Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của miền đất Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, bố mẹ tôi có ba người con trai và tôi là con trai đầu trong gia đình. Gia đình tôi nghèo lắm, bố mẹ là nông dân, quanh năm cày cấy với vài thửa ruộng cũng không đủ nuôi 5 miệng ăn trong nhà.
Dù biết rằng hoàn cảnh khó khăn nhưng bố mẹ luôn chăm lo và khuyến khích ba anh em chúng tôi phải chú tâm học hành thì sau này mới mong có được cái nghề ổn định, cũng chỉ mong thoát khỏi cảnh “vác cày theo trâu”. Ngoan ngoãn, luôn biết lắng nghe lời bố mẹ, ba anh em chúng tôi chăm học, và những ngày xưa đó thì chúng tôi cũng chỉ mong cuối học kỳ được nhận giấy khen để chạy về khoe với bố mẹ là vui lắm rồi.
Ở quê tôi, cứ cách một ngày lại có một phiên chợ, mẹ tôi trồng một vườn rau đủ loại để khỏi mất tiền mua và còn có dư để đi chợ bán, nào là cải bắp, su hào, mồng tơi, tôi nhớ và thích ăn nhất đó là rau muống. Mẹ dành ra một miếng đất rộng để cấy rau muống, mỗi ngày tới phiên chợ là mẹ thúc tôi dậy thật sớm để giúp mẹ hái rau muống cùng mẹ để kịp đi chợ.
Bởi vì hái vào buổi chiều rau sẽ không tươi và xấu đi. Rau muống hái lên được cắt bằng gốc và rửa sạch, bó thành bó. Có những phiên chợ, tôi và mẹ hái được khoảng 50 bó và làm thật nhanh để mẹ đi chợ sớm. Công hái và làm thì nhiều nhưng giá bán thì không được bao nhiêu, với 3 bó rau muống mẹ chỉ thu được một ngàn đồng, nhưng cũng phải cố gắng tận dụng.
Thấy mẹ vất vả, tôi thương mẹ lắm và thường xuyên giúp mẹ chăm lo cho vườn rau. Mỗi ngày thứ bảy, chủ nhật được nghỉ học tôi đi chợ cùng mẹ, mẹ giao cho tôi bán rau muống và mẹ lại đi mua cá của người ta sau đó ngồi bán lẻ. Mới đầu tôi thấy ngại lắm nhưng dần dần cũng quen và thích thú khi nhận được những đồng tiền dù là ít ỏi đưa cho mẹ. Từ khi quen dần với công việc của mình, mẹ giao cho tôi tự mang rau ra chợ bán.
“Đứng trước hàng rau khuôn mặt luôn tươi cười và chào mời các cô chú” đó là câu khẩu hiệu mẹ bắt tôi học thuộc lòng và thực hành mỗi khi đi bán rau. Mới đầu cũng thấy hơi khó nhưng tôi quen dần và như thế các cô chú qua lại thường ghé hàng rau của tôi mua. Có người còn tấm tắc khen tôi khi tới mua rau “còn bé thế mà đã biết đi bán rau giúp mẹ rồi”, có lúc đưa 2 nghìn mua 3 bó rau nhưng không phải trả lại một nghìn.
Rồi thời gian trôi đi, hằng ngày tôi lại học thêm được những kỹ năng của một “nhân viên bán hàng”. Nhưng không phải vì thế mà lúc nào tôi cũng bán hết rau, có phiên chợ tôi chỉ bán được vài chục bó và bị ế hàng. Có hôm gần trưa chợ đã thưa thớt người rồi mà hàng rau tôi còn những hơn hai chục bó, tôi tới tấp chạy đôn chạy đáo đi các quán hàng tạp hoá nhờ người ta mua ủng hộ, có người mua nhưng có người thì không.
Vì gần trưa tôi cứ sợ rau bị héo mà không bán được, vừa lo lắng vừa chạy đi chạy lại dưới trời nắng mà không thấy mệt mỏi gì cả, rồi có cô bán hàng thịt gần đó gọi tôi lại và mua hết những bó rau của tôi. Để cô mua hết chỗ rau này cho, cô đang cần nhiều rau. Tôi không biết cô nói thật hay là vì thương tôi nhưng lúc đó tôi mừng lắm. Bán hết những bó rau ế tôi đạp xe về trong niềm vui của người chiến thắng.
Cũng từ những thời gian bán rau đó ước mong trở thành nhà kinh doanh trong tôi hình thành. Tôi quyết tâm học giỏi để có thể thực hiện được ước mơ của mình. Thời gian trôi qua, tôi lớn lên và kỹ năng hình thành trong tôi nhiều. Tôi không còn ngại ngùng ở những nơi đông người, tôi chào bán những hàng rau mà mẹ trồng được khắp nơi, từ người dân trong xóm làng và tới những phiên chợ.
Vào những ngày dịp lễ Tết tôi còn bán thêm quất, lá dong gói bánh và cả những thứ đơn giản nhất như là bức thiệp tôi và em tôi tự tay làm. Tôi luôn cảm thấy vui và hạnh phúc với những việc mình làm. Nhưng không vì lo bán rau mà tôi lả lơi chuyện học hành. Lên cấp 3 tôi lao vào học, tôi thích học những môn tự nhiên và tôi học giỏi môn toán nhất. Tôi giành danh hiệu học sinh giỏi toán ở các năm học. Tôi học khối A và chọn thi vào ngành Kinh tế vận tại biển ĐH Giao thông Vận tải TP HCM.
Không phải tự dưng tôi lại chọn thi vào ngành này mà vì tôi biết đây là ngành kinh tế bên vận tải biển và muốn trở thành nhân viên kinh doanh sau này khi ra trường, qua tìm hiểu và hỏi những người đi trước, nền kinh tế Việt Nam đang đầu tư và tập trung phát triển kinh tế cảng biển. Niềm hạnh phúc không thể tả xiết của tôi và người thân, xóm làng mừng cho tôi khi tôi nhận giấy báo trúng tuyển của trường.
Xa nhà, xa quê hương đi nhập học, bỏ lại công việc bán rau cho mẹ, tôi hơi tiếc nhưng sẽ vào thành phố và tìm một công việc bán hàng mới. Ở quê ra thành phố nhập học, thời gian đầu tôi bỡ ngỡ khi chưa quen với cuộc sống nơi thành thị, chưa quen bạn bè và cũng không có người thân thích. Tôi vào ký túc xá trường xin ở nhưng không được bởi vì điều kiện được ở ký túc xá là gia đình chính sách mà tôi thì gia đình không được hưởng chính sách nào cả.
Chờ nguyên một ngày xin nhưng cũng không được, tới gần tối tôi gặp một cô quê ở Hà Tĩnh cũng đưa con đi nhập học xin vào KTX ở. Tôi đã tâm sự hoàn cảnh mình cho cô nghe và cô nhận giúp tôi vào ở KTX chung phòng với con trai cô. Tôi vui mừng, mừng vì có chỗ ở, mừng vì có thêm một người bạn và mừng vì nhiều thứ. Cứ như thế tôi quen dần với cuộc sống nơi đất khách.
Trong KTX có nhóm anh chị sinh viên năm trước tôi tổ chức đi chạy bàn, tôi xin vào một chân và cứ cuối tuần lại cùng anh chị đạp xe đi tới các nhà hàng. Đi khắp nơi trong thành phố tôi tìm hiểu dần và nhờ bạn bè anh chị ở đây lâu xin vào một của hàng làm nhân viên bán hàng quần áo.
Một mục tiêu tôi đã hoàn thành, vào làm nhân viên bán hàng cho người ta, tôi áp dụng những chiêu ngày xưa đi bán rau đã tích luỹ. Luôn tươi cười chào đón khách hàng, niềm nở khi khách đến và tươi cười chào khi khách đi cho dù bán được hàng hay không.
Sau một thời gian, tôi làm tốt công việc của mình được cửa hàng tín nhiệm và luôn có tiền thưởng mỗi khi bán được hàng. Rồi 4 năm đại học cũng trôi đi nhanh, tôi vẫn vừa học vừa làm đủ lo cho cuộc sống sinh viên. Mỗi khi có thời gian tôi lại tìm đến nhà sách, tìm đọc những quyển về cuộc đời những doanh nhân, tìm hiểu và học cách xây dựng kinh doanh của họ. Tính luỹ kinh nghiệm từ cuộc sống, từ những bản năng và phẩm chất mình có được nhờ cuộc sống.
Tôi luôn tự tin vào bản thân, tôi tin vào thành công sẽ đến với tôi và với tất cả những ai biết sống có mục đích, sống và làm việc bằng hết khả năng của mình. Bây giờ ra trường tôi vẫn tiếp tục làm công việc mà tôi yêu thích, là một nhân viên bán hàng chuyên nghiệp và tìm mọi cách kinh doanh mọi thứ có thể, để mong có được một số vốn. Tôi sẽ ra mở một cửa hàng kinh doanh mà mình tự quản lý và làm theo ý tưởng, cảm hứng của mình.
Bây giờ tôi cảm thấy hạnh phúc và luôn thấy mình yêu nghề vô cùng khi tôi thực hiện được một chặng đường đi theo mục đích của chính mình. Con cảm ơn mẹ vì đã tập cho con biết nhiều thứ, hình thành trong con những mục tiêu chính đáng mà con có thể làm được bằng chính khả năng của con.
Cao Anh Tuấn vnexpress
Cung cấp giống Tiêu Srilanka - Chuẩn giống Ceylon Khoo Tiêu Srilanka - Chuẩn giống Ceylon Khoo chuỗi dài, sức đề kháng mạnh, bộ rễ khỏe, năng suất cao