Gần đây, thông tin về việc khá nhiều học sinh lớp 12 ở tỉnh Vĩnh Phúc không được đăng kí thi đại học vì có học lực trung bình đã gây xôn xao dư luận. Những bạn học sinh cuối cấp đang đặc biệt quan tâm về vấn đề này và có những ý kiến trái chiều.
Câu chuyện trên đã mở ra một chủ đề khá thú vị để các bạn học sinh, sinh viên cùng trao đổi và thảo luận cùng nhau. Khoan bàn đến việc đúng - sai trong câu chuyện này, chúng ta chỉ nhìn nhận ở mức độ tổng quát: “Học lực kém có nên thi đại học hay không?” Thế nào là kém?
Thực tế, danh hiệu không thể là quy chuẩn để đánh giá năng lực học tập của mỗi người. Nhiều bạn có năng khiếu đặc biệt ở một vài môn tự nhiên nhưng lại học khá kém ở những môn xã hội hoặc ngược lại. Việc học lệch này khiến điểm số chỉ mang tính chất tương đối. Có thể họ mang học lực trung bình vì dưới trung bình môn thể dục, nhưng điểm Toán, Lý, Hóa lại rất cao. Nếu chỉ dựa vào học lực và điểm trung bình tất cả các môn để đánh giá, thì hơi thiếu công bằng.
“Năm ngoái, cô bạn ngồi cùng bạn với mình bị học lực trung bình, gần như bét lớp. Nhưng cậu ấy học Văn khá và vẽ rất đẹp. Cậu ấy chỉ học miệt mài 2 môn để thi khối H vào ĐH Mỹ Thuật. Ai cũng cho rằng cậu ấy không thể đậu được đại học. Kết quả là cậu ấy trở thành á khoa trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Nếu như có quy định học kém sẽ bị cấm thi thì nhiều bạn có tài thật sự sẽ đánh mất cơ hội rất nhiều” - K.Linh (sinh viên năm 1 ĐH Văn Lang) cho biết.
|
Ảnh minh họa: Quang Minh. |
Một số bạn vẫn chưa lượng sức mình
Với một vấn đề cần xét theo nhiều chiều. Nếu quy định “học sinh kém không được thi đại học” được áp dụng thì cũng xuất phát từ nhiều lí do có cơ sở. Mỗi năm, hàng triệu hồ sơ thi đại học được lập ra, bao gồm các thí sinh cuối cấp và thí sinh tự do, nhưng không phải ai cũng biết lượng sức mình để chọn trường hợp với khả năng. Có những bạn bị mất căn bản trầm trọng nhưng vẫn thích nộp hồ sơ vào Ngoại Thương, Y Dược… để “ra oai” với bạn bè, họ hàng. Nếu thi trượt, họ sẽ có lí do để bao biện: “Vì trường đó quá giỏi nên trượt cũng là điều dễ hiểu”. Họ chỉ mang danh ảo, chứ không chịu trách nhiệm về tương lai của mình.
“Mình đã từng chứng kiến một vài bạn trong lớp nộp đến tận 5 bộ hồ sơ cho chắc ăn, và toàn là những trường giỏi. Rất phí phạm. Tại sao họ không nộp những trường mà họ thật sự thích, mặc kệ ý kiến mọi người? Một số bạn muốn thi sư phạm Văn, hoặc một số ngành xã hội, nhưng họ e sợ rằng mọi người sẽ đánh giá thấp năng lực của họ, bởi vì “học không giỏi mới chọn trường bình thường”. Nếu cứ mang tư tưởng đóng khung như thế thì chẳng bao giờ tiến bộ được” — Phương Anh (lớp 12 trường THPT Lê Hồng Phong) chia sẻ.
“Dù bạn mang danh hiệu nào, học lực ra sao, bạn vẫn có quyền ước mơ, có quyền khát khao và đi theo con đường mình chọn. Chỉ cần bạn có quyết tâm và cố gắng, không gì là không thể. Tuy nhiên, hãy học bằng niềm đam mê chứ đừng tạo nên vỏ bọc. Danh hiệu ảo sẽ làm bạn thụt lùi” - P.Kiều (thủ khoa khối V trường ĐH Tôn Đức Thắng năm 2010) nói.
Cơ hội luôn dành cho tất cả mọi người, nhưng hãy biết cách chọn lựa.
Cung cấp giống Tiêu Srilanka - Chuẩn giống Ceylon Khoo Tiêu Srilanka - Chuẩn giống Ceylon Khoo chuỗi dài, sức đề kháng mạnh, bộ rễ khỏe, năng suất cao