Nguyên nhân gây cháy xe: Thủ phạm đã lộ mặt

Thứ bảy - 19/05/2012 13:56

Minh họa

Minh họa
Công bố kết luận về một trong những nguyên nhân gây cháy xe của Sở KHCN TP. Hồ Chí Minh vào chiều 17-5 đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu người. Bởi, một trong những thủ phạm gây cháy xe được Sở này cho rằng là do xăng chất lượng kém.

 


Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KHCN TP Hồ Chí Minh, kết  quả của nhóm nghiên cứu thuộc trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến cháy xe, trong đó sử dụng xăng chất lượng thấp sẽ làm tăng nguy cơ cháy. Tuy nhiên, không phải cứ xe đổ xăng chất lượng kém thì sẽ bị cháy. Ông Tân cho rằng, nếu kết luận xăng “vô can” trong việc gây cháy xe thời gian qua là không thỏa đáng. Bởi, rõ ràng sử dụng xăng “rởm” thì nguy cơ cháy sẽ rất cao do nhiên liệu chất lượng thấp sẽ làm ống dẫn xăng chai, dễ bị phá hủy, nhiệt độ thùng chứa đồ động cơ của xe cũng tăng lên.

Để đưa ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào 2 phần chính là nguyên liệu và các yếu tố kỹ thuật dẫn đến cháy xe. Về nhiên liệu, khi methanol chiếm 10% thể tích, áp suất hơi sẽ tăng mạnh, khi đó khả năng rò rỉ lớn hơn xăng thông thường. Nhiên liệu chứa đến 20-30% methanol cũng có khả năng dẫn điện. Qua các thử nghiệm, kết quả cho thấy các mẫu xăng có pha ethanol và methanol (với các mức khác nhau: 5%, 10%...) có thể cháy ở nhiệt độ lớn hơn 490 độ C. Về yếu tố kỹ thuật gây ra cháy xe thì có 2 nội dung được rà soát: sự ảnh hưởng nhiên liệu đến nhiệt độ động cơ và khả năng chập mạch của hệ thống điện xe máy. 

Qua nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm nghiên cứu kết luận, thủ phạm cháy xe thời gian qua tập trung 3 nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân cháy đầu tiên được xác định do sử dụng nhiên liệu xăng kém chất lượng như: xăng pha methanol, ethanol chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật, gây ra rò rỉ nhiên liệu thông qua hiện tượng phá hủy ống dẫn hoặc áp suất hơi cao do bất cẩn của người sử dụng và chập mạch hệ thống điện.

Trao đổi xung quanh công bố này của Sở KHCN TP Hồ Chí Minh, ông Hoàng  Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn giám định dân sự (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật  Việt Nam- Vusta) nhận định, nghiên cứu của nhóm các nhà KHCN TP Hồ Chí Minh là hoàn toàn có cơ sở, song chưa đầy đủ. Ví dụ, kết quả nghiên cứu chưa giải thích được vì sao, xe dựng tại chỗ cũng bốc cháy… “Còn rất nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu để đưa ra kết luận sát thực tế, toàn diện và đầy đủ hơn, trả lời thỏa đáng cho người tiêu dùng về các nguyên nhân gây cháy xe”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, ngay từ đầu tháng 2, khi được tham khảo ý kiến, ông đã định hướng cho việc nghiên cứu truy tìm nguyên nhân cháy xe nên tập trung vào xăng nhiều hơn. Trong nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức, ông Hùng cũng  đề cập đến nguyên nhân có thể do xăng dầu chất lượng kém. “Tuy nhiên, ý kiến của tôi không được lưu tâm thỏa đáng”, ông Hùng nói. Vào ngày 25-4 vừa qua, ông cũng báo cáo Ủy ban khoa học công nghệ của Quốc hội, trong đó, có đề cập đến nguyên nhân do xăng. Ông Hùng cho rằng, chất      aceton, methanol là những phụ gia phản ứng rất mạnh, hòa tan tốt trong xăng, rất dễ cháy. Việc pha các phụ gia này gây ra các tác dụng: Làm cho dây dẫn và những kim loại giãn ra, hở ra, ăn mòn nên rò rỉ nhiên liệu... Kết hợp các yếu tố trên, nhiệt độ đến một ngưỡng đủ thì nó sẽ phát nổ. Vì vậy, 12 hãng ôtô lớn trên thế giới đã khuyến cáo không nên pha methanol vào nhiên liệu xăng.

Tuy nhiên, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KHCN lại cho rằng, các nhà khoa học nghiên cứu đã đưa ra nhiều giả thiết, cho dù không được tiếp cận trực tiếp với các vụ cháy. Do vậy, với kết quả như trên của nhóm các nhà khoa học TP Hồ Chí Minh thì chưa thể khẳng định nguyên nhân trực tiếp cháy là do xăng dầu. Song, cũng không thể loại bỏ xăng dầu vì xăng dầu cũng là đối tượng cần phải xem xét, chứ không thể nói xăng dầu “vô can”. Kết quả cuối cùng đang chờ các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu. Ngoài ra, công bố mới đây của 4 Bộ: Công an, KHCN, GTVT và Công Thương cũng mới tìm ra nguyên nhân của 65% các vụ cháy, 35% là chưa tìm ra nguyên nhân. Bộ KHCN vẫn phải nghiên cứu tiếp tục.

Ngoài kết quả của nhóm nghiên cứu nghiên cứu thuộc ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh đã công bố, các nhóm nghiên cứu phía Bắc cũng xúc tiến nghiên cứu. Trong tháng  6-7 tới nhóm nghiên cứu phía Bắc cũng sẽ có báo cáo kết quả nghiên cứu trước Bộ KH-CN. Cũng trong thời gian này, các địa phương sẽ tiến hành thanh tra chuyên đề thanh tra chất lượng xăng dầu và khí hóa lỏng trên diện rộng, trong đó tăng cường lấy mẫu, xử lý mẫu và áp dụng xử phạt nặng với những cây xăng gian lận. Mức thấp nhấp là tước quyền kinh doanh trong 1 năm. Với những trường hợp nặng có thể sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn.  

 
Nên mời chuyên gia nước ngoài để tìm nguyên nhân

Mới đây Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh đã công bố kết quả nghiên cứu, xác định các vụ cháy xe gần đây xuất phát từ 3 nguyên nhân chính. Đó là, sử dụng nhiên liệu kém chất lượng, chập mạch của hệ thống điện, các yếu tố khách quan hay chủ quan của người sử dụng. Theo quan điểm của cá nhân tôi thì cả 3 nguyên nhân này đều không có cơ sở khoa học và bằng chứng cụ thể chứng minh. 

Để đi tìm nguyên nhân chính xác gây ra những vụ cháy xe trong thời gian gần đây, chúng ta phải có một cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này. Chúng ta vẫn chưa có chuyên gia trả lời một cách thuyết phục với đầy đủ yếu tố khoa học để chứng minh nguyên nhân cháy, nổ xe là do đâu. Vì thế mới có tình trạng mỗi nơi trả lời một kiểu, kết luận sau phản bác lại kết luận trước hoặc trả lời không đến nơi, đến chốn, khiến dư luận không hiểu đâu thực sự là nguyên nhân.

Mặc dù, hàng năm kinh phí Nhà nước đầu tư cho khoa học là rất lớn nhưng chúng ta lại coi nhẹ, không quan tâm đến đào tạo chuyên sâu. Nếu xảy ra những vấn đề liên quan, thì những viện nghiên cứu chuyên ngành sẽ có trách nhiệm tìm ra câu trả lời thuộc đúng chức năng mà mình nghiên cứu. Theo tôi, để tìm nguyên nhân gây cháy, nổ xe máy, các cơ quan chức năng không cần vội vàng tìm câu trả lời ngay mà trước hết nên rút kinh nghiệm từ sự việc, hiện tượng, không thể suy đoán dựa trên những lý thuyết, lập luận thiếu cơ sở khoa học. Nếu có thể, chúng ta nên mời chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để nghiên cứu và tham khảo ý kiến của họ về lĩnh vực này.

 
GS. Nguyễn Lân Dũng
 
Cháy do xăng là đúng
 
Cách đây ít lâu, một số cơ quan, chuyên gia có ý kiến kết luận rằng xăng không phải là nguyên nhân gây cháy xe hàng loạt. Tôi cho rằng việc đánh giá đó là chưa đúng, chưa đủ hay nói cách khác là không trung thực. Hơn nữa, họ cũng không đưa ra được nguyên nhân thuyết phục nào để lý giải cho những vụ cháy xe liên tiếp xảy ra. Khi nghe những kết luận ấy, bản thân tôi rất ấm ức. Rồi khi dư luận bức xúc vì chất lượng xăng dầu, báo chí vào cuộc mạnh một thời gian, các vụ cháy xe giảm hẳn đi. Và gần đây thì chẳng thấy vụ cháy nào nữa. Chắc giới kinh doanh “xăng bẩn” thấy vậy cũng đã “chờn”. Còn các cơ quan chức năng có lẽ có “ẩn khuất” gì đó mà họ đã không dám công bố nguyên nhân gây cháy chăng?

Với những kết luận như Sở KH&CN TP.HCM công bố trong buổi họp báo vừa qua, tôi tin là nguyên nhân gây cháy do xăng là đúng và rất thuyết phục. Ít nhất thì sau bao thử nghiệm, nghiên cứu chúng ta đã dần dần được tiếp cận với sự thật. Vấn đề là, ai dám nói ra sự thật đó. Phải nghĩ tới quyền lợi của người dân trước tiên chứ không phải cứ phát ngôn lấy được để bảo vệ những sai trái cho một “nhóm quyền lợi” nào đấy. Nếu không nghĩ tới dân mà cứ nói láo thì có ngày… rơi răng. 

 
Ông Nguyễn Đình Tùng (Cán bộ hưu trí tổ 3 phường Chương Dương, Hoàn Kiếm)

Do xăng kém chất lượng
 
Với quan điểm của một người làm trong ngành hóa học và phụ gia dầu mỏ thì tôi nghiêng về khả năng cháy do xăng dầu kém chất lượng mà cụ thể là đã bị pha trộn Methanol, Aceton, Ethanol… Việc sản xuất xăng dầu kém chất lượng với những người có chuyên môn hoàn toàn không khó. Họ chỉ cần pha thêm phụ gia vào xăng A83 là hoàn toàn có thể nâng độ RON lên thành xăng A92 hay A95 để bán kiếm lời, và khoản tiền chênh lệch này rơi vào túi họ là không hề nhỏ. 

Tuy nhiên, có một điều mà có lẽ các ý kiến phản bác nguyên nhân gây cháy do xăng đã không để ý là chính những chất phụ gia kia là nguyên nhân gây ra hư hỏng cho hệ thống ống dẫn nhiên liệu. Bản thân xăng kém chất lượng không thể tự cháy. Khi bị pha thêm các phụ gia như methanol, chưa nói đến chuyện độc hại hay ô nhiễm môi trường thì bản thân methanol đã phá hủy các đường ống (vốn chỉ được thiết kế cho việc dẫn xăng). Mạch hóa học của methanol ngắn hơn xăng dầu rất nhiều, vì thế dù đường ống dẫn xăng trong ô tô, xe máy chất lượng có tốt, có mới đến đâu đi chăng nữa mà bị methanol tàn phá thì nó sẽ hư hại chỉ sau một thời gian ngắn. Đó chính là lý do tại sao có nhiều xe mới mua cũng đột nhiên bị cháy mà không ai có thể lý giải được. 

Ai cũng biết để có thể cháy xe cần phải có 3 yếu tố: Tia lửa, oxy và chất cháy. Oxy thì có sẵn trong không khí. Tia lửa cũng không quá khó ví dụ như khi đề máy, bugi có thể mô-ve đánh tia lửa ra ngoài. Nhưng tất cả các yếu tố đó vẫn rất khó cháy nếu như xăng không “tình cờ” chảy ra. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao thời gian gần đây, xe của người dân lại liên tục bị rò rỉ xăng như vậy? Câu trả lời thuyết phục nhất chỉ có thể là: Đường ống dẫn xăng đã bị hỏng và xăng kém chất lượng là nguyên nhân gây ra sự hỏng hóc tệ hại đó. 

 
Ông Trần Thắm (Trưởng phòng thử nghiệm hóa chất vật liệu, Giám đốc trung tâm phụ gia dầu mỏ, Viện hóa học Công nghiệp Việt Nam)
Nguồn ANTD

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giống tiêu Srilanka năng suất cao

Giống tiêu Srilanka có nguồn gốc từ quốc đảo Srilanka với tên gọi quốc tế là Ceylon Khoo hiện đang được trồng nhiều tại phía bắc Thái Lan và biên giới Campuchia. Giống đã được Trung Tâm Cây Giống Vườn ươm Minh Phát nhập về và nhân giống thành công. Đặc điểm của giống tiêu này này là...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây