Mất mạng vì chống hạn
Đã giữa trưa, nắng như đổ lửa trên đầu nhưng ông Trần Văn Quang (thôn Thạch Sơn, xã Ea M’droh, huyện Cư M’Gar, Đăk Lăk) cùng một số người nữa vẫn chưa nghỉ tay. Họ miệt mài cùng đắp kè để ngăn nước. 3 tháng qua, để tìm nước tưới cho cafe, ông Quang đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc để múc ao, đào “giao thông hào” bên với hy vọng tìm được chút nước mạch.
Và cuối cùng, ông cùng 3 hộ dân nữa đã nghĩ ra cách ngăn suối để lấy nước. Họ góp tổng cộng 80 triệu đồng để mua gạch, đá về xây một bờ kè chắn ngang qua suối Ea M’Droh. Nhưng hiện con suối này chỉ còn trơ đá, hy vọng Ea M’Droh này sẽ rỉ ra ít nước mạch và sẽ được giữ lại bởi bức tường chắn kia của ông Quang cùng các hộ dân gần như không thể thành hiện thực.
Ông Quang bảo: “Thấy vườn cafe ngày càng khô héo, chết dần, xót của nên phải tìm mọi cách để cứu chứ chẳng cần phải suy nghĩ thiệt hơn”.
Cũng ở Thạch Sơn, nhiều ngày qua, ông Lê Cảnh Thu đã bỏ ra hơn 20 triệu đồng để đặt vào “canh bạc” đầy rủi ro. Suốt hơn 10 ngày liền ông thuê người ngày đêm thay nhau khoan giếng tìm nước. Nhưng mỗi lúc mũi khoan xuống sâu hơn thì hy vọng của ông Thu càng mất dần đi. Và ông Thu gần như đã nắm chắc phần thua trong “canh bạc” này bởi mũi khoan đã đi được gần 100m nhưng thứ ông tìm được không phải là nước mà chỉ là đá tảng.
“Chắc phải ngừng khoan, đi tìm chỗ nào có nước mua về mà tưới vườn tiêu” - ông Thu nói.
Không chỉ ở Ea M’Droh mà thời điểm hiện tại đã có rất nhiều địa phương khắp vùng Tây Nguyên như Cư Jut, Đăk Mil (tỉnh Đăk Nông), Ia Grai (Gia Lai), Krông Puk (Đăk Lăk)... người dân cũng đang phải tìm đủ cách để “mót” nước cứu cây trồng. Nhiều nơi người dân phải thức thâu đêm “xếp hàng” để đợi đến lượt mình bơm nước. Đau đớn nhất là cái chết tức tưởi của 2 người dân ở thôn 6, xã Ea Ngai, huyện Krông Buk. Họ đang đào đất để sửa lại chiếc cống bị rò rỉ thì bị đất sập xuống vùi lấp.
Ao hồ, sông suối khô cạn
Tại các tỉnh Tây Nguyên, diện tích được tưới từ các công trình thủy lợi chỉ đạt khoảng 30%. Mặc dù các tỉnh đã chủ động giảm diện tích sản xuất vụ đông-xuân song theo dự báo trong thời gian tới sẽ có hàng trăm ngàn ha cây trồng bị khô hạn.
Theo thống kê của mới nhất của Sở NNPTNN Đăk Nông, tỉnh này hiện đã có hơn 200ha đứng trước nguy cơ mất trắng, gần 800ha cây công nghiệp khác đang trong tình trạng thiếu nước. Trong khi đó, hiện đã có 5 hồ chứa đã khô cạn, nước ở các sông suối tuy còn nhưng rất ít và gần như đã cạn kiệt ở phía thượng nguồn. Sở này dự báo đến cuối tháng 3 nếu vẫn không có mưa thì sẽ có thêm 19 hồ nữa bị khô nước, và sẽ có thêm khoảng 800ha cây trồng nữa tại các huyện Cư Jut, Đăk Song, Krông Nô chịu ảnh hưởng nặng nề. Cùng với đó sẽ có khoảng 2,5 vạn dân thiếu nước sinh hoạt.
Tại Đăk Lăk, thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp tỉnh này cũng cho thấy hiện đã có gần 1.000ha cây trồng các loại bị hạn và khoảng 2.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, trên địa bàn đã có 46 hồ chứa trơ đáy và dự kiến đến cuối tháng 3 sẽ có thêm 250 hồ chứa nữa cạn nước. Nghiêm trọng hơn, do tình trạng suy giảm mực nước ngầm nên nhiều nơi sẽ không thể tìm được bất cứ nguồn nước nào để tưới. Cụ thể là các vùng như Ea M’Droh, Ea Tar, Quảng Hiệp, Ea Kuêh (huyện Cư M’Gar), phía Đông Bắc huyện Ea Kar và các xã Ea Trang, Krông Jin, Cư San của huyện M’Drăk.
Theo các cơ quan chức năng, mùa mưa năm 2015 đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-30%, tổng lượng mưa trung bình khu vực này giảm từ 200-500mm so với năm 2014. Trong khi đó nền nhiệt trung bình lại tăng cao hơn các năm trước. Đây là nguyên nhân chính khiến Tây Nguyên lâm vào “đại hạn”.
Theo thống kê của mới nhất của Sở NNPTNT Đăk Nông, tỉnh này hiện đã có hơn 200ha đứng trước nguy cơ mất trắng, gần 800ha cây công nghiệp khác đang trong tình trạng thiếu nước.
Tác giả bài viết: Duy Hậu
Nguồn tin: Dân Việt
Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...