Bùng nổ bạo loạn ở Tân Cương: Nguồn cơn và ám ảnh

Thứ năm - 01/03/2012 23:53

Minh họa

Minh họa
Bất chấp nhiều cố gắng của Tân Hoa xã và các cơ quan tư tưởng trong lối tuyên truyền một chiếu, bầu không khí xã hội - chính trị ở Trung Quốc vẫn ẩn chứa một sắc thái ngòi nổ của thùng thuốc súng, trong đó những vụ bạo loạn tại Tân Cương chỉ là một que diêm.
.

 

 
 

Bản đồ hành chính Trung Quốc

Tân Cương không yên tĩnh

Chính xác là từ tháng 7/2009 đến nay, Tân Cương chưa bao giờ yên tĩnh.

Ngày 28/2/2012, lại có thêm một vụ bạo loạn nữa nổ ra tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ này.

Theo tin tức chính thức của Tân Hoa xã, ít nhất 12 người đã thiệt mạng trong vụ bạo loạn mới. Nhưng vẫn theo “truyền thống” thông tin, Tân Hoa xã đã chỉ đề cập đến “các phần tử khủng bố bắt đầu tấn công bằng dao vào lực lượng cảnh sát ở quận Yecheng thuộc thành phố Kashgar”.

Vụ bạo loạn trên chỉ là một trong chuỗi xung đột mà tất yếu phải xảy ra ở Tân Cương. Gần đây nhất, vào tháng 7/2011, khu vực phía nam Tân Cương đã chứng kiến 3 vụ bạo loạn. Đặc điểm chung của các vụ bạo loạn này, cũng theo Tân Hoa xã, là thủ phạm thuộc về người Duy Ngô Nhĩ - một dân tộc thuộc sắc tộc thiểu số, còn “nạn nhân bị khủng bố” là người Hán và cảnh sát Trung Quốc.

Xa hơn nữa về quá khứ, vào tháng 7/2009, gần 200 người đã thiệt mạng và 1.700 người bị thương khi nổ ra xung đột giữa người Duy Ngô Nhĩ bản địa và các công nhân người Hán ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương. Kể từ đó, chính phủ Trung Quốc từng bước thắt chặt an ninh tại khu tự trị này.

Vào đầu năm 2012, Trung Quốc đã điều động 8.000 cảnh sát tới tuần tra các khu vực nông thôn ở khu tự trị Tân Cương. Một chính sách rất mới của chính quyền trung ương là “mỗi làng một cảnh sát” - nhằm kiểm soát “chủ nghĩa cực đoan tôn giáo”.

Hình như bầu không khí xã hội Trung Quốc đang tiếp cận sát với điểm ngoặt của những thay đổi về chất trong xung đột. Bất cứ một thói quen duy ý chí nào cũng sẽ phải trả giá bằng một phản ứng duy ý chí khác.

 Một cách nhìn của HRW

Vào đầu năm 2012, một bản phúc trình toàn cầu của Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) đã đánh giá: vụ bạo loạn ở Urumqi vào tháng 7/2009 là vụ xung đột sắc tộc đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại gần đây của Trung Quốc. Chính phủ vẫn chưa công bố tình trạng của hàng trăm người bị bắt sau vụ bạo loạn, cũng như chưa tiến hành điều tra các cáo buộc nghiêm trọng về tra tấn và ngược đãi những người bị bắt. Một số ít các phiên tòa xử công khai những nghi can gây bạo loạn cho thấy có đầy rẫy những vấn đề về quyền được đại diện pháp lý, chủ ý chính trị hóa quá lộ liễu của cơ quan tố tụng, và không thông báo lịch mở phiên xử và tổ chức phiên tòa thực sự công khai như luật định.

Cũng theo HRW, dưới vỏ bọc chống khủng bố và chống ly khai, chính quyền cũng duy trì một hệ thống phân biệt đối xử sắc tộc rộng khắp, nhằm vào những người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác, song song với chính sách quản lý siết chặt về tôn giáo và văn hóa, cùng với các cuộc bắt bớ vì những lý do chính trị.

HRW cũng cho biết: Đại hội lao động toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức ở Tân Cương vào năm 2010 đã thông qua các biện pháp kinh tế với mục đích tăng thu nhập, nhưng lại có thể gạt các nhóm dân tộc thiểu số ra ngoài lề hơn nữa. Tính đến cuối năm 2011, 80% các khu dân cư truyền thống trong thành phố Khách Thập cổ kính của người Duy Ngô Nhĩ bị giải tỏa. Nhiều người dân Duy Ngô Nhĩ đã bị cưỡng chế khỏi nơi ở cũ và tái định cư để lấy đất xây những khu đô thị mới, chắc có thành phần cư dân mới đa số là người Hán.

 Nguồn cơn bạo loạn ở Tân Cương

Nếu Tân Hoa xã vẫn cố gắng tiếp nối mạch thông tin một chiều của mình, thì trong thực tế lại có nhiều cách nhìn nhận về vấn đề Tân Cương.

Văn Cầm Hải - một nhà văn sống ở nước ngoài, dựa vào nhiều tài liệu nghiên cứu, đã phác ra một cái nhìn toàn cục về lịch sử mối quan hệ Trung Quốc - Tân Cương.

Trong cách nhìn rất đáng chú ý này, Trung Quốc là một đất nước mà một phần lịch sử được dựng lên bởi sự kiên trì theo đuổi công cuộc Hán hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác đối với các vùng đất họ lấn chiếm và thèm muốn. Tân Cương, vùng lòng chảo sa mạc Gobi-Taklamakhan mênh mông gió cát, thánh địa của dòng Hồi giáo Sunni chính thống Hanafi của tộc người Uyghur là một ví dụ điển hình. Quá trình chiếm đất lấn dân diễn ra từ năm 139 trước Công Nguyên khi Trương Khiên đời Hán Vũ Đế dấn thân ra chốn quan ải tìm đến con đường tơ lụa nối liền Âu - Á, cho đến năm 1884 triều Mãn Thanh biến lãnh thổ Đông Turkestan thành Xinjiang - Tân Cương cho đến ngày hôm nay dưới chính quyền Bắc Kinh.

Từ chỗ chỉ có 4% là người Hán năm 1949, đến nay Tân Cương đã có hơn 40% là người Hán với hơn 8 triệu người. Người Uyghur bản địa bị người Hán áp đảo về mặt dân số, kinh tế, chính trị và văn hóa ngay trên chính mảnh đất tổ tiên của mình. Theo một cuộc điều tra, 82% người dân Uyghur nhìn nhận quan hệ Hán - Uyghur rất tệ hại và có cái nhìn tiêu cực về chính sách tự do tôn giáo của chính quyền, vì những đạo luật không cho phép trẻ em đến nguyện cầu ở thánh đường hoặc tham gia các lễ hội tôn giáo cho đến năm 18 tuổi. 82% dân bản địa không muốn kết bạn với người Hán và 94% dân chúng Uyghur không biết đến những ngày lễ quốc gia Trung Quốc.

Nhờ có vị trí địa lý tựa lưng vào những người anh em Hồi giáo ở Afghanistan, Pakistan và các nước Trung Á bao quanh, phong trào ly khai của người Uyghur đã gia tăng những vụ xung đột sắc tộc và tôn giáo giữa người Hán và Uyghur. Nếu trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20 chỉ có 200 vụ việc với 162 người bị chết, 440 bị thương thì chỉ riêng trong năm 2008, theo số liệu chính thức đã có 184 người bị chết từ những vụ đàn áp của chính quyền, trong khi các phong trào ly khai công bố có đến 600 đến 800 nạn nhân Ughur bị giết hại.

 Ám ảnh chính thể

Giờ đây, chính quyền Trung Quốc đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: hoặc tiếp tục đàn áp dân chúng Hồi giáo Uyghur hay xa lánh họ, hoặc là khuyến khích người Uyghur bảo vệ tín ngưỡng tôn giáo của họ, cho dù những điều này sẽ làm cho dân Uyghur tăng cảm giác ly khai và ác cảm với xã hội người Hán.

Xét về nhiều khía cạnh, cả hai chủ thuyết trên đều dẫn đến sự bất ổn, vì nếu không bất an cho người Duy Ngô Nhĩ thì lại tạo cảm giác thiếu an toàn cho chính quyền trung ương - một trạng thái mà Bắc Kinh luôn lo sợ khi phải đối mặt với nhiều làn sóng bạo động xã hội trong những năm qua.

Tân Cương lại là nơi tập trung những đặc thù mang tính thống nhất của khuynh hướng bạo động xã hội. Trên hết, người ta không thể chỉ nói đến Tân Cương mà không ngó sang khu tự trị Tây Tạng - nơi đã và đang xảy ra một làn sóng tự thiêu cực kỳ quyết liệt của giới tăng lữ nhằm phản đối chính sách đối xử bất công với tôn giáo của chính quyền Bắc Kinh.

Tân Cương cũng in đậm dấu vết của Ô Khảm hay nhiều địa diểm trong lòng người Hán - những nơi đã xảy ra xung đột hoặc bùng nổ bạo loạn phản ứng trước phong trào trưng thu đất đai.

Một vấn đề khác, chưa phải cuối cùng và mang tính tích tụ không kém, đó là Duy Ngô Nhĩ cho đến nay vẫn bị liệt vào nhóm sắc tộc thiểu số và bị người Hán đối xử theo một kiểu cách hành xử mà chỉ có giới người Hán mới có khi thực hiện ý đồ lấn đất và di dân. Hậu quả là, công cuộc “thay máu” này sẽ mang lại một cảm xúc căm thù hơn là thái độ chấp nhận bị lệ thuộc.

Những gì mà chính quyền trung ương đang phải đắp vá tại Tân Cương cũng đang diễn ra gần như vậy ở Tây Tạng và Nội Mông, với tính chất và nội dung có phần khác biệt, nhưng nguy cơ ám ảnh chế độ toàn trị là như nhau. Cùng lúc, rất nhiều vấn nạn nội tại trong lòng Trung Quốc cũng đang nổ ra, bắt buộc Bắc Kinh phải phân tán quyền lực để giải quyết từng vụ việc, trong khi họ lại rất cần cơ chế tập quyền nhằm giải bài toán nhân sự của đại hội đảng lần thứ 18 trong năm 2012 này.

Chưa kể đến nguy cơ ngày càng hữu hình về một cuộc suy thoái trầm trọng mà có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính và khủng hoảng toàn diện nền kinh tế Trung Quốc - vẫn đang giống như lưỡi hái thần chết treo lơ lửng trên đầu quốc gia này…

Và vì thế, bất chấp nhiều cố gắng của Tân Hoa xã và các cơ quan tư tưởng trong lối tuyên truyền một chiếu, bầu không khí xã hội - chính trị ở Trung Quốc vẫn ẩn chứa một sắc thái ngòi nổ của thùng thuốc súng, trong đó những vụ bạo loạn tại Tân Cương chỉ là một que diêm.

  Nguồn Tầm nhìn nét


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giống tiêu Srilanka năng suất cao

Giống tiêu Srilanka có nguồn gốc từ quốc đảo Srilanka với tên gọi quốc tế là Ceylon Khoo hiện đang được trồng nhiều tại phía bắc Thái Lan và biên giới Campuchia. Giống đã được Trung Tâm Cây Giống Vườn ươm Minh Phát nhập về và nhân giống thành công. Đặc điểm của giống tiêu này này là...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây