Người con gái VN thời xưa (nguồn ảnh: internet) Ba người đàn bà trong đời tôi ?
Bà tôi, sinh ra ở Hóc Môn, xứ của 18 vườn trầu, làm dâu ở Bến Lức, không xa dòng sông Nhật Tảo, Vàm Cỏ Đông. Hoàn cảnh lịch sử và địa lý làm bối cảnh cho đời bà. Nhưng bà không anh hùng trên chiến trận mà anh hùng trong cuộc sống bình thường hàng ngày : làm tròn những bổn phận của một người con hiếu thảo, một cô dâu đảm đang, một người vợ hiền, một bà mẹ công bằng và một người bà phúc hậu. Những công việc không tên, làm trong bóng tối, cái mà tôi gọi là "thung dung tựu nghĩa".
Về làm dâu lúc chưa đầy 18 tuổi – thời ấy, các bà được gả chồng sớm – một tay quán xuyến cơ ngơi nhà chồng vì ông tôi là trưởng nam, đảm đang cho 7 đám giổ mỗi năm, nuôi dạy sáu người con mà vẫn không quên người khác.
Trước 23 Tết nào tôi cũng thấy bà gói lớn gói nhỏ, nặng trĩu gánh trên vai cùng dì tôi đi sâu vào trong xóm giúp người kém may mắn hơn mình. Không phải
cao lương mỹ vị, chỉ chút nếp, muối đường nước mắm và xấp vải màu đen. Bà vẫn nói : "người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết".
Bà tuổi Quí Mão. "Nam Nhâm, Nữ Quí", đáng lý ra là tốt lắm, nhưng bà tôi đã là một con mèo vất vả suốt đời (một thí dụ cho thấy những giới hạn của tử vi !).
Mẹ tôi ? Một người đàn bà với tám lần sinh nở, ở cái thuở mà những phương thức ngừa thai chưa được áp dụng. Tôi là con đầu, sáu tuổi hơn em kế nên lớn hơn, thấy rõ hơn mẹ tôi lúc nào cũng bận rộn với thai nghén và với các con. Bà thu vén quản lý gia đình dù hoàn cảnh có khó khăn. Thức khuya dậy sớm. Anh em chúng tôi có nên người ngày nay là nhờ công lao của bà.
Trước Tết cả tháng, mẹ tôi may áo quần mới cho đàn con. Cần kiệm, lần nào bà cũng may "trừ hao" vì "các con bây lớn nhanh như thổi" nên áo Tết của chúng tôi bao giờ cũng "xúng xính" rộng "thùng thình". Những từ đó - xúng xính và thùng thình - sau này, dù đã già, chúng tôi vẫn thường nhắc lại để tả cái Tết xưa.
Con gái tôi ? Một phụ nữ có nhan sắc (báo Sàigòn Tiếp thị, số 38 (332) tháng 9, 2001 đã cho ảnh cô ấy lên trang bìa, mà không có xin phép chúng tôi ). Nhưng lúc trẻ, cô ấy bận tâm về Duy Châu giúp xây lại các trường bị lụt tàn phá, lúc lớn hơn thì lo cho các trẻ bị điếc bẩm sinh ở thành phố Hồ chí Minh, hay hòa nhạc bên này để gây quỹ cho nghiên cứu về ung thư... chứ chưa bao giờ thắc mắc cho số đo của cơ thể mình, hay chiều cao của chiếc mũi, ...
Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet) Một vấn đề phụ nữ ?
Đọc các tin trên báo về hàng hàng lớp lớp nghệ sĩ trong nước ăn mặc phản cảm, phô trương thân thể, về những thiếu nữ trẻ lao vào cuộc chạy đua cải thiện chiều cao, vòng một vòng ba, cho trở thành sexy, ... nhiều người tự hỏi không biết tại sao gia tài của các cuộc đấu tranh giành nữ quyền bị quét sạch nhanh chóng đến thế ư ? Cách đây chỉ hơn nửa thế kỉ, phụ nữ, và cả một số các ông nữa, đã đứng lên đòi quyền bình đẳng với nam giới, tự quyết định đời sống mình, không bị xem như bình bông trang trí, cái máy đẻ con nối giõi hay một công cụ thỏa mãn đòi hỏi của các ông...
Tại sao các báo khi nói về các người đẹp chỉ dùng các từ như "nóng bỏng", "gợi cảm", "khó cưỡng", ... ? Làm như con người chỉ có phần não cho bản năng, rất gần với các thú vật, chỉ nghĩ tới chuyện giới tính sinh lý. Con người còn có chuyện giới tính tâm lý, tình cảm, xã hội và trí tuệ nữa mà. Đó là chưa nói tới tất cả các sinh hoạt khoa học kỹ thuật sáng tạo, ... mà chúng ta, phụ nữ hay nam giới, đều có khả năng làm được.
Những chỉ tiêu về sắc đẹp thay đổi tùy thời và tùy nơi, tại sao phải chạy theo áp lực của thời đại ? Đó là chưa kể những hiểm nguy của các giải phẫu chỉnh hình, những hậu quả về mặt tâm lý, hay những kết quả – rất tạm thời – của các sửa đổi ấy , ... Các cô khi lao mình vào "nâng cấp" sắc đẹp có nghĩ tới tuổi trung niên và tuổi già không nhỉ ?
Ở phương Tây, cũng có thành ngữ "phải chịu đau để đẹp" (il faut souffrir pour être belle) nhưng đồng thời, ở Bỉ chẳng hạn, bất cứ một cuộc mổ xẻ y khoa nào cũng phải có lý do chữa bệnh – bệnh tâm lý cũng là một bệnh, cho những trường hợp chỉnh hình sắc đẹp – nếu không thì bác sĩ phạm tội hình sự, gây thương tích cho bệnh nhân, có thể bị tù đến 10 năm và có bổn phận phải đền bù thiệt hại.
Sự toàn vẹn thân thể của mỗi người là một giá trị tuyệt đối, y khoa phải giúp để bảo vệ sự toàn vẹn này, chứ không được xâm phạm. Chính vì vậy mà ở Bỉ, so với các nước khác, ít có giải phẩu thẩm mỹ. Nếu có thì trong các trường hợp này, các bác sĩ phải cẩn thận phân tích lợi hại và chú ý kiểm tra tâm lý người cần giải phẩu thẩm mỹ và theo dõi sau đó.
Ở những bệnh viện như bệnh viện Đại học Liège, chỉ có giải phẫu chỉnh hình (sau tai nạn, sau ung thư, ...) chứ hoàn toàn không nhận giải phẫu thẩm mỹ vì nhu cầu làm đẹp.
Bà tôi và mẹ tôi đều rất đẹp, cả về hình thể lẫn đức hạnh, không son phấn, không đi spa.
Ai cũng có thời xuân sắc và ở tuổi đôi mươi, dù không đúng chuẩn, thiếu nữ nào cũng xinh (con gái tôi mà có nhan sắc cũng là chuyện thường !). Nhưng nhiều cô mang đầy mặc cảm vì, một trong những lý do là, các phương tiện truyền thông không ngớt đề cao "mẫu" của một vài người nổi tiếng ! Các cô đâu có biết rằng nhiều khi những người nổi tiếng ấy đã trả tiền để được đưa lên báo (ít nhất, các báo đưa những tin ấy để có nhiều đọc giả hầu tăng thêm thu nhập nhờ quảng cáo).
Nuôi con để con không mặc cảm, dạy trò cho trò tự tin ở mình cũng là sứ mệnh của gia đình và trường học.
Nhưng vai trò của xã hội nói chung cũng quan trọng: phải làm sao để giới trẻ biết được những giá trị chân thật, nhân bản chứ không chỉ có hào nhoáng bề ngoài và sức mạnh của tiền bạc.
Ngày xuân, tôi bồi hồi nhớ Bà tôi, nhớ tới câu" Năm mới cháu xin mừng tuổi Bà, chúc Bà sống bách niên trường thọ" dù lúc ấy chúng tôi chưa hiểu rõ "bách niên trường thọ" là gì...
Tôi cũng nghĩ tới các em Thảo, Hiền, Hà, My, ... những thiếu nữ trẻ thiện nguyện đang mua áo ấm mang lên Kontum để các cháu mồ côi mặc giữa gió bấc cắt da. Các em âm thầm làm việc, không báo chí nào nhắc đến. Đó là cái âm thầm của những người hoàn tất bổn phận của" phân nửa bầu trời" (nói theo kiểu N. Kristof, S.Wudunn và Han Suyin).
Theo dân trí
Nguyễn Huỳnh Mai
Liège, Bỉ
LTS Dân trí - Bài viết trên đây ngắn thôi, nhưng người đọc thấy rõ tấm lòng người viết. Đấy là người con xa Tổ quốc nhưng luôn nhớ về quê hương xứ sở, nhất là lúc Tết đến xuân về. Và nỗi nhớ khôn nguôi của tác giả là nhớ về những đức tính tốt đẹp vốn có của Người Phụ nữ Việt Nam truyền thống thông qua nhiều thế hệ ruột rà là bà, là mẹ và con gái của mình.
Nhân dịp này, tác giả cũng muốn nhắc giới nữ trẻ tuổi ngày nay đừng mải chạy theo cái đẹp hình thức mà quên đi cái đẹp tâm hồn và đức tính giầu lòng vị tha và bao dung vốn có ở người phụ nữ truyền thống Việt Nam.