Xe khách nhồi nhét, chặt chém

Thứ ba - 31/01/2012 03:13

Minh họa

Minh họa
Trong các ngày 28 và 29/1, các tuyến xe khách Bắc - Trung - Nam, hành khách nườm nượp đổ về các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Lợi dụng điều này các nhà xe tha hồ nhồi nhét và chặt chém khách.

Xe khách: hét giá

Sáng mùng 7 Tết, tại cổng Bến xe phía Nam TP.Huế (Thừa Thiên - Huế) các xe vừa rời bến xe, vừa đua nhau nhồi nhét khách, bắt khách dọc đường. Cùng lúc, hàng trăm hành khách vẫn đứng dọc đường bắt xe. Tuyệt nhiên không một bóng CSGT. Quan sát trên các tuyến xe Huế - Đà Nẵng, mặc dù theo quy định xe chỉ chở 29 hành khách, nhưng các chủ tài xế 75K-017..., 75K-336..., 75H-048… vẫn thi nhau nhồi nhét khách, có xe lên đến 51 người, gần gấp đôi so với quy định.

Ông Phạm Xuân Sơn, Phó giám đốc Công ty CP Quản lý Bến xe tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết công ty đã tập trung các xe về bến. Sau Tết có 300 xe của 42 doanh nghiệp đăng ký vận chuyển hành khách tại bến xe phía nam TP.Huế. Ngoài ra, còn có một lượng xe dự phòng luôn sẵn sàng để điều động khi cần thiết. Trung bình, mỗi ngày có đến 160 đầu xe xuất bến vào Nam, riêng tuyến Huế đi TP.HCM có khoảng 60 đầu xe loại 40 chỗ/chiếc, nhưng vẫn quá tải. Còn tại bến xe phía bắc TP Huế, tất cả chuyến xe đi đến đều đông nghẹt người, giá vé tăng 80 - 100% so với ngày thường. 

Mặc dù đã tăng chuyến nhưng tại ngã ba đường tránh TP.Huế ở xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy), hàng chục hành khách cũng vật vã cả buổi để đón xe. Hầu hết các xe không dừng lại đón khách vì đã chật kín.

 

Cửa ngõ TP.HCM tắt nghẽn khi dòng người đổ dồn về thành phố sau Tết (ảnh to). Nhà xe xuất phát từ TP.Huế mặc sức nhồi nhét khách (ảnh nhỏ)

Còn tại Quảng Nam và Đà Nẵng, ngay từ ngày mùng 6 Tết (tức 28.1), hành khách nườm nượp đứng đón xe dọc QL1A để vào Nam. Do lượng khách đông, hầu hết các nhà xe đã hét giá lên tới 750.000 đồng/người đi TP.HCM.

Cùng ngày, ghi nhận tại các điểm nóng bến xe “cóc” khu vực các ngã ba, ngã tư Vĩnh Điện, Hương An, Cây Cốc, đường tránh Tam Xuân 1, Tam Kỳ (Quảng Nam), lượng hành khách chờ đón xe đi các tỉnh phía Nam đông nghịt. Tại bến xe “cóc” ngã ba đường tránh Tam Xuân 1, Tam Kỳ (Quảng Nam), một xe khách biển số Quảng Nam, loại 30 chỗ, chuyên chở khách chạy tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng cũng tranh thủ mấy ngày sau Tết “mở” tuyến Tam Kỳ - TP.HCM hét giá 750.000 đồng/khách, ghế mềm phía trước xe, không bao ăn, còn giá ghế phía sau là 650.000 đồng/khách, không bao ăn. Vé một người và một xe máy là 1,5 triệu đồng.

Trái với cảnh chen vai thích cánh ở các tỉnh miền Trung, theo ghi nhận của Đất Việt ở một số bến xe của miền Bắc, thời điểm hiện tại lượng khách di chuyển vào các tỉnh phía Nam vẫn rất vắng. Vì thế, so với thường ngày lượng khách không có nhiều biến động. Tuy lượng khách vắng, nhưng hầu hết các doanh nghiệp khai thác các tuyến vào những tỉnh, thành phía Nam đều đã đồng loạt công bố tăng giá vé.

Ông Trần Thanh Phong, quản lý bến xe Hải Dương (tỉnh Hải Dương), cho biết lượng khách đi các tỉnh phía Nam tại bến hiện vẫn rất vắng. Tại bến xe Hải Dương hiện có 3 doanh nghiệp với 21 đầu xe chạy vào các tỉnh phía Nam, nhưng mấy ngày nay mỗi ngày chỉ có 2 - 3 xe xuất bến.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe phía Nam (bến xe Giáp Bát), cho biết vài năm nay lượng khách về bến Giáp Bát bắt xe đi các tỉnh phía Nam rất ít, vì hầu hết bến xe ở các tỉnh đều có xe phục vụ nên hành khách không về Hà Nội để bắt xe. Theo ông Thành, vào các ngày 12 và 16.1 (âm lịch) có thể lượng khách sẽ đông. Tuy nhiên nếu so với ngày thường thì lượng khách cũng không có biến động nhiều, nên những ngày cao điểm cũng chỉ cần tăng khoảng 2 đến 3 xe là đủ để phục vụ. Ông Nguyễn Trọng Tiến, Giám đốc quản lý bến xe phía Tây, cho biết tại bến xe Mỹ Đình chỉ có hai doanh nghiệp khai thác tuyến Đắk Lắk và Kom Tum nhưng cũng đã công bố tăng giá vé từ trước Tết Nguyên đán, với mức tăng vào khoảng 50 – 60%.

Tàu hỏa: 3 người/giường

Trước đó, mùng 6 Tết (27.1), nhiều hành khách mua vé tàu hỏa SE3, lên tàu tại ga Huế đi TP.HCM, không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh một giường nằm nhưng có đến 3 hành khách ngồi chen nhau.

Một hành khách tại buồng số 7, toa 10 cho biết mua vé từ Hà Nội đi TP.HCM với giá 1,5 triệu đồng/ghế ngồi mềm, điều hòa. Tuy nhiên, khi lên tàu anh bị nhét chung với 2 người khác ngồi chung một giường. Trong những ngày thường, mỗi buồng có máy điều hòa trên tàu SE3 chỉ có 4 giường nằm (2 tầng 1 và 2 tầng 2). Tuy nhiên, trong dịp Tết này, ngành đường sắt lại biến giường nằm tầng 1 thành 3 vé ghế ngồi khiến hành khách rất bức xúc. Nhiều hành khách khác phải ngồi ghế nhựa tăng cường.

Trong khi đó, tại ga Huế và Đà Nẵng, nhiều người chen nhau xếp hàng để mua vé tàu vào TP.HCM nhưng hầu hết vé đi trước ngày 3.2 đã bán hết. Ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng khách vận ga Huế, cho biết toàn bộ vé tàu tuyến Huế - Sài Gòn từ mùng 4 đến rằm tháng giêng (6/2) đã bán hết. Hiện chỉ còn một số vé tàu vào Nam sót lại ở các ga phía Bắc và sẽ được bán ra hằng ngày với số lượng ít ỏi.

Tại ga Tam Kỳ (Quảng Nam), toàn bộ lượng vé được giao đã được bán hết từ 28.1. Riêng tại ga Sài Gòn lượng khách đổ dồn về ga cũng đông hơn gấp nhiều lần so với ngày thường. Để phục vụ vận chuyển hành khách từ ngày 26.1 (mùng 4 Tết), ngành đường sắt đã bắt đầu tăng cường tối đa các đoàn tàu để vận chuyển hành khách từ các nơi về TP.HCM.
Trong khi đó tại ga Hà Nội, ông Vũ Đình Rậu, Trưởng ga, cho biết do năm nay nghỉ Tết dài ngày, nên thời điểm này hành khách đi vẫn rất thưa. Ông cho biết thêm, hiện những chuyến tàu Thống nhất chạy vào thời điểm sáng sớm và khuya vẫn còn rất nhiều ghế trống nên không có chuyện thiếu vé.

Mặc dù vậy, cũng theo ông Nguyễn Tất Thành, hiện 10 doanh nghiệp khai thác tuyến đường dài vào các tỉnh phía nam tại bến xe Giáp Bát đều đồng loạt công bố tăng giá vé 40 – 60% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. 

 

 

Nườm nượp đổ về thành phố

Sau đợt nghỉ Tết kéo dài, ngày 29.1 (mùng 7 Tết) người dân từ các tỉnh thành khác lại đổ dồn về TP.HCM khiến cho các cửa ngõ của thành phố luôn ở trong tình trạng quá tải vào nhiều thời điểm trong ngày.

Trên tuyến QL1A (từ cầu Đồng Nai đến trước KDL Suối Tiên, Q.Thủ Đức,TP.HCM) lượng xe cộ đổ dồn về rất đông nên tại khu vực cửa ngõ Đông Bắc của thành phố này thường xuyên bị quá tải. Một số người dân trong khu vực cho biết mấy ngày nay khu vực này luôn bị kẹt xe, nhất là vào sáng sớm và buổi chiều tối. Nhiều thời điểm, khu vực này xảy ra kẹt xe kéo dài nhiều tiếng. Còn tại trục giao thông QL13 – cầu Bình Triệu, lượng xe từ các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Bình Phước đổ dồn về bến xe Miền Đông đã xảy ra tình trạng ùn tắc ở cổng. Theo ban quản lý bến, lượng khách đổ dồn về bến sau Tết trong ngày ước tính có khoảng 50 ngàn lượt hành khách. Dự kiến trong hôm nay (30.1, tức mùng 8 Tết) lượng khách về bến tiếp tục ở mức cao. Để không bị ùn ứ khách tại bến, bến xe Miền Đông đã huy động các xe buýt tăng cường vào bến để giải tỏa khách.

Trong khi đó tại khu vực bến xe Miền Tây, lượng khách từ các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh,… đổ về, ước khoảng 40.000 lượt/ngày.

Trên các tuyến Quốc lộ vào TP.Hà Nội và các tuyến đường đến các bến xe, hàng trăm chiếc xe nối đuôi nhau mang theo hàng ngàn hành khách trở về thành phố sau kỳ nghỉ Tết dài ngày.

Sáng 29.1, tại tuyến đường Giáp Bát - Giải Phóng, cửa ngõ phía Nam Hà Nội, hàng trăm lượt xe khách ùn ùn kéo về nội thành. Trong bến xe khu vực trả khách và khu chờ xe buýt ken kín người. Do lượng xe quá đông, nên nhiều điểm xảy ra ùn ứ cục bộ. Tại điểm giao cắt giữa đường Giải Phóng và lỗi rẽ sang cao tóc Pháp Vân – Cầu Giẽ, hàng trăm ô tô nối đuôi nhau nhích từng mét.

Chiều 28.1 tại tuyến Quốc lộ 21, từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình về Hà Nội đã xảy ra hiện tượng tắc đường cục bộ. Thời gian ùn tắc kéo dài khoảng 2 giờ với hàng nghìn xe máy và xe con.

Transerco đã bố trí gần 900 xe tăng cường tại 48 tuyến trọng điểm qua các bên xe, nhà ga để kịp thời giải tỏa hành khách về Thủ đô sau kỳ nghỉ Tết.
Theo Đất việt

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU Đắk Lắk

Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây