Đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột: 2015 mới được xem xét

Thứ sáu - 18/01/2013 21:03

Ảnh Minh Họa

Ảnh Minh Họa
Ông Trịnh Đức Minh – Phó GĐ Sở KH-CN tỉnh Đăk Lăk khẳng định, có thể phải đến năm 2015 vụ kiện đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị DN Trung Quốc xâm hại mới được đem ra xem xét!

Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp đăng bạ bảo hộ tại VN cho tỉnh Đắc Lắc vào năm 2005, nhưng sau đó nó không được tỉnh này đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với một nước nào trên thế giới. Chính sự lơ là, mất cảnh giác này của tỉnh Đắc Lắc đã tạo cơ hội cho DN Trung Quốc xâm hại thương hiệu vào tháng 3/2011. Ngay từ thời điểm đó, cà phê Buôn Ma Thuột đã quá nổi tiếng, được XK đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với kim ngạch  từ 500 - 600 triệu USD/năm với các thị trường rất lớn như Đức, Nhật, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha… Chính vì thế, việc DN Trung Quốc ăn cắp bản quyền đã gây cơn “địa chấn” trong ngành cà phê VN.

 

Ngày 15/1, ông Trịnh Đức Minh – Phó GĐ Sở KH-CN tỉnh Đăk Lăk cho biết, khi mới nghe tin “sốc” này, các cơ quan Nhà nước, cộng đồng DN, Hiệp hội cà phê hết sức lo ngại. Ai cũng bối rối vì lần đầu tiên chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột bị một DN Trung Quốc xâm hại. UBND tỉnh Đăk Lăk đã tức tốc vào cuộc, tham mưu với các Bộ, ngành trung ương để có một chiến lược bảo vệ lâu dài.

Cụ thể, tỉnh chỉ đạo Sở KH-CN tiến hành một dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột”. Sau đó, ủy quyền cho Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đứng ra làm chủ đơn khiếu kiện, cũng như làm chủ đơn đăng ký nhãn hiệu này ra các thị trường lớn trên thế giới. Tháng 3/2012, toàn bộ hồ sơ của vụ kiện đã được nộp cho Văn phòng khiếu kiện và xét xử của Cục sáng chế và nhãn hiệu Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó, Cục này có phản hồi lại là: “Vụ kiện sẽ được xem xét trong vòng 3 năm!”. Nếu tính từ thời điểm nộp đơn (tháng 3/2012), thì có thể phải đến tháng 3/2015 vụ kiện đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mới được xem xét xử lý!

Ông Minh cũng cho rằng, trước mắt chúng ta phải tôn trọng pháp luật của nước sở tại vì những vụ tranh chấp dạng này tại Trung Quốc luôn có hàng triệu lá đơn, họ phải quy định thời gian khá dài để sắp xếp giải quyết từ từ mới hết. Hiện tại về phía VN, UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn đang kêu gọi các DN, Hiệp hội cà phê hỗ trợ nguồn tài chính để tiếp tục theo đuổi tới cùng vụ kiện này. Đặc biệt, ông Minh cũng khẳng định, tỉnh Đăk Lăk đã chỉ đạo tổ chức đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại hàng loạt thị trường trọng điểm tiêu thụ cà phê trên thế giới. Từ tháng 3/2012 đến nay, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã nộp đơn đăng ký tới 17 quốc gia tiêu thụ cà phê lớn của VN.

Tuy nhiên, việc này mới dừng ở đăng ký, chưa được các nước đồng ý. Sở KH-CN Đắk Lắk cho rằng, đây là cả một quá trình rất dài, không phải cứ nộp đơn là được các nước đồng ý ngay. “Đơn cử như thương hiệu nước mắm Phú Quốc đăng ký tại Châu Âu từ năm 2008, nhưng phải đến năm 2012 mới được công nhận. Vì thế, câu chuyện cà phê Buôn Ma Thuột đăng ký nhãn hiệu hay bảo hộ chỉ dẫn địa lý ra thế giới cũng không thể nhanh hơn được” – ông Minh nói.

Như vậy, từ tiết lộ của vị Phó GĐ Sở KH-CN Đăk Lăk, việc đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đang khá… mịt mờ, nhất là DN Trung Quốc đang nắm “đằng chuôi” khi được Cục sáng chế và nhãn hiệu Trung Quốc sử dụng chiêu kéo dài thời gian. Điều đó có nghĩa, từ nay đến năm 2015, DN Trung Quốc vẫn đường hoàng sử dụng trái phép thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mà không gặp bất cứ trở ngại gì! Việc làm này đang tiếp tục gây tổn thất nghiêm trọng về kinh tế và uy tín cho mặt hàng cà phê Buôn Ma Thuột của VN!
Theo BNNVN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giống tiêu Srilanka năng suất cao

Giống tiêu Srilanka có nguồn gốc từ quốc đảo Srilanka với tên gọi quốc tế là Ceylon Khoo hiện đang được trồng nhiều tại phía bắc Thái Lan và biên giới Campuchia. Giống đã được Trung Tâm Cây Giống Vườn ươm Minh Phát nhập về và nhân giống thành công. Đặc điểm của giống tiêu này này là...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây