Thế nhưng, lưới tình đã khiến cho cuộc sống của họ khác xa rất nhiều so với những điều họ đã tưởng tượng khi còn ở nhà và mơ mộng về một thiên đường nơi đất khách.
Trước khi sang Joho Baru, thành phố có đường biên giáp với Singapore, nơi tập trung nhiều lao động Việt Nam nhất, chúng tôi phải gọi điện nhờ một người bạn đã sống ở đó 7 năm dẫn đi. Trước lúc đi, Thành cẩn thận dặn dò kỹ lưỡng chúng tôi không được tùy tiện chụp ảnh và khi hỏi chuyện tránh những câu hỏi tế nhị. Dù đã tưởng tượng trước về cuộc sống phức tạp ở nơi này nhưng khi đến nơi, mọi thứ diễn ra còn vượt quá khả năng tưởng tượng của chúng tôi. Chỉ 2 ngày ở đây, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều cảnh đời mà lần nào chúng tôi cũng ngậm ngùi chua xót khi chia tay. Thương cho những mảnh đời bất hạnh, cho cả sự nông nổi hời hợt đã khiến cho cuộc đời họ như những viên sỏi ném vào bùn đen, cứ chìm dần mà không sao nổi lên được nữa.
Những cuộc tình đầy ngang trái và phận nữ công nhân Việt nơi đất khách
Người đầu tiên chúng tôi gặp là Hoa, quê ở Nghệ An. Phải nói Hoa có một phom người khá chuẩn và một khuôn mặt khả ái. Hoa sang đây được 2 năm. Trước khi đi xuất khẩu lao động, Hoa đã làm nghề thợ may ở nhà, cuộc sống cũng không vất vả gì. Nhưng sau một thời gian, bạn bè cùng xóm cứ lần lượt đi sang Malaysia làm hết, Hoa bắt đầu cảm thấy nôn nao, nhất là khi đọc những lá thư bạn gửi về. Hoa thèm được như các bạn, thèm được biết đến một đất nước khác, mà đất nước ấy như bạn bè kể thì chẳng khác thiên đường là mấy. Vậy là Hoa năn nỉ bố mẹ đồng ý cho đi. Khuyên mãi không được, cuối cùng bố mẹ Hoa cũng đành chiều ý con, lấy hết tiền tiết kiệm để đặt cọc cho công ty môi giới việc làm. Sau khóa học tiếng ngắn hạn, Hoa lên đường đi tìm miền đất hứa.
Năm đầu tiên, Hoa chăm chỉ làm việc vì thấy mỗi tháng sau khi trừ tiền ăn, cô cũng để dành được 10 triệu gửi về cho bố mẹ. Số tiền ấy nhiều hơn vài lần so với công việc làm ở nhà. Môi trường làm việc ở đây chuyên nghiệp hơn, ăn ngủ điều độ đúng giờ, ít phải lo nghĩ những chuyện linh tinh phát sinh. Chỉ một thời gian, Hoa bắt đầu có da có thịt, như cô hãnh diện khoe là “có sức sống hẳn lên, mới đẹp được như bây giờ”. Thời gian ấy, chị bạn cùng phòng với Hoa bắt đầu có bạn trai, mà chẳng phải ai xa lạ, chính là ông chủ xưởng may ở công ty bên cạnh.
Chị ấy thường kéo Hoa đi ăn uống cùng, phần để khoe bạn trai, phần muốn “mở mắt” cho cô em đồng hương. Sau vài lần đi ăn như thế, Hoa đã lọt vào mắt xanh của một ông chủ khác. Chị bạn cùng phòng của Hoa trở thành bà mối của hai người. Lúc đầu nghe chị nói, Hoa cũng ngại ngùng lắm vì chưa bao giờ cô nghĩ về một cuộc sống “vợ hờ”. Nhưng những lời ngon ngọt của đàn chị cứ thấm dần, Hoa bắt đầu chán việc cứ phải ky cóp từng đồng gửi về nhà, muốn mua thêm cái quần cái áo cũng phải đắn đo. Mọi người xung quanh cũng đều như thế, chắc chả ai coi thường nếu Hoa có bồ. Thậm chí, người ta còn ngưỡng mộ bởi trai tài gái sắc, dễ gì có mấy đôi ở đất này.
Bồ của Hoa là một chủ xưởng may người gốc Hoa, hơn bố em 2 tuổi, ông chủ rất chiều chuộng Hoa, cứ cuối tuần là lại chạy qua đưa cô đi mua sắm, ăn uống chơi bời. Hoa cũng dạn dĩ dần theo thời gian, không xấu hổ mà ngược lại còn hãnh diện khoe ông bồ giàu có của mình. Cô cũng chẳng lo lắng về chuyện ông ta đã có vợ, bởi vợ ông ấy ở xa chỗ Hoa làm cả trăm cây số, nếu có chuyện gì thì Hoa cũng biết cách để tránh né. Kinh nghiệm các bậc đàn chị truyền lại rất nhiều nên cô chả có gì để lo lắng.
Hoa còn hồ hởi mang những món đồ đắt tiền ra khoe với chúng tôi. Tự dưng tôi thấy gờn gợn về một tương lai mù mịt của cô ở nơi đất khách quê người. Nếu có chuyện gì xảy ra, ai sẽ đứng ra bảo vệ cô khi cô đang là kẻ đi phá hoại hạnh phúc của người khác? Rồi khi nhan sắc không còn, cô sẽ sống tiếp thế nào khi mà chuyên môn không có, lại đã quen thói ăn chơi hoang phí. Nụ cười trên môi cô cứ nhòa dần trong mắt tôi.
Nhắm mắt đưa chân làm người thứ ba
Câu chuyện của Là, cô gái 37 tuổi quê ở Tuyên Quang thì lại khác đôi chút. Là sinh ra và lớn lên ở Na Hang, nơi nổi tiếng với miền gái đẹp Thượng Lâm. Là là chị cả trong một gia đình đông anh em. Bố lại mất sớm nên Là phải bươn chải giúp mẹ nuôi 5 đứa em. Học hết cấp 1 thì Là nghỉ học rồi cặm cụi làm lụng nuôi em. Đến tuổi lấy chồng cũng có vài đám ngấp nghé hỏi nhưng thương mẹ già ở nhà một mình, Là cứ lần lữa mãi. Đến khi các em đã cứng cáp tự lo được cho mình, thì Là đã 30 tuổi. Tuổi ấy ở quê Là, coi như đã ế.
Năm 2006 tuổi, Là nghe mấy cô em họ đi lao động ở Malaysia về rủ sang đấy làm để kiếm chút tiền cho mẹ dưỡng già, và biết đâu lại kiếm được tấm chồng. Vậy là chị chạy vạy khắp nơi để lo tiền làm thủ tục đi xuất khẩu, Là lại còn mất thêm tiền cho công ty xuất khẩu để nâng trình độ học vấn lên đến hết lớp 9. Sang đến nơi, cô được một công ty may tuyển vào làm việc, vốn xuất thân là người lao động nên Là rất chăm chỉ với công việc được giao. Hơn nữa, khoản nợ lúc ra đi luôn làm Là suy nghĩ, không dám chểnh mảng công việc, chỉ lo kiếm tiền gửi về nhà trả nợ. Thấy một cô gái thật thà, chăm chỉ khác hẳn nhiều cô gái Việt khác sang được một thời gian chỉ mau chóng tìm cách trốn ra ngoài hoặc chủ động trong các mối quan hệ với đàn ông, ông chủ tại đó bắt đầu chú ý tới Là và chủ động làm quen.
Lúc đầu Là cũng ngại vì ông chủ đã có vợ nhưng sự quan tâm chăm sóc đặc biệt của ông ta cuối cùng cũng đánh gục được Là. Một thời gian sau thì Là có bầu, chị hoảng hốt lo lắng báo cho người tình của mình biết. Thật bất ngờ, ông ấy lại rất vui vẻ chứ không hắt hủi như những người đàn ông khác, ông ấy nhất định đòi giữ đứa bé và hứa sẽ lo cho hai mẹ con Là chu đáo. Ông thuê cho cô một phòng trọ nhỏ ở ngay cạnh nhà máy. Đến ngày vượt cạn, ông ấy cũng ở bên để chăm lo cho Là, và cực điểm vui mừng khi Là sinh ra một bé trai bụ bẫm kháu khỉnh. Giờ con trai đã 2 tuổi và hàng tháng chị vẫn gửi tiền về cho mẹ. Nhưng mỗi lần nghe mẹ nhắc về thăm nhà là chị lại ậm ừ cho qua chuyện vì chị sợ hàng xóm láng giềng dị nghị và không biết phải ăn nói với mẹ thế nào về bố đứa bé.
Khi tôi hỏi về tương lai đứa bé, chị khẽ cười buồn. Chị bảo: “Đành chấp nhận số phận vậy, vì giờ cũng chẳng còn cách nào khác nữa, bố nó có trách nhiệm ngày nào thì may ngày ấy”. Chị cũng đang tính phải mua một mảnh đất ở xa để ở vì sợ ở mãi đây vợ ông ấy cũng sẽ biết. Chị cúi mặt xuống, không nhìn lên như sợ tôi lại xoáy sâu thêm vào vết thương chị đang cố giấu kín. Vuốt má bé Lee (tên con trai chị), tôi chào tạm biệt ra về, lòng cầu chúc cho hai mẹ con chị sẽ bình yên như mong ước.
Chìm nổi một kiếp người
Không may mắn như Hoa và Là, cuộc đời của Nguyễn Thị Yến quê ở Xuân Trường, Nam Định lại là một chuỗi những ngày đau khổ. Sinh ra và lớp lên ở vùng quê đẩt chật người đông, Yến đã biết đến những bữa đói ăn ngay từ khi biết thế nào là cái đói. Rồi chẳng may, mẹ Yến mất sau một cơn bạo bệnh, bố Yến lấy vợ sau đó 2 năm. Cảnh dì ghẻ con chồng nên tuổi thơ của Yến là những ngày nước mắt chan cơm. Bố Yến cũng thương con nhưng bất lực vì yếu thế, ông chẳng làm gì ra tiền nên đành im lặng. Học hết lớp 5, Yến buộc phải thôi học để ở nhà trông em. Năm 14 tuổi, một người bà con đưa Yến lên Hà Nội làm giúp việc. Sau 4 năm làm giúp việc, Yến đã lớn phổng phao ra dáng thiếu nữ. Trong một lần vào Sài Gòn thăm người cô ruột, Yến được giới thiệu lấy chồng Đài Loan.
Mọi chuyện diễn ra rất nhanh chóng, Yến gặp chồng chưa cưới đúng 2 lần thì theo chồng xuất cảnh. Những tưởng cuộc đời đã sang một trang mới, không ngờ cái khổ vẫn đeo bám không buông tha cho Yến. Sau 2 tháng sống với nhau, chồng Yến qua đời do một tai nạn trên đường đi làm về. Quá hụt hẫng, Yến quay về Việt Nam. Về nhà, không có công ăn việc làm lại chán cảnh sống chung với mẹ ghẻ, Yến thấy chị em trong xóm đi làm ở Malaysia nhiều nên cũng làm hồ sơ xin đi. Vốn chăm chỉ nên Yến cũng được mọi người trong xưởng yêu quý. Sóng gió bắt đầu khi Yến gặp và yêu một người Việt Nam làm việc cùng tên Trung.
Biết Yến yêu Trung, bạn bè sống lâu ở đây ai cũng nhắc nhở Yến rằng Trung trông bề ngoài bảnh bao nhưng lại là một kẻ ăn chơi, cặp kè với đồng hương để lợi dụng tiền bạc. Nhưng từ nhỏ đã thiếu thốn tình cảm, nên Yến bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên, lao vào yêu Trung như một con thiêu thân mù quáng, đến mức quên cả vỉệc hỏi quê quán của Trung ở đâu. Yến mơ ước về một mái nhà êm ấm với người mình yêu, cô hy vọng đây thật sự là bến đỗ của đời mình. Đến lúc Yến thông báo mình có thai, cô mới biết mình đã gặp phải gã Sở Khanh. Trung yêu cầu Yến phải bỏ thai đi, hoặc chấp nhận nuôi con một mình. Lúc này, Yến mới ân hận không nghe lời bạn bè, cô đành nghiến răng đi phá thai.
Khi tôi đến thăm, Yến đang phải nằm dưỡng bệnh. Quay mặt vào trong tường, Yến nghẹn ngào kể lại chuyện của mình. Cũng may, quản đốc xưởng may ở đây là người tốt, thương tình cảnh của Yến nên đã tạo điều kiện cho cô được nghỉ phép. Gặp chúng tôi, chị Huang chủ xưởng cứ chép miệng than thở: “Khổ thân con bé quá, nó chăm chỉ nhất xưởng, chả chơi bời gì, thế mà gặp phải người đàn ông không tốt”.
Sống chẳng cần ngày mai
Ngọc, cô gái có cái tên và khuôn mặt rất đẹp quê ở Thanh Hóa, khác với bạn bè tại nơi này. Mục đích chính của Ngọc sang đây không phải kiếm tiền để báo hiếu cha mẹ hay kiếm đồng vốn giắt lưng mà Ngọc chỉ muốn đi cho biết cuộc sống ở nước ngoài như thế nào. Vì thế, khi đặt chân lên nước bạn, việc chính của cô không phải là cần mẫn làm việc trong xưởng may, mà cô đi làm theo kiểu 3 ngày làm 5 hôm nghỉ. Mới sang được 5 tháng, Ngọc đã bắt bồ với một ông chủ người Hoa ở nhà máy chuyên sản xuất linh kiện ốc vít xe máy.
Cuộc đời của cô là những chuỗi ngày rong chơi ở những nhà hàng, siêu thị lớn và rồi quán bar. Tưởng cô yên phận với cuộc đời làm bồ nhí nhưng ai dè cô lại chơi trò bắt cá hai tay khi cùng một lúc cặp thêm với một anh chàng người Việt trẻ trung, làm ở công ty bên cạnh. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu như cô khéo cư xử để không bị bạn bè trong phòng ghét bỏ mà tố lại với ông chủ rằng cô đang “lấy của người miền xuôi nuôi người miền ngược”. Ông chủ người Hoa đầy kinh nghiệm đã không khó khăn gì khi bắt sống được cô và người tình nhỏ tại nơi ở. Anh người yêu cũng bỏ khi biết cô là kẻ bắt cá hai tay. Ngọc muối mặt dằn lòng trả lại những gì ông ta sắm cho và đành xách va li chuyển đi nơi khác.
Về Joho, Ngọc lại bắt bồ ngay với một anh người Việt khác, anh này cũng đã có vợ ở Việt Nam nhưng cuộc sống già nhân ngãi non vợ chồng kéo dài không được bao lâu. Vì người yêu của Ngọc còn phải gửi tiền về nuôi vợ con ở quê nên Ngọc rất khó chịu. Tuy nhiên, anh ta cũng ngã bài ngửa với Ngọc là chỉ bám vào nhau cho qua ngày chứ anh chẳng muốn có tương lai gì với cô. Thấy khó níu kéo nên Ngọc đành tạm biệt anh bồ sau một thời gian ngắn.
Giờ thì Ngọc đang “yêu” một anh chàng người Băng- la-đét, Ngọc tự hào khoe: “Tuy tiếng không biết nhiều nhưng “nó” yêu em lắm, em bảo gì cũng nghe. Cứ chiều đi làm về là xách nước cho em tắm, cơm nước cho em ăn. Hầu như chả bao giờ em phải động tay động chân vào việc”. Hỏi Ngọc có định lấy anh ta không thì cô cười tỉnh bơ bảo: “Xem đã, có gì tính sau. Ăn chơi vài năm rồi về nhà kiếm tấm chồng chả ngon hơn là đêm đêm ôm cục than đen sì này à”. Rồi Ngọc cười giòn giã như chả có tý bận tâm nào.
Nghe Ngọc nói vậy, tôi chỉ còn biết chép miệng thở dài. Hình như Ngọc không hề biết những việc mình đang làm đã biến cô thành loại người mạt hạng trong mắt những người khác. Cô hồn nhiên với niềm vui của mình, một niềm vui mà những đồng hương của cô thấy tủi hổ.
Chẳng giữ được mình
Với Vương, người đàn bà bước sang tuổi 36 tuổi, đã có chồng ở quê với 2 đứa con một trai một gái thì lại có một số phận khác. Đứa lớn đang học lớp 9 và đứa bé vừa vào cấp 2. Chị quê ở Cao Bằng, cuộc sống ở quê chỉ trông vào 2 sào lúa cùng chăn nuôi nên gia cảnh nhà Vương luôn rơi vào cảnh ăn bữa sáng lo bữa tối. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị bàn với chồng chạy tiền xin đi lao động xuất khẩu hy vọng kiếm được chút vốn để sau này dễ bề làm ăn.
Ngày mới sang lạ nước lạ cái, công việc lại nhàn hạ. Nhớ nhà, nhớ con lại thừa thời gian không biết làm gì, chị theo chân đám em út đi chơi rồi sa đà vào chuyện trai gái lúc nào không hay. Lúc đầu chỉ là ý nghĩ đi chơi cho vui chẳng mất gì, đến khi sa vào lại không rút chân ra được. Giờ chị cũng đang cặp bồ với một anh chàng người Indonesia làm cùng công ty. Tuy chưa đến mức thuê nhà ra ở riêng nhưng cuộc sống già nhân ngãi non vợ chồng của họ, ai cũng biết. Chị tâm sự nhiều lúc cũng nghĩ đến chồng con ở quê thấy ân hận lắm nhưng rồi lại tặc lưỡi, chắc gì mình ở đây chung thủy mà chồng ở nhà đã tử tế với mình. Chị bảo: “Mình phải chơi cho biết đó biết đây chứ như cái Lan cùng phòng với chị đấy đi làm mấy năm kiếm tiền gửi cả cho chồng, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, đến lúc té ngửa ra là chồng ở nhà mang tiền đi bao gái hết. Đã thế lại còn thách thức ly dị”. Nghe chị nói xong, tôi cũng đành lắc đầu không biết nên khuyên chị thế nào vì cuộc đời không ai dạy khôn ai được điều gì dù biết rằng chị đang bao biện cho lối sống phóng túng của mình.
Những phận đời mà tôi đã gặp ở nơi đất khách, mỗi người đều có những câu chuyện, những nỗi niềm khác nhau. Vì cuộc sống, vì mưu sinh nên họ đã phải xa gia đình để tha hương với mong muốn tìm cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Có những nụ cười, có cả những giọt nước mắt bởi đó là tình yêu nhưng có một điều mà tất cả họ đã thừa nhận: Đó không phải là một thiên đường trong mơ. Nhưng cuộc đời là thế, tình yêu là thế mà chẳng ai có thể nói trước được bất cứ điều gì. Khi chia tay, tôi chỉ biết thầm chúc cho những người con gái ấy không bị lạc lối trong mê cung tình ái, chúc họ tìm được hạnh phúc cho chính mình.
Theo Đang yêu
Giống tiêu Srilanka có nguồn gốc từ quốc đảo Srilanka với tên gọi quốc tế là Ceylon Khoo hiện đang được trồng nhiều tại phía bắc Thái Lan và biên giới Campuchia. Giống đã được Trung Tâm Cây Giống Vườn ươm Minh Phát nhập về và nhân giống thành công. Đặc điểm của giống tiêu này này là...