Không quá phức tạp
Ông Trần Anh Sơn (ngụ xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những người tiên phong đầu tư hệ thống tưới nước ngầm nhỏ giọt cho cây cà phê. Theo ông Sơn, tình trạng khô hạn kéo dài như hiện nay không thể có nước để tưới theo các cách truyền thống nên phải mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước ngầm nhỏ giọt. Hiện trong vùng đã có 3 người lắp đặt và 15 hộ đăng ký sử dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt do Israel sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Hào (HTX Công bằng cà phê Cư Đlêi M’nông, huyện Cư M’gar) cũng đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm của Israel và cho biết: “Công nghệ này giảm được 1/3 thời gian, nước được giữ lâu trong đất, phân bón sẽ được hấp thụ hết, cây cối sẽ phát triển đều hơn. Mực nước giếng năm nay tụt thấp hơn năm ngoái từ 3 - 4 m, nếu không áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm thì hàng trăm hecta cà phê trong vùng sẽ chết khô”.
Trong khi đó, ông Y Cal (ngụ xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk) sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm sản xuất trong nước nhưng vẫn bảo đảm mang lại hiệu quả kinh tế. Theo ông Y Cal, hệ thống này không quá phức tạp, chỉ cần hệ thống ống dẫn nước lắp đặt cố định trên vườn cây, thiết bị cấp phân bón tự động qua nước tưới và thùng chứa phân bón, các van phân phối nước và điều áp. “Từ ngày sử dụng hệ thống này, gia đình tiết kiệm được hơn 1/3 lượng nước tưới so với trước đây. Không chỉ vậy, hệ thống này không gây xói mòn, rửa trôi đất mà lại nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón” - ông Y Cal hồ hởi.
Sản xuất theo thói quen
Theo một số chuyên gia, rừng Tây Nguyên bị tàn phá hết sức nghiêm trọng nên không giữ được nguồn nước, trong khi người dân vẫn sản xuất theo thói quen sử dụng nguồn nước vô tội vạ.
TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, nhận định việc áp dụng các phương pháp tưới nước tiết kiệm đã mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, rất ít hộ dân sử dụng vì đầu tư cao nên cần chính sách hỗ trợ. Hiện chi phí đầu tư một hệ thống tưới nước tiết kiệm trung bình khoảng 20 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, do lắp đặt cố định nên cần liên kết giữa các nhóm hộ để thuận lợi bảo quản. Đối với hệ thống tưới của Israel, chi phí đầu tư khoảng trên 70 triệu đồng/ha. Với chi phí này, nếu không có sự trợ giúp thì người dân rất khó thực hiện.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, với tình trạng hạn hán kéo dài như hiện nay, đầu tư công nghệ tưới nước hiện đại sẽ góp phần chống hạn lâu dài. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo cho Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk phối hợp các ban, ngành xây dựng những mô hình tưới nước tiết kiệm. Mới đây, Bộ NN-PTNT cũng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng có cơ chế cho vay vốn đầu tư các mô hình tưới tiết kiệm với lãi suất hợp lý.
GS Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho biết đơn vị này đã kêu gọi các nhà khoa học nghiên cứu, xây dựng các giải pháp “sống khôn ngoan với hạn” cho vùng Tây Nguyên. Ông Nhạ nhận định địa hình, địa chất của Tây Nguyên rất khó giữ nước mưa và nước ngầm nên dễ xảy ra hạn hán. “Chúng tôi kêu gọi các tỉnh Tây Nguyên phối hợp với chúng tôi để xây dựng các giải pháp dài hơi nhằm giải quyết bài toán về nguồn nước” - ông Nhạ nói.
Thêm hàng chục ngàn hecta lúa chết vì hạn, mặn
Ngày 9-3, Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết tỉnh này đã có thêm hàng chục ngàn hecta lúa bị thiệt hại do hạn, mặn. Theo thống kê sơ bộ, toàn vùng U Minh Thượng thuộc các huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng đã bị thiệt hại đến 55.000 ha. UBND tỉnh Vĩnh Long cũng công bố khoảng 1.274 ha lúa hè thu sớm bị nhiễm mặn, trên 1.000 ha lúa đông xuân đang sinh trưởng và lúa hè thu sớm đang giai đoạn mạ bị thiếu nước tưới do đóng cống ngăn mặn.
Như vậy, tính đến nay, đã có 7 tỉnh ở ĐBSCL công bố thiên tai, gồm: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau và Vĩnh Long.
T.Nốt - C.Linh
Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...