Chỉ cần một cơn mưa nhỏ, hay được tưới một dòng nước mát là tất thảy đều bung hoa
Sau mỗi vụ thu hoạch cà phê, Tây Nguyên lại bước vào mùa khô khốc liệt. Những cành cà phê cứ héo rũ dần nhưng lại chứa một sức sống lạ kỳ. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ, hay được tưới một dòng nước mát là tất thảy đều bung hoa. Mùa hoa cà phê nở không chỉ làm ngỡ ngàng du khách phương xa mà đến người nông dân trồng cà phê cũng bị hương thơm nồng nàn ấy quyến rũ.
Anh Lê Toàn Thắng (thôn 1, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) từng là học sinh du học ở nước ngoài nên mỗi mùa hoa cà phê nở đều cho anh những liên tưởng mới mẻ. Cứ mỗi khi vào rẫy trong mùa hoa nở, anh Thắng có thói quen đem theo máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của hoa cà phê để tặng ảnh cho bạn bè gần xa.
Anh tâm sự: “Mỗi mùa hoa cà phê nở khiến tôi nhớ lại mùa đông nước ngoài thời còn du học. Đi giữa rừng hoa cà phê trắng bạt ngàn ngỡ như đang đi giữa mùa đông có tuyết rơi. Bông tuyết lạnh lẽo không mùi vị, nhưng hoa cà phê thì có hương thơm ngát…”.
Như đang đi giữa mùa đông có tuyết rơi…
Dưới nền trời trong xanh và nắng vàng, màu trắng hoa cà phê càng nổi bật giữa không gian, cuốn hút mắt nhìn. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Thọ đã ví vẻ đẹp của hoa cà phê ở phố núi thân yêu của mình như cô gái Tây Nguyên đang tuổi xuân thì, đẹp rực rỡ và tinh khiết; những cành cà phê trải đầy hoa trắng như tà áo dài nữ sinh thướt tha.
Cái đẹp ấy khiến những nghệ sĩ nhiếp ảnh như anh thường rong ruổi trên các sườn đồi vào những ngày tháng 2, tháng 3 để chụp ảnh hoa cà phê, ghi lại những thời điểm đẹp nhất từ sắc trắng đặc trưng của Tây Nguyên…
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà cách đây gần 35 năm, cố thi sĩ Xuân Diệu đặt chân đến Buôn Ma Thuột đã xao xuyến trước vẻ đẹp của hoa cà phê: Hoa cà phê thơm lắm, em ơi/ Hoa cùng một điệu với hoa lài/ Trắng ngà, trong ngọc, xinh mà sáng/ Như miệng em cười đâu đây thôi/ Hoa dạt dào thơm, mắt dạt dào/ Mỗi hoa như thể một vì sao/ La đà mỗi nhánh hoa chi chít/ Tất cả hòa hương: sâu, rộng, cao.
Dâng mật ngọt cho đời
Hoa cà phê không chỉ đẹp và thơm mà còn chứa trong đó cả một tiềm năng kinh tế. Chỉ cần nhìn vào lượng hoa nở người nông dân có thể đoán trước được kết quả của một mùa vụ. Và hương thơm của hoa cũng đem lại nguồn lợi đáng kể cho người nuôi ong lấy mật. Người nuôi thường đặt thùng ong gần vườn cà phê trong suốt mùa hoa nở để ong hút mật. Trên thị trường, mật ong lấy từ hoa cà phê rất được ưa chuộng. Nếu ong được lấy mật ngọt từ hoa cà phê thì giọt mật đặc sánh hơn và màu mật cũng vàng hơn.
Cũng nhờ mật ong hoa cà phê mà nhiều người nuôi ong mật đã tạo được thương hiệu cho mật ong của gia đình. Ông Trần Phước Bửu (thôn Phước Trạch, xã Ea Phê, huyện Krông Pak) cho biết: Mỗi năm gia đình sản xuất được 1,5 tấn mật ong; riêng trong 3 tháng lúc hoa cà phê nở rộ đã cho sản lượng gần một nửa. Mật ong hoa cà phê có màu vàng sáng, và có hương thơm khác hẳn các loại mật lấy từ hoa khác.
Ông Bửu nói rằng : “Riêng mật ong hoa cà phê tôi chỉ bán tại nhà cho người hiểu được giá trị của loại mật này, nên họ sẵn sàng trả tiền cao gấp đôi so với mật của các loài hoa khác”.
Hoa cà phê đã trở thành biểu tượng đẹp trong các mùa Lễ hội
Không rực rỡ, không kiêu sa, chỉ khiêm nhường cánh mỏng với màu trắng tinh khôi, hoa cà phê không chỉ dâng mật ngọt mà còn kết nên trái thơm cho đời bằng cái vị đắng dịu êm đầy mê hoặc. Hãy dừng lại một chút để ngắm nhìn hoa cà phê mỗi khi có dịp, ta sẽ thấy yêu hơn màu hoa trắng đã trở thành biểu tượng của mỗi mùa Lễ hội cà phê chỉ có ở miền đất “thủ phủ cà phê”.
Theo Đắk Lắk Online
Giống tiêu Srilanka có nguồn gốc từ quốc đảo Srilanka với tên gọi quốc tế là Ceylon Khoo hiện đang được trồng nhiều tại phía bắc Thái Lan và biên giới Campuchia. Giống đã được Trung Tâm Cây Giống Vườn ươm Minh Phát nhập về và nhân giống thành công. Đặc điểm của giống tiêu này này là...