Làm rõ vai trò của bộ máy Nhà nước các cấp

Thứ sáu - 29/06/2012 22:42

Minh hoạ

Minh hoạ
ôi đã theo dõi rất kỹ chuyên đề “Ngân sách nào kham nổi?” trên báo Nông nghiệp Việt Nam. Tôi hoan nghênh Nông nghiệp Việt Nam đã nêu vấn đề bộ máy cán bộ, công chức xã phình to khiến ngân sách không thể nào kham nổi.


PGS.TS Vũ Trọng Khải

Nhưng thực ra đây không phải là vấn đề mới mà nó đã tồn tại từ lâu, là gánh nặng của người dân từ hàng chục năm nay rồi. Đó là tình trạng phổ biến ở tất cả các xã ở Việt Nam, nhất là những xã ở đồng bằng, cả Nam lẫn Bắc, từ ĐBSH đến Duyên hải Miền Trung, tới ĐBSCL. Rất tiếc là chưa có một điều tra xã hội học nào về vấn đề này. 

Nguồn gốc sâu xa của tình trạng bộ máy cán bộ, công chức xã phình to, là chúng ta đã nhà nước hóa toàn bộ các hoạt động xã hội. Thật ra, tất cả những hoạt động ấy đều cần thiết với xã hội, không có hoạt động nào là không cần. Nhưng muốn hoạt động thì phải có kinh phí. Kinh phí ở đâu? Ở nước ta, tất cả các hội, đoàn thể chính trị, xã hội đều được biến thành cánh tay nối dài của nhà nước khi đều hoạt động nhờ ngân sách nhà nước, tức là nhà nước phải nuôi. Khi ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện cấp xuống cho xã không đủ chi phí cho các hội, đoàn thể chính trị, xã hội hoạt động, xã không thể tự cân đối được, thì chính quyền xã phải bổ vào đầu dân. Đó là cái lẽ đương nhiên, không có gì là lạ cả. Ngay cả chính quyền trung ương cũng không nuôi nổi các hội, đoàn thể chính trị, xã hội, nên mới dẫn tới tình trạng bội chi ngân sách, nợ công.


Đời sống người dân nông thôn còn nhiều khó khăn, mà vẫn phải gánh quá nhiều loại phí để nuôi bộ máy cơ sở

Vì thế chúng ta phải xây dựng xã hội dân sự, tức là xác định lại vai trò của nhà nước, vai trò của các tổ chức dân sự. Nhà nước làm những gì, làm đến đâu? Các tổ chức dân sự làm những gì? Đất nước càng phát triển, xã hội sẽ càng hình thành nhiều việc mà người dân sẽ phải tự lo liệu lấy, chứ không phải nhà nước phải lo toàn bộ. Nhà nước chỉ đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển mà nhà nước cho rằng không có bàn tay của mình, người dân không thể tự làm được. Tất cả các đoàn thể, tổ chức phi chính phủ cũng phải tự nuôi, tự trang trải kinh phí hoạt động, chứ không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước như lâu nay. Ở các nước phát triển, tất cả các tổ chức phi chính phủ đều tự tồn tại, hoạt động bằng nguồn hội phí, mà không nhờ tới ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Chính phủ các nước đó vẫn có thể sử dụng các tổ chức phi chính phủ theo các chương trình, dự án phát triển, mà không phải bỏ tiền ra nuôi bộ máy các tổ chức phi chính phủ như ở ta.

Một cái sai lớn của ta trong tổ chức bộ máy nhà nước là biến chính quyền cấp dưới thành một bản sao, một hình ảnh phối cảnh thu nhỏ của chính quyền cấp trên. Cứ cấp huyện có cái gì là cấp xã phải có cái đó. Làm như thế, cấp xã sẽ rất khổ. Các xã buộc phải phình to bộ máy vì xã như là cái phễu hứng tất cả các dòng chảy từ huyện, cấp tỉnh xuống. Chẳng hạn công tác vận động sinh đẻ có kế hoạch, cấp tỉnh, cấp huyện có làm không? Họ sẽ không làm mà sẽ sức công văn xuống kêu xã làm. Xã muốn làm công tác sinh đẻ có kế hoạch thì phải có một bộ máy cho công việc này. Hay trong giáo dục, huyện chỉ quản các trường THCS thôi, còn trường tiểu học giao cho xã. Xã lại phải có bộ máy quản lý giáo dục tiểu học.

 

Để giải quyết tận gốc tình trạng phình to bộ máy cấp xã, trước hết phải làm rõ những vấn đề sau: Nhà nước làm những gì, làm đến đâu? Các tổ chức dân sự làm những gì? Các tổ chức dân sự phải tự trang trải cho hoạt động của mình, không sống nhờ ngân sách nhà nước nữa. Nhưng nhà nước vẫn có thể sử dụng các tổ chức dân sự theo những chương trình, dự án cụ thể có sử dụng ngân sách nhà nước. Phải phân định rõ sự khác biệt trong công việc giữa bộ máy chính quyền các cấp. Phải tăng cường quản lý theo ngành dọc. Tránh tình trạng biến chính quyền cấp dưới trở thành hình ảnh phối cảnh thu nhỏ của chính quyền cấp trên.

Theo tôi, chính quyền cấp xã chỉ nên lo về các công việc nội chính, giữ gìn an ninh trật tự và cung cấp các dịch vụ công để người dân không cần phải lên trên huyện như như hộ tịch, đăng ký kết hôn, sao y giấy tờ, văn bằng … Còn các vấn đề kinh tế, xã hội như giáo dục, y tế dự phòng, sinh đẻ có kế hoạch, khuyến nông, thú y…, nên để cho các cơ quan quản lý ngành dọc lo. Còn tất cả những hoạt động kinh tế, xã hội khác, là do cấp huyện phải lo, phải tổ chức mạng lưới hoạt động xuống các địa bàn.

Nếu cứ bắt chính quyền cấp dưới phải trở thành bản sao của chính quyền cấp trên, thực ra là vô hiệu hóa vai trò của chính quyền cấp trên và làm quá tải ở cấp dưới. Mà cấp dưới, cụ thể ở đây là cấp xã, số đầu việc không khác gì số đầu việc của cấp trên, chỉ là ở quy mô nhỏ hơn. Nhưng chính cấp xã lại triển khai công việc đến dân, thành ra tính chất phức tạp cao hơn. Trong khi đó, năng lực chuyên môn lại hạn chế hơn, ví dụ anh cán bộ khuyến nông ở xã không thể có trình độ như anh cán bộ khuyến nông trên huyện, trên tỉnh. Nhưng mà anh có năng lực hạn chế phải làm thật, còn anh có năng lực cao hơn thì “làm giả” vì chỉ ngồi chỉ đạo. Do đó luôn có tình trạng lực bất tòng tâm ở cấp xã. 

Theo THANH SƠN BNN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cung cấp giống Tiêu Srilanka Ceylon Khoo

Cung cấp giống Tiêu Srilanka - Chuẩn giống Ceylon Khoo     Tiêu Srilanka - Chuẩn giống Ceylon Khoo chuỗi dài, sức đề kháng mạnh, bộ rễ khỏe, năng suất cao  

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây