Có nên cấm phụ gia TĂCN chứa Arsen hữu cơ?

Thứ hai - 16/04/2012 19:36

Minh họa

Minh họa
VN có thể thiệt hại 11,3 triệu USD/năm do bệnh cầu trùng gà Phụ gia thức ăn chăn nuôi (TĂCN) chứa arsen hữu cơ như roxarsone, acid arsanilic, nitarsone được dùng để ngăn ngừa bệnh cầu trùng của gà và viêm ruột tiêu chảy của lợn; các phụ gia này cũng được dùng để kích thích tăng trưởng cũng như tạo cho thịt có màu đẹp hơn.

Trong chăn nuôi gà thịt, gà rất dễ mắc bệnh cầu trùng (coccidosis). Nếu bệnh không được ngăn ngừa bằng thuốc cùng với việc giữ gìn vệ sinh chặt chẽ thì bệnh này sẽ lây lan nhanh, biểu mô ruột của con vật bị tổn thương, đàn gà bị ỉa chảy nặng, khả năng tiêu hoá hấp thu thức ăn giảm, gà chậm lớn, tỷ lệ chết cao, thiệt hại kinh tế rất lớn. Thiệt hại do bệnh cầu trùng ở gà được ước tính là 0,028 USD/kg thể trọng. Tổng đàn gà cả nước ta khoảng 200 triệu con, nếu để bệnh xảy ra thì thiệt hại hàng năm lên đến 11,3 triệu USD.

 

Một cơ sở SX TĂCN

Phụ gia TĂCN chứa arsen hữu cơ đã được dùng phổ biến do ngăn ngừa hiệu quả bệnh cầu trùng. Các hợp chất chứa arsen hữu cơ đã được Tổ chức Thuốc và thực phẩm Hoa kỳ (FDA) cho phép dùng như một phụ gia TĂCN từ những năm 1940. Trong số các hợp chất chứa arsen hữu cơ thì roxarsone được dùng phổ biến nhất để ngăn ngừa bệnh cầu trùng ở gà.

Trong công nghiệp chăn nuôi gà broiler (gà thịt) ở Mỹ, thức ăn cho gà thường được trộn roxarsone với liều 50 mg/kg và mỗi ngày gà sẽ ăn khoảng 3,5 mg roxarsone trong suốt 6 tuần nuôi. Hàng năm toàn nước Mỹ nuôi khoảng 8 tỷ con gà broiler, như vậy khối lượng roxarsone dùng cho gà lên đến gần 1.000 tấn mỗi năm.

Việc sử dụng roxarsone và các phụ gia khác chứa arsen hữu cơ để phòng chống bệnh cầu trùng cho gà hay lợn đã được các tổ chức an toàn thực phẩm của Hoa kỳ (IATP: Viện Chính sách Thương mại và Nông nghiệp (IATP) và CFS: Trung tâm An toàn Thực phẩm) cảnh báo là nguy hiểm và kiến nghị đình chỉ sử dụng.

Có hai lý do mà các tổ chức này đưa ra là: Asen trong phụ gia dù là arsen hữu cơ đã làm trầm trọng thêm sự ô nhiễm arsen vốn đã có trong đất và nước. Arsen hữu cơ tồn dư trong thịt, gan của động vật có thể chuyển hoá thành dạng vô cơ và gây nguy cơ độc hại.

Khi con vật ăn phụ gia chứa arsen hữu cơ, khoảng 3/4 arsen không hấp thu sẽ được thải ra ngoài theo phân, vi khuẩn của đất và của phân sẽ biến arsen hữu cơ thành arsen vô cơ. Arsen vô cơ là nguyên tố gây ung thư cho người và các bệnh khác như tim mạch, tiểu đường và suy giảm trí nhớ.

Khi bón phân gia cầm chứa arsen vô cơ cho cây trồng, arsen sẽ nhiễm vào đất trồng trọt cũng như nhiễm vào nguồn nước ngầm và nước mặt.

Sử dụng nguồn nước nhiễm arsen trong một thời gian dài sẽ gây ngộ độc mãn tính với các triệu chứng tổn thương gan, vàng da và xơ gan, tổn thương mạch ngoại biên làm các đầu chi bị xạm lại, chân thối hoại, da hóa sừng, thiếu máu, rối loạn nhịp tim, sút cân, giảm trí nhớ và đặc biệt gây ung thư da, phổi, gan, thận, đại tràng và bàng quang. Thai nhi và trẻ nhỏ là những đối tượng nhạy cảm nhất đối với ảnh hưởng độc của arsen. Những nghiên cứu mới còn cho biết nếu người bị nhiễm arsen thì năng lực chống lại tác nhân gây bệnh bởi virus như virus HIV cũng bị suy giảm.

Nguy cơ nhiễm độc arsen từ nguồn nước ngầm xảy ra rộng khắp trên thế giới, từ châu Mỹ La tinh cho đến châu Á. Riêng ở Bangladesh và Tây Bengal, Ấn Độ ước tính có đến 50 triệu người , ở Trung Quốc 13- 14 triệu người bị nguy cơ nhiễm độc do nước uống nhiễm arsen.

Ở nước ta từ vùng đồng bằng sông Hồng cho đến ĐBSCL, nguy cơ nhiễm độc arsen từ nguồn nước giếng khoan gây ra cho hàng chục triệu người cũng đã được cảnh báo từ vài năm gần đây.

Ngay ở Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ cũng ước tính rằng có tới 13 triệu người Mỹ trong năm 2001 đã uống nước dây nhiễm với arsen ở mức 10 ppb (10 microgam/lít) (tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng arsen trong nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là ≤ 10 ppb). Tỷ lệ phát triển nguy cơ ung thư của số người này được ước tính là 1/300.

Như vậy, việc sử dụng các hợp chất chứa arsen trong phụ gia TĂCN sẽ làm trầm trọng thêm gánh nặng ô nhiễm arsen trong nước vốn đã là một yếu tố nguy cơ cần báo động.

Nuôi gà bằng roxarsone và các hợp chất chứa arsen hữu cơ khác còn để lại tồn dư các hoá chất này trong thịt và phủ tạng động vật. Các thử nghiệm của IATP trên các mẫu thịt gà chưa chế biến lấy ở các siêu thị hay trên các mẫu “fast food” chứa thịt gà, đã thấy 55% mẫu thịt gà chưa chế biến và 100 mẫu thịt gà trong “fast food” chứa tồn dư arsen. Arsen tồn dư trong thịt gà một khi đi vào ống tiêu hoá của người thì vi khuẩn ống tiêu hoá có thể biến arsen hữu cơ thành các dạng arsen vô cơ như arsenate (chứa As hoá trị 5) và arsenite (chứa As hoá trị 3). Cả hai loại muối arsen này đều được xếp vào nhóm các chất gây ung thư.

 

Trong chăn nuôi gà nước ta phụ gia chứa arsen hữu cơ cũng đang được dùng phổ biến. Những thông tin trên đây mong là một cảnh báo đối với người nuôi cũng như đối với các cơ quản lý thuộc các ngành Thú y, Chăn nuôi và An toàn thực phẩm.

Các nhà khoa học của FDA với những phương pháp mới cũng đã phát hiện thấy arsen vô cơ trong gan gà sử dụng 3-Nitro (chế phẩm roxarsone chứa arsen hữu cơ), tuy nhiên mức arsen vô cơ này trong gan rất thấp và FDA vẫn cho rằng mức này là an toàn đối với sức khoẻ người và không cần phải bỏ ăn thịt của gà đã sử dụng 3-Nitro. Rất tiếc cho đến nay mức tồn dư arsen vô cơ trong thịt gà sử dụng 3-Nitro vẫn chưa được FDA đánh giá.

Xuất phát từ những nguy cơ trên, năm 2009 IATP và CFS của Hoa Kỳ đã kiến nghị FDA rút lại việc phê chuẩn cho phép sử các phụ gia chứa arsen trong thức ăn chăn nuôi, các phụ gia này bao gồm: Roxarsone (3-nitro-4-hydroxyphenyllarsonic acid). Arsanilic acid (p-arsanilic acid). Nitarsone (4-nitrophenylarsonic acid). Carbarsone (p-ureidophenylarsonic acid).

Các nước EU cũng không cho phép sử dụng các hợp chất chứa arsen hữu cơ trong TĂCN vì thiếu những bằng chứng khoa học để chứng minh cho tính an toàn của chúng.

Ngay cả Cty dược Alpharma, một chi nhánh của tập đoàn dược khổng lồ của Hoa Kỳ cũng đã đình chỉ bán 3-Nitro trong vòng 30 ngày kể từ 8/6/2011. Cty tuyên bố rằng việc quyết định ngừng bán thuốc này trong thời kỳ trên là để người nuôi có thời gian chuyển dùng những thuốc khác và những biện pháp xử lý khác hiệu quả và an toàn hơn đối với bệnh của gia cầm.
Theo Báo Nông Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất vượt trội

Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây