Triển vọng từ các mô hình trồng tiêu bền vững

Thứ năm - 02/10/2014 19:18

Triển vọng từ các mô hình trồng tiêu bền vững

Sự phát triển ồ ạt của cây tiêu trong những năm qua không chỉ phá vỡ quy hoạch của tỉnh mà còn dễ dẫn đến tình trạng cây tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại đến kinh tế người dân. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất tiêu bền vững đang là một trong những giải pháp hiệu quả nâng cao giá trị cây tiêu cần được nhân rộng.
Những năm gần đây, do giá tiêu hạt trên thị trường luôn ở mức cao (hiện nay khoảng trên 180.000 đồng/kg) nên nhiều hộ nông dân đổ xô trồng tiêu, khiến diện tích loại cây này trong tỉnh không ngừng tăng nhanh. Nếu như năm 2005 toàn tỉnh mới chỉ có 3.567 ha tiêu thì đến nay đã tăng lên 11.000 ha (vượt trên 6.000 ha so với quy hoạch của tỉnh), sản lượng đạt gần 20.000 tấn/vụ. Mặc dù là loại cây trồng có khả năng thích ứng với nhiều vùng đất và nhu cầu nước tưới ít hơn cà phê, mùa vụ thu hoạch hoàn toàn trong mùa khô, nhưng do yêu cầu kỹ thuật chăm sóc đối với cây tiêu khá cao, vốn đầu tư lớn, nên việc mở rộng diện tích tiêu không theo quy hoạch và chăm sóc không hợp lý rất dễ khiến cây tiêu bị nhiễm bệnh chết.
Vườn tiêu của một nông hộ ở xã Ea Bhôk (huyện Cư Kuin) luôn cho năng suất cao và ổn định nhờ được áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo hướng bền vững.
Vườn tiêu của một nông hộ ở xã Ea Bhôk (huyện Cư Kuin) luôn cho năng suất cao và ổn định nhờ được áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo hướng bền vững.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết, từ việc phát triển ồ ạt cây tiêu đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy: Người dân đã phá bỏ nhiều diện tích cây trồng như cà phê, điều, cao su, cây ăn quả… để trồng tiêu. Thêm vào đó, khi chuyển sang trồng tiêu thì người dân thường thiếu chú trọng khâu cải tạo đất, xử lý mầm bệnh. Phần lớn diện tích tiêu trong tỉnh đều được trồng chủ yếu trên trụ chết, chưa chú trọng đến cây che bóng cho tiêu. Phân hóa học được bón với liều lượng cao, mất cân đối, lại ít quan tâm đến phân hữu cơ và chế phẩm sinh học cho cây tiêu, chính vì vậy tình hình sâu, bệnh hại trên cây tiêu phát triển mạnh, chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục. Qua theo dõi của Chi cục Bảo vệ thực vật, tính từ năm 2008 đến nay, tổng diện tích tiêu bị bệnh héo chết nhanh và vàng lá chết chậm là gần 680 ha với tỷ lệ hại từ 5-20%, diện tích bị nhiễm tuyến trùng là 580 ha.

Để cải thiện tính bền vững trong quá trình sản xuất cây tiêu, năm 2011 Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiến hành khảo sát xây dựng mô hình trình diễn trồng tiêu theo hướng bền vững tại phường Tân Bình (thị xã Buôn Hồ) và xã Ea Bhôk (huyện Cư Kuin) trên diện tích 5,3 ha, gồm 20 hộ tham gia mô hình trồng tiêu trên trụ cây sống. Kết quả cho thấy, năng suất tiêu từ các mô hình này cao hơn sản xuất đại trà từ 20,2 - 25,0 % (so sánh tại các vùng xây dựng mô hình). Tiếp tục đến năm 2012, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), Công ty thu mua Euroma phối hợp với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 (Simexco Dak Lak) đã hỗ trợ triển khai thực hiện Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững”. Dự án được triển khai tại xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar), xã Ea Tân (huyện Krông Năng), phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) với sự tham gia của 500 hộ dân, diện tích tiêu được chứng nhận là 411 ha, sản lượng 777 tấn, sản lượng thu mua 336 tấn (theo chứng nhận Rainforest Alliance).... Từ việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất tiêu bền vững, nhiều hội, đoàn thể và đơn vị chức năng địa phương trong tỉnh đã có cơ sở để tổ chức cho hội viên tham quan các vườn tiêu hiệu quả trên địa bàn; đồng thời mở các lớp tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật trồng tiêu hiệu quả theo hướng bền vững để bà con nông dân áp dụng. Từ đó những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật để chăm sóc cây tiêu đạt chất lượng cao đã được nhiều nông dân chia sẻ với nhau và mô hình này ngày càng nhân rộng.

Một số hộ dân ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đang sử dụng sản phẩm phân vi sinh để bón cho vườn tiêu của gia đình.
Một số hộ dân ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đang sử dụng sản phẩm phân vi sinh để bón cho vườn tiêu của gia đình.

Vườn tiêu của gia đình ông Trần Văn Tam ở xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar được áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo hướng bền vững (theo Dự án Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững) từ hơn 2 năm nay. So với các vườn tiêu trồng theo phương thức truyền thống thì vườn tiêu gia đình ông có nhiều khác biệt như ít bị sâu bệnh, lá tiêu dày và xanh hơn, đặc biệt là đã hạn chế được dịch bệnh chết nhanh, chết chậm. Ông Tam cho biết, quy trình chăm sóc vườn tiêu bằng phương pháp sinh học khá đơn giản, chỉ sử dụng toàn phân xanh, phân chuồng ủ hoai, phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây khi mới trồng. Khi tiêu cho trái thì bón thêm một ít phân vô cơ để hỗ trợ cây nuôi trái. Nhờ vậy với 1 ha tiêu kinh doanh, gia đình ông thu hoạch trung bình khoảng 6 tấn tiêu hạt, thu lãi trên 900 triệu đồng/năm, cao hơn các hộ trồng đại trà khác trong xã từ 1 - 2 tấn/ha.

Ông Huỳnh Quốc Thích cho hay: Đối với việc thực hiện các mô hình sản xuất tiêu bền vững thì nông dân được hỗ trợ tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác tiêu bền vững, phương pháp thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu và an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, được cấp phát và hướng dẫn sổ ghi chép nhật ký nông hộ, giúp nông dân chủ động hơn trong các khâu kỹ thuật, biết hạch toán chi phí trong sản xuất; được hỗ trợ mua tủ đựng thuốc bảo vệ thực vật, kinh phí đào hố để thu gom rác, nhất là bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường, sức khỏe người lao động. Nhờ vậy, từ chỗ sản xuất tiêu theo kinh nghiệm là chính, nông dân đã biết hạn chế sử dụng phân bón hóa học, chú trọng dùng phân hữu cơ vi sinh, tạo hệ thống thoát nước, trồng cây che bóng, chắn gió và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được khuyến cáo để phòng bệnh cho tiêu định kỳ nên vườn cây phát triển tốt, tăng năng suất. Không chỉ được chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiêu bền vững, các hộ tham gia mô hình còn được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 2 - 4%. Đây cũng được xem là một trong những mô hình điểm thực hiện mối liên kết “4 nhà“ tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng cao, bền vững gắn với doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ ổn định.

 

,

Tác giả bài viết: Lê Thành

Nguồn tin: Bao dak lak Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU Đắk Lắk

Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây