Nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề thanh niên nông thôn

Thứ sáu - 06/07/2012 10:27

Minh họa

Minh họa
Những năm qua, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và tổ chức về tận các thôn, buôn, bon vùng sâu, vùng xa chiêu sinh, mở lớp dạy nghề cho thanh niên nông thôn. Sau khi được học nghề, nhiều thanh niên đã tự tạo việc làm, lập thân lập nghiệp, tăng thu nhập, góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo ở địa phương…
 


Các học viên trong giờ học thực hành nghề điện dân dụng tại Trường Trung cấp nghề Đắk Nông. Ảnh: Công Lý
 



Tuy nhiên, công tác dạy nghề hiện đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, đồng thời một số ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thực tiễn ở địa phương… nên chưa thu hút được thanh niên tham gia học nghề.
 
Theo Tỉnh đoàn, toàn tỉnh hiện có 132.573 thanh niên, trong đó có 27.340 thanh niên người dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là lực lượng lao động chính ở nông thôn trong tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra về lao động, việc làm của tỉnh cho thấy, có đến 80% lao động nông thôn chưa qua đào tạo nghề và trong 100 lao động chỉ có khoảng 14 người có nghề, chiếm 13,59%, đối với lao động là thanh niên DTTS thì tỷ lệ này càng thấp hơn nhiều. Và trong số 13,59% lao động có nghề thì số lao động được học nghề tại các lớp dạy nghề chỉ chiếm 10,57%, số còn lại là tự đào tạo hoặc tích lũy kinh nghiệm trong quá trình lao động sản xuất… Vì vậy, đa phần thanh niên nông thôn trong tỉnh không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và con đường lập thân, lập nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
 
Đơn cử như tại huyện Đắk Song hiện có hơn 5.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó có 2.000 ĐVTN người DTTS. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện chỉ mở được hai lớp dạy nghề sơ cấp sửa chữa xe máy và dệt thổ cẩm tại xã Trường Xuân và Đắk N’Drung cho 150 học viên là thanh niên DTTS do Trường Trung cấp nghề tỉnh tổ chức. Sau khi học nghề, chỉ có chưa đầy 10 thanh niên tìm được việc làm hoặc sống bằng nghề, số còn lại trở về làm nương rẫy như trước đây.

 


Sửa chữa xe máy cũng là nghề được nhiều thanh niên nông thôn lựa chọn

Ảnh: Y KRăk
 




Anh Nguyễn Đức Phương, Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết: Nguyên nhân do việc dạy nghề sơ cấp chỉ với thời gian ba tháng, các học viên không đủ tay nghề để tự mở một cơ sở sửa chữa xe máy; còn đối với nghề dệt thổ cẩm do thị trường đầu ra không có nên đa số học viên sau khi học nghề chỉ dệt những đồ dùng cho gia đình mình. Mặc dù hiện nay, nhu cầu học nghề của thanh niên rất lớn nhưng do ngành nghề đào tạo không phù hợp nên không thu hút được thanh niên tham gia. Đa số thanh niên nông thôn trình độ văn hóa còn thấp và làm nông nghiệp là chính, vì vậy để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho thanh niên, các cơ sở dạy nghề cần tập trung vào những ngành nghề thiết thực như kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật; kỹ thuật chăn nuôi và thú y; bảo quản và sơ chế hàng nông sản sau thu hoạch; sửa chữa máy nông nghiệp thì mới thu hút được thanh niên tham gia. Các ngành nghề này hiện nay rất cần và sau khi đào tạo, thanh niên có thể áp dụng ngay vào hoạt động sản xuất, chăn nuôi của gia đình mình để mở rộng và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, khai thác hết tiềm năng đất đai, thế mạnh ở địa phương, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
 
Anh Y Quang B’Krông, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Rút kinh nghiệm trong công tác dạy nghề cho thanh niên nông thôn thời gian qua, trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với Sở LĐTB&XH và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn đẩy mạnh công tác dạy nghề cho ĐVTN, nhất là thanh niên DTTS với nhiều ngành nghề đa dạng, phù hợp trình độ của thanh niên và tình hình thực tế ở địa phương. Để thu hút đông đảo thanh niên tham gia các lớp học nghề, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, Tỉnh đoàn sẽ tích cực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền ở địa phương ưu tiên gắn hoạt động dạy nghề với vấn đề tạo việc làm cho thanh niên. Những ngành nghề đào tạo phải xuất phát từ nhu cầu của người học và phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng như thực tiễn của từng địa phương. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên sau khi học nghề được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển ngành nghề, mở rộng sản xuất, kinh doanh, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
 Theo Báo Đak Nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giống tiêu Srilanka năng suất cao

Giống tiêu Srilanka có nguồn gốc từ quốc đảo Srilanka với tên gọi quốc tế là Ceylon Khoo hiện đang được trồng nhiều tại phía bắc Thái Lan và biên giới Campuchia. Giống đã được Trung Tâm Cây Giống Vườn ươm Minh Phát nhập về và nhân giống thành công. Đặc điểm của giống tiêu này này là...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây