Luồng gió mới
Từ TP Lào Cai, chúng tôi có cuộc hành trình lên miền biên cương xã A Mú Sung, huyện Bát Xát. Đập vào mắt chúng tôi là những rừng chuối nối đuôi nhau xanh bạt ngàn. Vào đồn Đồn Biên phòng A Mú Sung, khi chúng tôi hỏi về phát triển đời sống kinh tế bà con, trung tá Hoàng Văn Điệp, Phó đồn, cho hay: “Từ khi cây chuối đưa về đây, người dân A Mú Sung thoát khỏi cảnh nghèo đói. Mỗi năm gia đình ít nhất cũng thu được vài ba chục triệu đồng”. Nghe nói vậy, chúng tôi hỏi: Thế cây chuối đưa về đây từ lúc nào? Trung tá Điệp cho hay: “Từ năm 2009, do trưởng bản Ma Seo Páo gây dựng nên. Chúng tôi ngỏ ý muốn gặp "vua chuối" thì anh Điệp bảo: Giờ đi vào chưa gặp được đâu, để tôi “lên lịch” trước nhé.
Nghe xong, chúng tôi không khỏi thắc mắc, gặp "vua chuối" mà khó vậy? Trung tá Điệp cho hay: Không phải khó gặp mà giờ Páo đang lên nương hoặc đi sang các vườn chuối trong thôn bày cho bà con cách trồng chuối.
Sáng hôm sau, chúng tôi theo trung tá Nguyễn Văn Luật đi gặp "vua chuối". Vừa gặp, trưởng bản Páo liền “giải trình”: “Đợt này nắng nóng quá, mình phải lên nương chăm sóc không chuối chết mất. Nắng thế này mình không che thì buồng nào buồng nấy bị cháy sém, lúc đó chỉ cho lợn ăn thôi. Giờ đi khắp thôn không có ai ở nhà hết, họ lên nương che nắng cho chuối hết cả”.
Gia đình Páo trồng gần 3.000 gốc chuối với diện tích 2 ha. Năm nay trưởng bản Páo 53 tuổi, người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở bản Lũng Pô 2. Miền quê của Páo là vùng cao biên giới, địa hình phức tạp, nhiều vực sâu chia cắt, đất canh tác nông nghiệp hạn chế, vì thế Páo suy nghĩ rất nhiều xem trồng cây gì mang lại hiệu quả thiết thực, tận dụng được diện tích đất đai, đồi núi có sẵn, tránh sự bạc màu của đất… Theo Páo, trước đây, số đất này chỉ trồng ngô, trồng sắn nên năm nào bà con cũng thiếu ăn dài. Từ khi có cây chuối đời sống bà con được nâng lên, mỗi vụ thu hoạch chuối xong, nhà nào cũng có vài chục triệu bỏ túi và rồi xe máy, tivi, nhà cửa thi nhau mọc lên ầm ầm.
Páo tâm sự: "Bản mình chỉ cách đất Trung Quốc bằng con suối, nhìn sang những đồi nương chuối bên đó xanh mướt, quả to, đẹp mà không biết tại sao họ trồng được. Xuất phát từ đó mình đã quyết tâm sang Trung Quốc tìm hiểu”. Năm 2008, Páo “xuất ngoại” đi làm thuê, ở nơi đó lao động vất vả nhưng đồng tiền công ít ỏi. Mặc dù vậy, Páo vẫn quyết tâm ở lại xứ người chỉ mong học hỏi được chút kinh nghiệm. Hết mấy tháng trời học xong cách trồng, chăm sóc, Páo về nước, xuôi xuống Na Lốc, Cốc Phương ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, Lào Cai tiếp tục “tu bổ” thêm kiến thức.
Vua chuối Ma Seo Páo
Ngày tháng trôi đi, sau khi có được chút ít "vốn liếng" kinh nghiệm, Páo trở về bản bắt tay vào trồng chuối. Những ngày đầu không có vốn, Páo đi làm thuê đủ các nghề từ trồng ngô, rồi có những lần cùng các bạn đi buôn ngô, qua Trung Quốc làm thuê, về TP Lào Cai bốc vác. Và rồi từ những đồng vốn ít ỏi tích cóp được cũng như được gia đình, bạn bè động viên giúp đỡ, Páo đã trồng những nương chuối đầu tiên. Liên tiếp những năm sau đó, sản lượng chuối ngày một tăng và người nhà làm không hết việc, Páo lại thuê người làm rồi mở rộng diện tích. Hiện nay, Páo đã trở thành ông “vua” của chuối ở vùng đất biên cương A Mú Súng.
Páo nói với chúng tôi rằng: “Đất không phụ lòng người thật, ngày trước chỉ trồng cây ngô cây sắn, đến khi không có cái ăn lại lên rừng hái ít rau, đào ít củ mài về lót bụng. Vậy mà giờ đây, đất đẻ ra tiền triệu mỗi vụ. Nếu "xuôi chèo, mát mái" vụ chuối năm nay mình sẽ thu được 200 đến 250 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn lãi 100 đến 150 triệu đồng. Chuối mới trồng nên đầu tư ít. Bên cạnh đó, quả to đẹp bán với giá cao”.
Làm giàu không riêng mình
Vụ chuối năm 2010, Páo thu về được 50 triệu đồng và con đường trở thành "vua chuối" với Páo bắt đầu từ những suy nghĩ tốt đẹp. Làm cho mình giàu rồi, Páo còn mang những hiểu biết của mình để chia sẻ và giúp đỡ nhiều hộ dân trong bản. Páo kể: “Mình phải đến từng nhà động viên người dân phát triển mô hình theo mình. Tuy nhiên người dân ở đây chẳng ai mặn mà với cây chuối nhưng mình kiên trì “nhồi nhét” kiến thức”.
Biết được cây chuối đem lại kinh tế, Páo gặp bà con vào bảo với họ trồng chuối “đẻ” ra nhiều tiền lắm nhưng không một ai nghe lời mình. Họ bảo rằng: “Từ bao đời này người Mông chỉ biết trồng ngô, trồng sắn lấy cái mà ăn, còn trồng chuối lấy đâu ngô, sắn để lót bụng?”. Rồi cũng có người còn thử thách Páo: “Nếu trồng chuối không có tiền, mày có ngô, thóc bỏ vào miệng vợ chồng, con cháu tao không?...”.
Những câu hỏi của bà con, đêm về khiến Páo nằm ngủ không tài nào chợp mắt. Nghĩ mãi cũng không ra, Páo bàn chuyện với vợ rằng: Trích một số tiền thu hoạch chuối vụ vừa rồi cho những người dân trong vùng vay mượn để mua gạo, ngô về ăn trong giai đoạn chuối mới trồng, còn giống phần thì Nhà nước hỗ trợ, phần lấy từ vườn nhà mình, cách làm này mới “ép” họ trồng chuối. Khi nghe Páo nói vậy, vợ phản đối quyết liệt.
Ông Sí Trung Kiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Bát Xát, cho biết: Cấy chuối đến với huyện vùng biên Bát Xát từ năm 2008, 2009 từ Chương trình 135 và cơ chế của tỉnh hỗ trợ giống và phân bón. Chuối là cây dễ trồng và cho thu nhập cao, tuy nhiên đầu tư cũng tốn kém. Mỗi héc - ta chuối cho thu nhập khoảng 130 triệu, cây chuối đến với Bát Xát đã đưa thu nhập tăng lên. Hiện nay, chúng tôi lo nhất là đầu ra cho sản phẩm, thị trường rất bấp bênh. Bên cạnh đó thị trường Trung Quốc rất khó tính, đòi hỏi chất lượng cao. |
Nhưng nhờ cách thuyết phục hợp tình hợp lý, vợ Páo đã gật đầu đồng ý. Páo trích một số tiền cho người dân trong thôn vay để họ mua lương thực, có như thế họ mới dành đất để trồng chuối. Những cánh rừng Lũng Pô bạc trắng dần dần được phủ thêm màu xanh của chuối. Kết thúc vụ chuối, bán được giá (15.000 đồng/1kg) nên bà con phấn khởi. Từ đó mô hình trồng chuối ở thôn Lũng Pô 2 phát triển mạnh mẽ. Nhiều người dân được Páo giúp đỡ, giờ đây cuộc sống đã khấm khá lên. Họ không biết lấy gì để tạ ơn Páo. Họ nói, Páo là một trưởng bản tuyệt vời.
Đứng trước vườn chuối sắp cho thu hoạch, Páo không khác gì một kỹ sư nông nghiệp mô tả cho chúng tôi kỹ thật trồng và chăm sóc chuối: “Cây chuối mô từ lúc ươm trồng đến khi thu hoạch khoảng 9 tháng.
Để sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, thường chỉ lấy khoảng 7 nải mỗi buồng và phải phun thuốc 2 lần cho lá, 6 lần cho quả. Để nhớ được những ngày bón phân và phun thuốc, chúng tôi thường đánh dấu lên từng quả chuối ở mỗi cây cho dễ nhớ.
Từ quy trình chăm sóc đến thu hoạch phải đảm bảo đúng kỹ thuật, quả chuối không chỉ to, đều, mẩy mà còn phải “đẹp không tì vết” mới xuất khẩu được. Chuối không đáp ứng các tiêu chuẩn ấy là bị trả lại ngay”.
Trong vụ chuối này Páo lo lắng: “Hiện thị trường Trung Quốc khắt khe hơn, thương lái đòi chuối đẹp, nếu chuối không được như ý thì họ ép giá. Mình làm ra sản phẩm nhưng không có quyền nâng giá, họ ra giá bao nhiều thì mình theo họ hết”.
Nguồn BNN
Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...