Ép dân dùng nước thải bón cây trồng

Thứ năm - 26/07/2012 14:11

Minh họa

Minh họa
Ép dân dùng nước thải bón cây trồng 5 năm qua, gần 1.000 hộ dân đã bị Cty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung (trụ sở ở P.Bắc Sơn, TX.Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) ép phải dùng nước thải Miwon làm phân bón tưới cho cây trồng. Kết quả là nhiều diện tích mía, dứa chết hàng loạt, cao su quăn rễ, còn môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tưới đến đâu, mía chết đến đó

Cty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung (trước là Nông trường Hà Trung, trong bài viết này, gọi tắt Cty Hà Trung) được Nhà nước giao 1.500ha đất, năm 1996. Từ đó, Cty đã giao khoán cho gần 1.000 hộ dân thuộc TX.Bỉm Sơn và huyện Hà Trung nhận khoán 1.253 ha đất sản xuất (trồng mía, dứa, cao su và các cây trồng khác).

Theo phản ánh của người dân, từ năm 2008 đến nay Cty Hà Trung đã đưa nước thải Miwon (dạng lỏng) từ tận tỉnh Phú Thọ về để tưới cho mía, cao su và dứa. Tuy nhiên, cũng từ đó, loại nước này tưới đến đâu, các loại cây trồng khô, héo và chết đến đó. Đã nhiều lần các hộ phản ánh lên Cty ngừng việc dùng nước thải này nhưng không thấy Cty có ý kiến gì, ngược lại vẫn cho người dân sử dụng bình thường. Không những thế Cty còn đưa vào sử dụng đại trà vụ 2011-2012 khiến nhiều diện tích mía của người dân chết, phải thay toàn bộ giống.


Không dùng nước thải Miwon, người trồng mía bị Cty dọa thu lại đất

Ông Nguyễn Tiến Dụng, đội sản xuất Hà Long 1 bức xúc cho biết, thời gian đầu Cty Hà Trung chở nước thải từ nhà máy Miwon Việt Nam ở Phú Thọ về để tưới cho cây trồng, không có chỗ chứa, đã trải bạt lên nền nhà cũ của nhà trẻ đội sản xuất số 7 để chứa, nước thải ngấm ra bên ngoài làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân xung quanh. Nước có màu đen kịt, mùi hắc, rất khó chịu. Sau khi người dân quá bức xúc, Cty mới cho xây dựng hai bể chứa với tổng dung tích khoảng 150m3.

Vụ 2010- 2011, ông Dụng trồng hơn 1 ha mía đã sử dụng nước thải Miwon. Chỉ một tháng sau, gần nửa diện tích cây mía giống của gia đình ông chết sạch. Ông khẳng định mía chết là do nước thải, đồng thời báo cáo lên Cty và được cán bộ kỹ thuật xuống nghiệm thu khẳng định chết 47%. Tuy nhiên nguyên nhân chết như thế nào thì cán bộ kỹ thuật của Cty không có kết luận cụ thể, mà chỉ nói miệng với gia đình ông là có thể do thời tiết hay phương pháp phun phân Miwon chưa đúng cách, trồng không đúng kỹ thuật.

Vụ đó, ông Dụng phải bỏ ra hơn chục triệu đồng mua giống trồng lại. “Mấy năm trước nhiều hộ đã dùng nước thải này để tưới cũng đã bị chết. Biết vậy nên gia đình tôi nhất quyết không dùng. Nhưng Cty ép nhà tôi. Họ nói nếu không dùng sẽ thu lại đất sản xuất. Tôi buộc phải dùng và hậu quả là mía giống chết hết”, ông Dụng uất ức nói.



Bể chứa và nước thải Miwon nổi váng trắng

Hộ ông Phạm Văn Thông cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Với diện tích trồng mía 1,5 ha gia đình ông cũng bị Cty ép dùng gần chục xe téc bơm nước thải. Sau khi dùng nước thải, ruộng mía dần héo quắt. Phản ánh lên Cty chẳng thấy Cty có ý kiến hay hỗ trợ gì. Toàn bộ số giống mới ông phải tự mua lại. Theo ông Thông, hầu hết những gia đình trồng mía bị bắt phải dùng nước thải Miwon đều bị chết. Tuy nhiên nhiều người không dám phản ánh lên vì sợ công ty trù dập, thu hồi lại đất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ các nông trường viên phải chịu cảnh này mà nhiều thửa ruộng của cán bộ trong Cty như nhà ông Uyên, Ba… diện tích mía cũng bị chết.

Ngoài việc dùng nước thải Miwon khiến mía chết, khi dùng cho cây cao su rễ cũng bị quăn lại, gốc cây nứt toác… Đặc biệt, mỗi lần người dân tưới nước thải Miwon vào gốc cao su, quanh gốc cây giun chui lên cả vốc tay lăn ra chết. Nhất là mỗi lần phun, nước thải chẳng may quệt phải lá cây nào thì lá cây đó héo, chết cháy.

Trước thực trạng trên, vào mỗi buổi họp đội định kỳ hàng tháng các đội sản xuất đều phản ánh việc dùng nước thải Miwon làm chết diện tích cây trồng. Và, tất cả họ đều không nhất trí tưới vì sợ ảnh hưởng đến năng suất.

Không dùng nước thải, thu đất sản xuất

Sau thực trạng mía chết hàng loạt, Cty Hà Trung đã rút kinh nghiệm, đưa ra liều lượng 2 nước thải, 3 nước lã. Sử dụng ở liều lượng này tuy không còn hiện tượng chết, nhưng không có tác dụng gì, vẫn phải bón tất cả các loại phân bón khác như quy trình. Trong khi đó, mỗi lần phun dân đều phải trả tiền với giá “cắt cổ” 550.000 đồng/téc. Trung bình mỗi ha phải phun ít nhất 4-5 téc, vị chi mỗi vụ, 1 hộ có 2 ha cũng mất trên dưới 5 triệu đồng.


Một xe téc nước thải Miwon giá tới 550.000 đồng

Sở dĩ người dân phải cam chịu, đơn giản chỉ vì họ đang nhận thuê khoán đất của Cty. Nên nếu ai không “tuân lệnh” sẽ bị “trảm” theo hình thức thu lại đất sản xuất, do đó ai cũng sợ, đành phải ngậm miệng làm theo chỉ đạo của Cty trên tinh thần “tự nguyện”.

 

+ Trước bức xúc của người dân, đầu năm 2012, Sở TN-MT Thanh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra việc sử dụng nước thải của Cty Hà Trung. Sở TN-MT Thanh Hóa kết luận: Nước thải Miwon là phân bón hữu cơ có tên là MV-L (dạng lỏng), nằm trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam theo quyết định số 105/2008/QĐ-BNN ngày 22/10/2008 của Bộ NN-PTNT. Trong quá trình sử dụng nước thải Miwon, Cty đã chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật của cấp thẩm quyền cho phép.

"Hiện tại toàn bộ diện tích đất của Cty chỉ có một tấm bìa đỏ. Diện tích đất đó được giao khoán cho người dân làm. Vì vậy ai không làm theo quy định của Cty (tức là dân không dùng nước thải bón cho mía, cao su – PV) thì chúng tôi sẽ thu lại đất". (Ông Phạm Duy Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Cty Hà Trung).

Nhiều hộ đã đối phó với Cty bằng cách, mỗi lần xe téc đi tưới họ ra nói khéo với lái xe chở nước thải Miwon ra chỗ đất trống, hay ra bờ suối đổ, gia đình chấp nhận nộp tiền coi như đã phun vào ruộng nhà mình. Nhưng Cty lại “đì” bằng cách khi xe chở nước thải đến ruộng, không có dân ở đó lái xe vẫn cứ phun, sau đó tự ghi sổ rồi đè dân lấy tiền.

Dân phản ánh lần nào xe đi phun nước thải Miwon cũng chỉ có mình lái xe pha chế thế nào không ai biết, hoàn toàn không có cán bộ kỹ thuật của Cty đi theo giám sát.

Điều nực cười là, không hiểu trong nước thải Miwon có chất gì mà Cty ép dân phải dùng tưới ruộng như vậy? Một người dân cho biết, khi anh hỏi lái xe rằng muốn thay một xe nước thải đó thành một xe nước lã để tưới vào ruộng thì giá bao nhiêu? Anh lái xe bảo 400 ngàn. Người dân thắc mắc, thế xe nước thải cũng chỉ bằng xe nước lã thôi à? Người lái xe đáp: Đó là quy định của Cty!

Tìm hiểu của chúng tôi, hàng năm Cty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung nhập về 1,2-1,5 nghìn mét khối nước thải từ nhà máy Miwon theo hợp đồng từng năm một với nội dung “hàng cấp miễn phí để sử dụng thử”. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay rất nhiều diện tích mía bị chết, cao su quăn rễ vì “dùng thử” nhưng Cty không những không đền bù thiệt hại mà vẫn tiếp tục ép người dân dùng. Tại sao lại kỳ quặc như vậy? Đằng sau bản hợp đồng sử dụng nước thải miễn phí ấy là cái gì?

Theo BNN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giống tiêu Srilanka năng suất cao

Giống tiêu Srilanka có nguồn gốc từ quốc đảo Srilanka với tên gọi quốc tế là Ceylon Khoo hiện đang được trồng nhiều tại phía bắc Thái Lan và biên giới Campuchia. Giống đã được Trung Tâm Cây Giống Vườn ươm Minh Phát nhập về và nhân giống thành công. Đặc điểm của giống tiêu này này là...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây