đi làm ô-sin lương cũng không kém lương công nhân, lại còn được bao ăn ở. Ở quê, làm thuê nông nghiệp cũng được ngày 200.000 đ, khỏi cần học hành khổ sở.
Khổ như dân thành phố - ảnh 2Đường ống nước Sông Đà liên tục vỡ khiến người dân thủ đô khốn khổ vì mất nước - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Cách đây 3 năm, về Long An, gặp trời mưa, nước ngập lênh láng. Thấy tôi ngạc nhiên, cán bộ địa phương giải thích: “Tân An chỉ mới ngập từ khi được lên thành phố. Đi khắp Việt Nam, anh cứ thấy chỗ nào ngập thì đích thị đó là thành phố”. Ngập đây là do mưa chứ không phải lũ lụt gì cả. Thường là do nước thoát không kịp vì dân số tăng quá nhanh, cống bị bít, kênh rạch bị san lấp. Khổ nhất là Hà Nội và TP.HCM, cứ mưa là ngập, thậm chí mưa nhỏ cũng ngập lớn. Hà Nội giờ thành “Hà Ngoại” và “Hà Lội”. Cứ nghĩ tới dòng người như dòng sông, nhấp nhô nón bảo hiểm, nhúc nhích từng centimet, kéo dài cả cây số, hàng mấy giờ liền là phát bệnh, không muốn ra đường. Không bệnh vì khói bụi thì cũng bệnh vì căng thẳng.
Ngoài nạn cướp giật thì người Sài Gòn khổ chủ yếu vì kẹt xe và nước ngập. Dân thủ đô khổ thêm vì cúp điện, đặc biệt là khổ vì mất nước. Đường ống cấp nước Sông Đà mới đưa vào sử dụng 3 năm đã 12 lần vỡ ống. Từ đầu năm đến nay thêm 3 lần vỡ, trong đó có 2 ngày liên tiếp bị vỡ đường ống. Mỗi lần vỡ đường ống, hơn 70.000 hộ dân, có cả bệnh viện và nhà trẻ, mẫu giáo ở thủ đô, trái tim của cả nước đều khốn khổ vì mất nước. Không phải chỉ một lần mà tới 15 lần. Phải nói là sức chịu đựng vô địch thiên hạ. Chưa biết từ đây tới cuối năm sẽ có thêm mấy lần vỡ ống nữa? Mất gì cũng khổ, nhưng có lẽ mất nước là khổ nhất, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Đơn vị thi công làm ẩu, tráo vật tư đã bị truy tố nhưng còn giám sát và chủ đầu tư? Những thiệt hại không thể tính bằng tiền thì lấy gì bù đắp? Sự cố chưa được khắc phục triệt để, trừ khi thay ống mới, nhưng chủ quản là Bộ Xây dựng và UBNDTP Hà Nội vẫn quyết định giao gói thầu làm tiếp 21km đường ống giá 5.000 tỉ cho chủ đầu tư cũ. Có người bảo “giao trứng cho ác” nhưng cơ quan chủ quản thuyết phục là “Phải tạo điều kiện cho người ta sửa sai”. Sướng thật. Muốn được nhận tiếp công trình, cứ làm sai để có điều kiện khắc phục. Cũng dễ hiểu: Tiền bỏ ra là của nhà nước, nếu công trình kém chất lượng thì người lãnh đủ là dân, họ đâu có mất gì. Chỉ tội dân thủ đô. Không biết còn khốn khổ vì thiếu nước và ám ảnh vì vỡ ống nước sông Đà đến bao giờ?
Các thành phố và thủ đô có gì mà dân quê cử kéo nhau lên đó? Hay là họ mắc chứng nghiện phố? Loại bệnh xã hội lây lan mới được phát hiện gần đây?

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Tác giả bài viết: Doanh nhân thành phố

 Từ khóa: thành phố, dân, khổ như

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất vượt trội

Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây