Hệ cây che bóng còn điều hòa được tiểu khí hậu vườn cây, điều tiết sự ra hoa, đậu quả, giảm được bệnh khô cành; cải thiện độ phì đất nhờ lượng cành lá trả lại cho đất mặt hàng năm, bảo vệ đất mặt tránh tác hại của mưa lớn, sự thiêu đốt chất hữu cơ do ánh sáng mặt trời; tăng khả năng giữ nước, giữ phân cho đất.
Cây che bóng giúp kéo dài quá trình chín của quả, tăng độ acid và hàm lượng succrose trong hạt, những yếu tố quan trọng để hình thành các hợp chất thơm, giúp cải thiện phẩm chất của cà phê. Nhiều nghiên cứu của Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên trong thời gian dài cho thấy mật độ cây bóng phù hợp sẽ ít gây ảnh hưởng đến năng suất cà phê, ngoài ra còn giúp tính ổn định năng suất qua các năm thu hoạch, hạn chế hiện tượng ra quả cách năm.
Vườn cà phê kinh doanh được chăm sóc, tưới nước, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật, kết hợp rong tỉa cây che bóng hợp lý thì có thể dễ dàng đạt năng suất trên 3,5 tấn nhân/ha.
Loại cây che bóng và mật độ thích hợp trong vườn cà phê với vùng Tây Nguyên là keo dậu: 70 cây/ha (12 x 12m) và muồng đen: 34 cây/ha (24 x 12 m).
Ngoài ra, các loại cây dài ngày có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, hồ tiêu vv… có thể đưa vào trồng xen trong vườn cà phê để, vừa làm nhiệm vụ che bóng cho cà phê, vừa cho thêm sản phẩm phụ, tăng thu nhập cho nông hộ.
Sầu riêng có tán lá thưa, có thể trồng với mật độ 70 cây/ha (12x12m). Bơ trồng với mật độ 100 cây/ha (9 x9m).
Hồ tiêu xen canh trong vườn cà phê nên trồng trên cây trụ sống là keo dậu hay muồng đen. Các cây này vừa là cây che bóng cho cà phê vừa là trụ cho tiêu leo bám. Trồng tiêu trên trụ sống trong vườn cà phê với mật độ từ 140-220 trụ/ha (12 x 6m hoặc 15 x 3m). Các giống tiêu thích hợp cho trồng xen cà phê là tiêu Vĩnh Linh, tiêu Lộc Ninh hoặc tiêu Sẻ.
Việc đa dạng hoá cây trồng trong vườn cà phê bằng cách trồng xen một số cây công nghiệp hay cây ăn quả có giá trị như đã nêu trên sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn. Tiền thu được từ sản phẩm cà phê trong các vườn trồng xen tuy có thấp hơn các vườn cà phê trồng thuần do năng suất bị giảm ít nhiều dưới tác động của cây trồng xen, tuy vậy, tổng giá trị sản phẩm và lợi nhuận trên vườn cây vẫn tăng lên đáng kể.
Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...