Đoàn công tác của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với TP HCM về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Vương Lê. |
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, số lượng doanh nghiệp giải thể và ngưng hoạt động có chiều hướng gia tăng, tập trung vào các nhóm ngành kinh tế thương mại, xây dựng, vận tải, các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu... "Bản thân nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ thường đầu tư dàn trải, kinh doanh đa ngành nghề dẫn đến không kiểm soát được dòng vốn, không định hướng rõ được chiến lược kinh doanh nên dễ gặp rủi ro", bà Hồng nói.
Vị phó chủ tịch thành phố còn khẳng định, nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực để hấp thụ vốn. "Doanh nghiệp bị nợ xấu nên không thể vay thêm được vốn hoặc không có phương án kinh doanh hiệu quả nên không thu xếp được vốn từ các tổ chức tín dụng", bà Hồng nói.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn băn khoăn, các công ty con hiện nay không có đủ tài sản thế chấp nên khó khăn trong việc vay vốn, ách tắc trong đầu tư. Còn đại diện Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn thì bức xúc về chi phí đầu vào cho nông nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng giá bán sản phẩm nông nghiệp lại giảm. "Chính vì giá sản phẩm giảm nên nông dân không biết nên đầu tư như thế nào cho hiệu quả. Mặc dù, hiện nay các ngân hàng thương mại có chính sách ủng hộ lãi suất cho bà con song trên thực tế bà con cũng không dám vay vì đầu ra khó", vị này băn khoăn.
Chủ tịch Hiệp hội nhựa và hóa chất lại trăn trở, khi nhập nguyên liệu về thì phải nộp ngay thuế VAT, do vậy rất khó khăn cho doanh nghiệp. Các mặt hàng nguyên liệu nhựa hầu hết nhập từ nước ngoài vì giá thành thấp hơn với nguyên liệu trong nước.
Nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố đều khẳng định, vấn đề khó khăn của doanh nghiệp là tiếp cận vốn, lãi vay. Việc ngân hàng hạ lãi suất cho vay như hiện nay là chưa đủ. "Chính phủ nên nghiên cứu gói cứu trợ cho từng nhóm ngành hàng cụ thể, đặc biệt là ngành tác động mạnh tới xã hội, tới nền kinh tế", ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ mỹ nghệ TP HCM nói.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh các giải pháp xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng thương mại. Hiện nay, số nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại của thành phố là 36.924 tỷ đồng.
Về lãi suất, thành phố kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo giảm lãi suất cho vay ở mức khoảng 14 đến 15% một năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Về chính sách thuế, thành phố kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa được gia hạn nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp và số thuế còn phải nộp theo quyết toán thuế năm 2012 thêm 3 tháng so với quy định. Số thuế gia hạn này không bao gồm số thuế doanh nghiệp tính trên phần thu nhập từ các hoạt động kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số...
Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm nay đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp có nợ thuế được nộp phân kỳ.
Nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động lãi suất vẫn còn cao và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Ảnh minh họa. |
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, sẽ xem xét và từ những kiến nghị này, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình, mục tiêu và giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho rằng, thời điểm khó khăn này lại là cơ hội để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tái cơ cấu bản thân mình một cách tốt nhất, qua đó sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém, không đủ năng lực.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu TP HCM cần phải thống kê, phân tích cụ thể để có những số liệu chính xác đánh giá khó khăn của doanh nghiệp, tình trạng phá sản của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chứ không phải báo cáo một cách chung chung. "Không chỉ hiện nay, mà những năm trước, trên thực tế cũng đã có những doanh nghiệp đăng ký song không hoạt động (doanh nghiệp ma). Do đó, TP HCM cần có thống kê và phân tích cụ thể", ông Ninh nói.
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh tới vấn đề vốn vay và lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay. "Vừa qua, ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, song ở đâu đó thực hiện còn chưa nghiêm nên tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần cho thanh, kiểm tra việc thực hiện quyết định này. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng cần phải chia sẻ hơn nữa với doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, Phó thủ tướng đề nghị.
Trong quý I năm nay, TP HCM có 4.988 doanh nghiệp được thành lập với tổng số vốn đăng ký là hơn 23.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp được thành lập tăng gần 31%, tuy nhiên số vốn đăng ký giảm 7%. Có 5.012 doanh nghiệp gửi thông báo ngưng hoạt động đến Cục thuế thành phố (tăng 4,6 lần cùng kỳ 2011). Trong đó có 1.725 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, 1.198 doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, 463 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình, tổ chức sắp xếp lại, 490 doanh nghiệp ngưng hoạt động chưa rõ lý do, 1.136 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động có thời hạn. |
Cung cấp giống Tiêu Srilanka - Chuẩn giống Ceylon Khoo Tiêu Srilanka - Chuẩn giống Ceylon Khoo chuỗi dài, sức đề kháng mạnh, bộ rễ khỏe, năng suất cao