Chiều ngày 29/1, ông Đỗ Trung Thành, phó phòng kinh doanh gas của Saigon Petro đã chính thức công bố giá gas SP tháng 3 của hãng sẽ tăng 4.333 đồng/kg, tương đương mức tăng 52.000 đồng/bình 12kg so với đầu tháng 2, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng khu vực TPHCM là 477.000 đồng/bình 12kg. Xin nhắc lại, tăng 52.000 đồng/bình 12kg so với đầu tháng 2 chứ không phải so với giá gas hiện tại.
Bởi vào đầu tháng 2, giá gas tăng 42.000 đồng/bình 12kg lên mức 425.000 đồng/bình 12kg. Sau khi các cơ quan truyền thông lên tiếng về việc giá tăng quá cao, Bộ Tài chính nhảy vào thanh tra giá gas thì nhiều hãng lớn đã chấp nhận giảm khoảng 10.000 đồng/bình 12kg với tuyên bố là “hỗ trợ người tiêu dùng” kể từ ngày 10/2, kéo giá gas xuống còn 415.000 đồng/bình 12kg.
Như vậy, chính xác là giá gas kể từ đầu tháng 3 sẽ tăng 62.000 đồng/bình 12kg so với giá gas hiện tại. Các hãng khác như MT Gas, Vinagas cũng cho biết sẽ tăng ở mức tương tự kể từ ngày 1/3.
Giá gas tháng 3 đạp đổ mọi kỷ lục
Tổng cộng kể từ đầu năm 2012 đến nay giá gas đã 5 lần điều chỉnh giá. Cụ thể, đầu tháng 1 tăng 24.000 đồng/bình 12kg vì giá CP thế giới tăng, sau đó tăng 8.000 đồng/bình 12kg vì thuế nhập khẩu tăng, đầu tháng 2 tăng 42.000 đồng/bình 12kg, ngày 10/2 giảm 10.000 đồng/bình 12kg và từ ngày 1/3 tăng 62.000 đồng/bình 12kg. So với giá gas cuối năm 2011 thì giá gas hiện nay đã tăng đến 126.000 đồng/bình 12kg, tức là gần 36%.
Theo ông Đỗ Trung Thành, lý do giá gas tăng kỷ lục như trên là do giá CP thế giới tháng 3 lên đến 1.205 USD/tấn, tăng 180 USD/tấn so với tháng 2. Giá nhập khẩu tăng thì giá bán lẻ tăng là điều hiển nhiên. Nhưng điều đáng nói khi giá gas thế giới tăng thì giá bán lẻ trong nước đều tăng theo với tỷ lệ “nhỉnh” hơn 1 chút.
Tính đại khái, tháng 3 giá CP tăng 180 USD/tấn (tương đương gần 3.800 đồng/kg) thì giá bán lẻ tăng hơn 4.300 đồng/kg; Tháng 2 giá CP tăng 145 USD/tấn (tương đương khoảng 3.000 đồng/kg) thì giá bán lẻ tăng 3.500 đồng/kg; Tháng 1 giá CP tăng 85 USD/tấn (tương đường gần 1.800 đồng/kg) thì giá bán lẻ tăng 2.000 đồng/kg. Mức tăng “nhỉnh” trên cứ lũy tiến theo từng tháng thì lợi nhuận của nhà phân phối ngày càng cao, cách biệt so với giá gốc ngày càng xa.
Trong tháng 2, sau thông tin giá gas tăng đột biến đến 20% trong vòng 1 tháng đã khiến UBND TPHCM lưu ý và chỉ đạo Sở Tài chính thanh tra giá gas, kéo theo đó là nhiều hãng lớn đã chấp nhận hạ giá.
UBND TP cũng đã chỉ đạo Sở Tài chính nghiên cứu đưa gas vào danh mục hàng bình ổn giá. Thế nhưng, các doanh nghiệp đều than vãn là không có cơ sở để thực hiện bình ổn giá để có thể tùy ý tăng giá.
Hy vọng với mức tăng kỷ lục trong tháng 3 này sẽ khiến UBND TP thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc minh bạch giá gas và nghiên cứu kỹ hơn việc bình ổn giá mặt hàng này. Bởi gas là chất đốt mà hầu hết người dân TP sử dụng và nó chiếm một khoản chi tiêu không nhỏ trong chi phí tiêu dùng của người dân.
Nguồn Dân Trí