Sẽ bùng nổ công nghệ sinh học!

Thứ sáu - 27/01/2012 04:55

Minh họa

Minh họa
Với những thành tựu khoa học và công nghệ vượt bậc của nhân loại, từ cuối thế kỷ XX, công nghệ sinh học (CNSH) từ một ngành khoa học đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao của nhiều quốc gia trên thế giới.


Phòng nghiên cứu và thí nghiệm CNSH đang được TPHCM đầu tư mạnh mẽ

Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy này khi nhiều chủ trương, chính sách và vốn đầu tư của cả nhà nước và tư nhân đang đổ vào đây để sớm tạo ra cuộc “cách mạng” trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có ngành nông nghiệp.

TẠI SAO PHẢI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC?

Tại các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, EU, Nhật, CNSH đã trở thành ngành công nghiệp mang lại giá trị hàng tỷ USD/năm. CNSH đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư thế giới vào nghiên cứu và thử nghiệm các sản phẩm CNSH. Hàng năm có hàng trăm patents (bằng sáng chế hay bản quyền) mới trong lĩnh vực CNSH, đồng thời các nước đều đã xây dựng các định hướng chiến lược phát triển CNSH dài hạn, thành lập Hội Công nghiệp sinh học tại quốc gia mình.

Theo PGS.TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH- CN TPHCM, đối với nước ta, một nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp, CNSH có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là một nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn; cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sống và phục vụ phát triển nhiều ngành công nghiệp.

Trong khi đó, GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện KHKTNN miền Nam thì cho rằng, trong bối cảnh thế giới thiếu lương thực trầm trọng, giá liên tục được đẩy lên cao, nhiều nước đã nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của nông nghiệp. Họ đã có những đầu tư lớn vào lĩnh vực này, trong đó đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng CNSH vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đến năm 2050 dân số thế giới sẽ lên đến 9 tỷ người, vì thế việc ứng dụng CNSH để tăng sản lượng lương thực, trong bối cảnh đất đai đang ngày càng thu hẹp là một yêu cầu bắt buộc đối với toàn thế giới.

Riêng tại Việt Nam, nền nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về khí hậu, dịch bệnh, dân số tăng cao… Nếu chúng ta nhanh chóng ứng dụng những thành tựu CNSH vào sản xuất nông nghiệp thì nó sẽ là “chìa khóa” để giải quyết những vấn đề bức xúc này.

CÔNG NGHỆ SINH HỌC NÔNG NGHIỆP Ở VN

Nói về nghiên cứu và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp trước hết phải nói đến TPHCM, nơi đầu tiên trong cả nước xác định vị trí ưu tiên cho phát triển CNSH. Theo PGS.TS Phan Minh Tân, từ sau khi đất nước thống nhất, các nghiên cứu sinh học ứng dụng từng bước được triển khai tại các Viện nghiên cứu, trường đại học đóng trên địa bàn TP. Đặc biệt, Sở KH-CN đã xây dựng chương trình CNSH thành chương trình trọng điểm của TP để tập hợp lực lượng cán bộ khoa học tham gia nghiên cứu và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nông nghiệp được ưu tiên số 1. 

 

Nhiều sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNSH đem lại hiệu quả cao tại TPHCM

Cụ thể, theo TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm CNSH TPHCM, với tình trạng đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nông nghiệp thành phố đã xác định là nông nghiệp đô thị với hướng tập trung: Phát triển giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao; phát triển các mô hình canh tác theo hướng công nghệ cao, đem lại giá trị sản lượng và hiệu quả lớn trên một đơn vị diện tích.

Đơn cử như việc nghiên cứu và ứng dụng “Hệ thống ngập chìm tạm thời (TIS) trong nhân giống cấy mô thực vật” cho phép tăng số lượng cây con nhân ra tốc độ nhanh 10 lần và rút ngắn thời gian nhân giống từ 2 – 4 tuần. Nghiên cứu thành công bộ KIT PCR phát hiện bệnh virus trên hoa lan; sưu tập được bộ giống hoa lan khổng lồ lên tới 300 giống để phục vụ cho công tác sưu tập nguồn gen và lai tạo giống. Nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất các bộ KIT PCR phát hiện 4 loại bệnh trên tôm (đốm trắng, hoại tử vỏ, còi, viêm gan tụy). Nghiên cứu các loại vacxin ngừa bệnh gan thận mủ trên cá tra (công nghệ tái tổ hợp gen, gây đột biến…). Nghiên cứu kỹ thuật sử dụng các chế phẩm sinh học cho hoa, cây kiểng; sản xuất chế phẩm sinh học (Bima chứa nấm Trichoderma; phân lá hữu cơ sinh học từ trùn quế) phục vụ hướng canh tác hữu cơ trên rau, hoa và các cây trồng khác…

Tuy nhiên, việc nghiên cứu và ứng dụng CNSH thời gian qua chủ yếu tập trung tại TPHCM, chưa phát triển tại hầu hết các tỉnh thành đã khiến lĩnh vực CNSH của nước ta vẫn ở tình trạng lạc hậu so với khu vực và thế giới. Theo TS Dương Hoa Xô, hiện vốn đầu tư cho lĩnh vực CNSH đang rất thiếu, chưa xứng tầm, phòng thí nghiệm, máy móc, trang thiết bị thiếu thốn nên không tạo ra được đột phá trong nghiên cứu và chuyển giao cho ngành nông nghiệp.

Đồng thời, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực CNSH và nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam đang rất thiếu. “Đơn cử như chúng ta muốn lai tạo giống thì tối thiểu phải có chuyên gia về di truyền lai tạo, nhưng hiện nay đội ngũ này đang rất khan hiếm, không biết kiếm ở đâu!” – TS Xô nói.

5 NĂM TỚI, RÓT TRÊN 1.400 TỶ ĐỒNG

Đây là con số được Sở KH- CN TPHCM đưa ra trong định hướng đầu tư phát triển CNSH tại TPHCM, giai đoạn 2011 – 2015. Theo nhiều chuyên gia, số tiền này thực chất không quá lớn, nhưng trước thực tế hầu hết các tỉnh thành trên cả nước chưa có động tĩnh hay chủ trương đầu tư gì cho CNSH, thì việc TPHCM duyệt chi 1.407 tỷ đồng trong 5 năm tới có thể coi như là bước đột phá.

Theo PGS.TS Phan Minh Tân, số tiền này sẽ giúp nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu triển khai về CNSH. “Chỉ tính riêng năm 2011, TP đã tổ chức đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành CNSH ở nước ngoài, gồm: Sinh học phân tử động thực vật; di truyền chọn tạo giống cây trồng; vacxin, protein tái tổ hợp; CNSH môi trường, công nghệ vi sinh, CNSH thủy sản ở các nước có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực CNSH như Úc, Canada, Anh, Nhật, Pháp, Mỹ, Israel, Singapore…”, ông Tân nói.

Ngoài nhân tố con người, Trung tâm CNSH sẽ được đầu tư để sớm hoạt động theo mô hình đồng bộ, từ nghiên cứu đến thử nghiệm, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm CNSH phục vụ phát triển TPHCM và khu vực các tỉnh phía Nam. Điều đáng nói, vào giai đoạn 2005 – 2010, TPHCM đã duyệt đầu tư tới 100 triệu USD để xây mới hoàn toàn Trung tâm CNSH TPHCM tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12 trên khuôn viên rộng 23 ha. Theo TS Dương Hoa Xô, Trung tâm này khi hoàn thành sẽ tạo bước nhảy vọt cho cả khu vực trong lĩnh vực CNSH. Đây sẽ là nơi nghiên cứu, tiếp nhận và kế thừa có chọn lọc những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới về CNSH để phục vụ cho ngành nông nghiệp, cũng như nhiều lĩnh vực CNSH khác.

 

Thuận lợi của TPHCM là được lãnh đạo TP quan tâm và đã có những mục tiêu cụ thể cho 3 giai đoạn phát triển NNCNC.

- Cụ thể, giai đoạn 2010 – 2015 sẽ hình thành thêm 3 đến 4 Khu NNCNC về chăn nuôi, thủy sản và mở rộng Khu NNCNC hiện có.

- Giai đoạn 2016 – 2020 đưa vào hoạt động 4 đến 5 Khu NNCNC, hỗ trợ phát triển các DN nông nghiệp đạt hiệu quả; tạo các giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học; đẩy mạnh công nghệ vi nhân giống, sản xuất 8 đến 10 triệu cây giống cấy mô/năm; ứng dụng công nghệ phôi để nhân giống đàn bò sữa; xây dựng các mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC theo từng vùng sinh thái…

- Giai đoạn 2025 đưa sản xuất nông nghiệp của TP đạt trình độ thâm canh và ứng dụng CNC ngang tầm khu vực theo đặc trưng của nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái.
Nguồn báo nông nghiệp


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất vượt trội

Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây