“Bố và 2 chị đã đi rồi, mẹ chỉ còn con để yêu thương”

Thứ ba - 31/01/2012 09:46

anh Sáng

anh Sáng
Cơn gió mùa đông lạnh buốt thổi thốc qua cánh cửa sổ tạo thành những thanh âm kèn kẹt đến ghê người. Trong căn nhà nát ấy người mẹ già nuôi đứa con bệnh tật trong nỗi đớn đau câm lặng đến xót xa.
Đến thăm hai mẹ con bà Lê Thị Hòa (còn gọi là bà Ngác) cùng anh Đỗ Văn Sáng (Đội 14, xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) vào buổi chiều đầu năm mới, chúng tôi ai cũng ái ngại cho hoàn cảnh gia đình “đặc biệt” này. Con đường nhỏ lởm chởm những mảnh gạch vụn dẫn đến chiếc cổng tre cũ mốc mà chỉ cần hơi mạnh tay một chút là sẽ rung rời ra hết cả. Ngôi nhà mái thấp oặt ẹo phật phờ trong cơn gió lạnh, dường như nó cũng đang phải cố gắng lắm để làm tròn nhiệm vụ là nơi ở cho hai con người tội nghiệp.
 
Biết có người vào nhà, anh Sáng dù không nói được nhưng cố gắng hết sức lật người ra phía ngoài để nhìn. Tay chân co quắt khiến toàn bộ cơ thể anh cứ giật liên hồi rồi lại ngã hết bên này đến bên nọ. Cái đầu dặt dẹo làm chiếc mũ đội cứ rơi lên rơi xuống trông đến tội. Bộ quần áo cũ sờn, rách nát theo đó cũng nhếch nhác, xộc xệch hết cả. Tất cả xộc lên một mùi hôi của sự ẩm thấp pha trộn trong nhiều thứ mùi hỗn tạp khiến những người đến thăm ai cũng ái ngại khi bước vào trong nhà.
 
Do bị di chứng chất độc da cam nên toàn bộ cơ thể anh Sáng bị co quắt và không nói và đi lại được
 
Một lúc sau mới thấy bà Ngác về, trên tay cầm mấy chiếc bánh gai mà bà khoe là của hàng xóm vừa cho. Tươi cười mời chúng tôi vào nhà, bà vừa trò chuyện: “Dịp Tết vừa rồi hai mẹ con cũng được hàng xóm láng giềng người cho tấm bánh, người biếu gói kẹo nên cũng có không khí Tết. Tôi thì già rồi còn thằng Sáng - vừa nói bà vừa chỉ vào con trai - thì bệnh tật thế kia. Con cháu cũng không còn ai nhưng thấy làng xóm đón Tết nên hai mẹ con cũng thấy vui rồi”. Nói rồi bà cười – nụ cười khiến những nếp nhăn như được giãn ra phần nào nhưng chất chứa nỗi buồn đến xót xa.
 
Ngày Tết nhà nhà đông đủ cảnh con cháu sum vầy còn bà chỉ là niềm vui lây khi được nhìn thấy điều đó ở gia đình người ta để rồi lại ngậm ngùi khi nghĩ đến phận mình… Gần 80 tuổi – cái tuổi đã ở độ gần đất xa trời nhưng chưa một lần nào bà được sống trong cảnh con cháu đủ đầy trong ngày Tết.

Thuở còn con gái lưng ong, bà Hòa đã yêu tha thiết người chiến sĩ đã từng vào sinh ra tử trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và đế quốc Mĩ để rồi sinh được 3 người con là chị Đỗ Thị Bình, Đỗ Thị Minh và anh Đỗ Văn Sáng. Nhưng cuộc đời lắm những nỗi xót xa, chị Bình mất khi mới chỉ được 18 tháng tuổi bởi căn bệnh tim trước sự bất lực của hai vợ chồng nghèo. Không lâu sau đó chị Minh cũng bỏ bà ra đi trong một lần ốm nặng khiến trái tim người mẹ càng thêm quặt thắt. Nỗi đau theo đó lại tiếp tục đọa đầy người vợ khi ông Ngác cũng bỏ bà để đi theo hai con khiến căn nhà nát lại càng thêm trống trải. Một đời bà đã yêu và hi sinh tất cả cho người lính để rồi gần 30 năm qua giây phút nào bà cũng chăm chút, yêu thương cho giọt máu của hai người đó là đứa con bị di chứng chất độc da cam.
 

Gần 30 năm qua bà Ngác luôn chăm sóc cho anh Sáng không khác nào như một đứa trẻ

 
Từ khi sinh ra anh Sáng đã không bình thường như những đứa trẻ khác nên phải vất vả lắm bà mới giành giật từ thần chết lấy mạng sống cho con. Nhìn con vẫn đang ngặt nghẹo trên manh chiếu rách bươn ở bậu cửa, bà xót xa: “Nó có thế nào thì vẫn là khúc ruột do mình sinh ra nên phải nuôi nấng chăm sóc cẩn thận”. Bởi thế mà bao nhiêu năm qua không một phút  nào bà quên chăm bẵm cho con từ miếng ăn, giấc ngủ.
 
Tuổi già, mắt mờ, chân chậm, có những hôm dậy sớm để đổ bô cho con bà ngã nhào ra sân không dậy được nhưng rồi nhìn con không thể tự chăm sóc cho mình được bà lại gắng gượng qua từng ngày. Và còn một điều khiến bà càng thương con hơn đó là dù không nói được nhưng anh Sáng cảm nhận và hiểu hết những gì mẹ nói và rất biết vâng lời. Những hôm trái gió trở trời bà phải nằm liệt giường, biết mẹ không dậy đút cho ăn được nên dù đói lắm anh cũng chỉ ngồi đó lặng im. Nhìn cảnh hai mẹ con côi cút, chị Ngô Thị Lĩnh (hàng xóm của bà Ngác) cho biết: “Bà ốm thì chúng tôi cũng chỉ biết chở bà đi tiêm hoặc mua thuốc, còn việc cho em Sáng ăn thì đúng là không ai làm được bởi đầu của em cứ quay bên này, bên kia nên rất khó”
 

Trong căn nhà nát, ngày ngày hai  mẹ con bà Ngác đang duy trì sự sống trong cảnh túng thiếu

 
Hiện tại cả hai mẹ con bà được nhận số tiền trợ cấp hơn 800 nghìn đồng / tháng. Tuy nhiên không thấm vào đâu khi nay mẹ đau, mai con ốm nên cứ phải uống thuốc và tiêm truyền như cơm bữa. Và sẽ lại tiếp tục những  ngày hai con người tội nghiệp ấy sẽ xoay sở ra sao khi tiền thuốc còn chưa đủ nói gì đến bát gạo để ăn?
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Bà Lê Thị Hòa (còn gọi là bà Ngác)

Đội 14, xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

Số ĐT: 0986101359 (chị Bùi Thị Huyền –cháu gái của bà Ngác)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU Đắk Lắk

Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây