Nông dân đã "dám" ăn rau mình trồng

Thứ năm - 26/07/2012 21:23

Minh họa

Minh họa
Chuyện nông dân sợ rau trồng ở ngay vườn nhà do phun thuốc BVTV, chất kích thích quá đà cho rau xanh mướt, dễ bán không còn là chuyện cũ. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở TP HCM sau khi tham gia mô hình trồng rau an toàn (RAT) VietGAP đã "dám" ăn rau do chính mình trồng.


Sản phẩm RAT VietGAP của liên tổ Tân Trung, huyện Củ Chi

THÍ NGHIỆM… RỢN TÓC GÁY

Nông dân Giang Sơn Hà (ngụ ấp Đình, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) đã chứng minh một số sản phẩm rau bán trôi nổi ngoài chợ trời bẩn kinh khiếp bằng một cuộc “thí nghiệm” nho nhỏ như sau: Nấu 2 nồi nước, bỏ 2 rổ rau cải ngọt (1 rổ mua ngoài chợ trời, 1 rổ trồng tại vườn nhà theo VietGAP) đã rửa sạch vào nồi luộc chín. Sau đó vớt rau ra quan sát thì thấy: Nồi nước rau cải mua trôi nổi ngoài chợ có màu đục, ngửi thấy hăng hắc mùi thuốc BVTV; còn nồi nước rau cải vườn nhà làm theo VietGap có màu xanh trong, không vẩn đục, ngửi thấy thơm, không có mùi hắc của thuốc BVTV.

Anh kết luận: “Cả chục năm trồng rau theo kinh nghiệm truyền thống, tôi thừa hiểu nồi nước rau cải đục ngầu kia không khác gì nồi… thuốc độc, toàn thuốc BVTV còn tồn dư trong rau tiết ra đấy!”. Hà khẳng định trước đây, rất nhiều hộ trồng rau sử dụng bừa bãi đủ các loại thuốc BVTV độc hại như thuốc trị quăn lá, cứng lá, vàng úa, sâu vẽ bùa, úng lá, bọ nhảy, sâu đo, sâu róm…".

Đặc biệt, trước khi nhổ đem bán thì đêm hôm trước, không ít nông dân còn lén sử dụng các loại “thần dược” như thuốc “vượt”, thuốc tăng phọt để rau mọc mầm non, có màu xanh mướt. Vậy mà, chỉ khoảng 3 năm tham gia mô hình áp dụng quy trình thực hành SX tốt (GPPs) cho RAT VietGAP, Hà đã có suy nghĩ khác hẳn và thẳng thừng bác bỏ lập luận: “Trồng rau là để bán, vệ sinh an toàn cũng chẳng quan trọng bằng hiệu quả kinh tế”.

Anh bảo: “Trước tôi cũng từng nghĩ thế nhưng lương tâm cắn rứt lắm. Thấy người ta ăn rau mà nhìn thấy… rùng mình thì đúng là không chấp nhận được! Còn giờ đã khác, vườn rau chủ yếu sử dụng các loại thuốc sinh học an toàn, có lợi cho sức khỏe nên cả nhà tôi hàng ngày đã dám ăn rau của chính mình”.

Cũng tham gia 1.500 m2 mô hình trồng rau áp dụng quy trình thực hành SX tốt tại Củ Chi, nông dân Nguyễn Văn Trình (ấp Đình, xã Tân Phú Trung) khoe: “SX rau sạch thấy tâm lý thoải mái lắm vì không cảm thấy… tội lỗi. Đầu ra cũng được liên tổ bao tiêu hết với giá cao hơn 10-15% để cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng của TP HCM. Mình chỉ lo toàn tâm toàn ý SX cho sạch theo đúng hướng dẫn thôi, khỏe re!”.

Kế bên, nông dân Nguyễn Đăng Cường có ruộng rau 2.000 m2 cùng ấp Đình cũng khẳng định, sướng nhất là sức khỏe của gia đình được đảm bảo vì làm theo VietGAP phải sử dụng bảo hộ lao động, lại được hướng dẫn mua thuốc sinh học, ghi chép sổ sách, thời gian cách ly... “Vừa lợi cho sức khỏe, vừa cho hiệu quả kinh tế, tại sao tôi không làm theo chứ? Nếu còn đất, tôi sẽ quyết mở rộng mô hình trồng RAT VietGAP”, anh Cường vui vẻ nói.

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI CHO RAU SẠCH

Đây là một trong những mục tiêu quan trọng mà Sở NN-PTNT TP HCM tích cực triển khai để thu hẹp dần lối SX thiếu an toàn, đồng thời tìm đầu ra ổn định cho nông dân trồng rau VietGAP.

 

Trên địa bàn TP đã có 5.227 người SX rau được cấp giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn về SX, sơ chế RAT. Đặc biệt, doanh thu và lợi nhuận của nông dân tăng lên rất rõ rệt. Đơn cử như tại HTX RAT Phước An, doanh thu năm 2008 chỉ đạt gần 2,4 tỷ đồng thì đến năm 2012 đã tăng lên 15 tỷ đồng. Điều này đã giúp cho phong trào trồng RAT VietGAP tại TP HCM ngày càng tạo được niềm tin, được đông đảo nông dân nhiệt tình ủng hộ.

Theo ông Lê Minh Dũng - Phó GĐ Sở NN-PTNT TP HCM, vấn đề đầu ra tốt sẽ giúp diện tích trồng RAT VietGAP của TP ngày càng gia tăng, nông dân tin tưởng, hào hứng làm theo vì thấy được lợi ích về sức khỏe cho cộng đồng cũng như hiệu quả kinh tế. Minh chứng là ngày 20/7 mới đây, tại lễ trao giấy chứng nhận VietGAP cho HTX rau Phước An (huyện Bình Chánh) và Liên tổ SX RAT Tân Trung (Củ Chi), đã thu hút nhiều DN tham gia ký kết tiêu thụ sản phẩm như Cty Kim Dung, Cty Việt Nhi, Cty TM-DV Thủy sản, hệ thống siêu thị Saigon Coop-Mart…

Trước đó, Sở cũng tổ chức buổi giao lưu gắn kết giữa SX và tiêu thụ sản phẩm rau, nấm trên địa bàn TP với sự tham gia của 63 tổ chức, cá nhân; hội nghị giao lưu giữa các HTXNN và DN trong liên kết SX và tiêu thụ sản phẩm RAT.

Cùng với việc liên kết các DN, trong 6 tháng đầu năm 2012, Trung tâm Tư vấn & hỗ trợ nông nghiệp TP HCM đã tiếp tục hoàn tất  thiết kế website, logo cho các đơn vị như: Trại nấm Bảy Yết, trại nấm Hà Sơn, cơ sở SX rau Lê Ngọc, HTX Phú Lộc... và hỗ trợ hàng trăm đơn vị SXKD RAT duy trì hoạt động, quảng bá website.

Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ HTX và nông dân tham gia trưng bày sản phẩm tại Ngày hội Tam nông, Ngày hội VAC an toàn tại Đồng Tháp, hội chợ mua sắm Tết, triển lãm thành tựu 10 năm phát triển vùng ĐBSCL, hội chợ triển lãm nông nghiệp thương mại ĐBSCL...

Những hoạt động trên đã tạo phong trào mở rộng SX RAT trên địa bàn TP HCM. Đến nay, TP đã có 182 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích 90,16 ha, sản lượng 11.450 tấn rau/năm được chứng nhận VietGAP (bao gồm xã viên các HTX và tổ hợp tác: HTX Nhuận Đức, HTX Ngã 3 Giòng, HTX Thỏ Việt, HTX Phước An, Liên tổ Tân Trung; 4 công ty và các nông hộ).

Theo BNN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất vượt trội

Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây