Khi vợ chồng “ngủ chung, xài riêng”

Thứ bảy - 11/02/2012 19:11

Minh họa

Minh họa
Xác lập tài sản riêng trong hôn nhân, thoạt nghe có vẻ ích kỷ. Ở phương Tây, nhiều cặp vợ chồng trước khi cưới tìm đến luật sư để tư vấn tài sản trước hôn nhân. Kể cả sau hôn nhân, “tiền ai nấy giữ” cũng là hiện tượng phổ biến, cả vợ lẫn chồng đều có tài khoản riêng ở ngân hàng, mua bảo hiểm độc lập với nhau. Xu hướng này gần đây đã bắt đầu lan sang các cặp vợ chồng trẻ ở nước ta.

Tiền ai nấy xài

Chị Trần Mỹ Ngọc, quận 4, TP.HCM, lấy chồng sáu năm, có hai mặt con nhưng vẫn giữ thói quen từ hồi con gái: mỗi năm đi du lịch châu Âu một lần, và nhất định chỉ đi... một mình! Nhiều người cắc cớ hỏi: “Sao ông chồng dễ dãi quá vậy?”, chị “bật mí”: “Ngay từ khi quen nhau, tôi đã có “khế ước”: tiền ai nấy giữ, ai có tiền cứ xài theo kiểu mà mình thấy thoải mái nhất. Sở thích và đam mê của tôi là du lịch, cả năm chăm con, dành một tuần cho bản thân hưởng thụ một chút, bằng tiền của chính mình làm ra, tôi thấy rất ổn!”


 

 

 

 


 

 

Anh Lê Thanh Hùng, ở Bình Chánh, chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ dùng bếp, có quy ước là dùng 30% lợi nhuận công ty hàng tháng để về đưa cho vợ. Từ số tiền đó, vợ anh mua sắm chi tiêu trong gia đình, phần còn lại sẽ tích luỹ. Vợ anh, vốn là giáo viên một trường cấp ba, chia sẻ: “Lương của mình so với tiền chồng mang về chẳng thấm vào đâu, nhưng anh vẫn khuyến khích mình đi dạy và giữ thu nhập riêng để chủ động trong sinh hoạt cá nhân. Mỗi tháng, mình vẫn cân đối tiền chồng đưa để chu cấp cho bố mẹ hai bên. Tiền lương của mình chỉ dùng mua sắm quần áo, giày dép cho hai mẹ con. Những dịp lễ tết, mình lấy tiền lương tích luỹ mua vé du lịch, đặt phòng khách sạn cho cả nhà, thấy vui lắm!”

Đầu tư riêng, phát bệnh chung

Nguyễn Ngọc Lan, 28 tuổi, là chuyên viên môi giới chứng khoán. Trước ngày cưới ba tháng, cô được mẹ ruột mua cho một căn nhà khá xinh ở quận 3, do một mình Ngọc Lan đứng tên, dù hai bạn trẻ đã chính thức là vợ chồng trên hôn thú. Mẹ Lan dặn dò: “Đúng lý là mẹ cho cả hai vợ chồng đứng tên, nhưng thời buổi “nhiễu sự”, lỡ vợ chồng có lúc cơm không lành, canh không ngọt, con khỏi phải mất công tranh chấp tài sản. Tiền con làm con giữ, sau này “có gì” cũng dễ tính!” Y lời mẹ, Ngọc Lan tuyên bố nhận hai phần ba lương chồng để chi dùng trong gia đình, còn lương mình thì… tích luỹ ngân hàng, đầu tư chứng khoán. Chồng của Ngọc Lan cũng biết vợ mình có khoảng bao nhiêu đó trong tài khoản, nhưng không biết chính xác là bao nhiêu. Đến khi thị trường chứng khoán suy giảm, cổ phiếu rớt giá, thấy vợ rụng rời tay chân, phát bệnh, anh chồng tìm hiểu thì mới biết vợ thua lỗ tới… sáu trăm triệu! Biết xong tin này, anh chồng cũng muốn… bệnh.

Vợ chồng anh Dũng, ở Cần Thơ, có một quán nhậu khá đông khách. Tiền lời thu được mỗi tháng, anh giao hết cho vợ giữ, chỉ giữ lại những khoản thiết yếu để chi tiêu cá nhân. Sau hai năm, nhắm thấy tiền đưa cho vợ đã “hòm hòm”, sẵn tiện có miếng đất đẹp, định bảo vợ lấy tiền ra mua, vợ anh trả lời: “Tiền đâu mà mua?” Tìm hiểu, anh Dũng mới tá hỏa: vợ anh cho một chàng nhân viên đẹp trai mượn tiền nhiều lần để đi… đánh bài! Sau bận đó, hai bên nộp đơn ly dị, anh Dũng mắc bệnh trầm cảm suốt ba năm vì cú sốc này.
 

 

 

 

Anh NGUYỄN QUANG ÁNH – Q.2, TP.HCM: VỢ CHỒNG TỰ TẠO RA MỘT QUYỀN TỰ DO NHỎ

Khuynh hướng ngủ chung – xài riêng là có thật và ngày càng phổ biến. Do chênh lệch về thu nhập vợ chồng, cũng như mỗi người lại có quan điểm khác nhau về cách sử dụng tiền, tốt nhất là vợ chồng tự tạo ra một quyền tự do nhỏ, để cảm thấy thật thoải mái với bản thân. Tuy nhiên, bắt buộc phải có khoản đóng góp chung của cả hai vợ chồng và công khai minh bạch chi thu gia đình, từ đó ai cũng cảm thấy có sự đóng góp rõ ràng cho gia đình, có kế hoạch tài chính chung. Tôi thích phụ nữ có công việc và thu nhập riêng, dù ít dù nhiều nhưng họ chủ động được cuộc sống và khẳng định giá trị của mình, có như vậy cả hai vợ chồng mới thật sự thoải mái.
 

 

 

Th.S xã hội học PHẠM THỊ THUÝ – học viện Hành chính quốc gia: MINH BẠCH TÀI SẢN TRONG HÔN NHÂN LÀ CHUYỆN NÊN LÀM

Mục đích minh bạch tài sản không phải để phòng ngừa khi chia tay, mà để cho cả vợ chồng hoàn toàn tin cậy nhau, yên tâm về sự đóng góp của mình với gia đình, và có kế hoạch tài chính cụ thể, ổn định. Trước khi kết hôn, mỗi người nên danh chính tài sản của mình, đứng tên hẳn hòi. Tất cả chứng từ liên quan đều phải thật chi tiết, rõ ràng, lưu giữ cẩn thận. Khi kết hôn, nên trao đổi thẳng thắn với bạn đời về mong muốn của mình đối với tài sản cá nhân. Nếu bạn muốn giữ riêng tài sản này, tốt nhất nên tự mình biết, không nên nói quá nhiều về tài sản riêng. Nếu bạn muốn hoà tài sản riêng vào tài sản chung, cũng nên giữ lại những giấy tờ chứng minh, phòng khi cần.
 

Ngay trong hôn nhân, thu nhập của hai vợ chồng nên công khai, chi tiêu cho gia đình cũng được liệt kê rõ ràng. Người chồng và vợ đều phải biết những khoản cố định cần chi trong gia đình mỗi tháng, mỗi năm, lưu ý một nguyên tắc bất di bất dịch: càng chi tiết càng tốt.

Vợ chồng nên tôn trọng những “khoảng trống” trong thu nhập của bạn đời, tuy nhiên, cả hai đều phải biết rõ về thu nhập của nhau, có mục đích tài chính chung cho gia đình, như vậy mới gắn kết bền vững.

Nguồn Cộngđồngluật

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU Đắk Lắk

Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây