Kỹ sư, bác sĩ... trên gánh hàng rong của mẹ

Thứ hai - 20/10/2014 20:27

Minh họa

Minh họa
Đi bất cứ con đường nào ở Sài Gòn, giữa dòng người, xe cộ tấp nập, cũng có thể thấy hình ảnh những người phụ nữ, đủ lứa tuổi, với nón lá trên đầu, quanh gánh trên vai.

Họ có thể đang bước thấp bước cao, hoặc ngồi đâu đó ở một góc phố... Biết bao đứa trẻ đã lớn lên, được ăn học nên người từ sự lam lũ của những người mẹ ấy.

Vai gầy một đời nặng gánh

Với tôi và nhiều khách đi đường, hình ảnh một người phụ nữ với gánh xôi ở lề đường ngay cổng Bệnh viện Y học Dân tộc trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận (TP. HCM), đã trở nên quá quen thuộc. Bởi bà đã ngồi đó, với gánh xôi ấy hơn 30 năm nay. Bà tên Mười, năm nay 60 tuổi, quê gốc ở Đồng Tháp.

Mỗi khi thấy tôi đến, bà không hỏi gì, làm ngay cho tôi một gói xôi đậu xanh. Khách hàng của bà Mười rất đông và đủ thành phần, từ thợ hồ đến học sinh, sinh viên, công chức...

“Với đàn ông khỏe mạnh, hay mấy cậu làm phụ hồ, tôi bán cho họ gói to, còn nữ làm việc văn phòng thì ít hơn. Vì sợ họ ăn không hết, bỏ phí. Tôi bán mấy chục năm nay, nhiều người mua xôi của tôi tính bằng chục năm đấy”, bà Mười nói.

15-13-08_nh-4
Bà Mười và gánh xôi hơn 30 năm

Trước đây, mỗi gói xôi chỉ có giá 1.000 đồng, bà lời mỗi ngày khoảng 10.000 đồng. Số tiền ấy đã giúp bà nuôi 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, trong đó có 2 người học lên đến đại học, đã ra trường, đi làm và có gia đình riêng.

“Tôi thương thằng anh nhất, vì hồi đầu còn khó khăn, nó thương má cực khổ nên học xong cấp 3 là nghỉ, ở nhà phụ má nuôi 2 đứa em ăn học. Nhưng giờ nó cũng đi làm công nhân, có vợ con rồi. Còn đứa con gái và thằng út học xong đại học, ra đi làm, có gia đình riêng, cuộc sống cũng ổn. Thấy tôi cứ lui cui đêm nào cũng thức dậy từ 3 giờ sáng, tụi nó thương, kêu má nghỉ đi, ở nhà trông cháu, tụi con lo được cho má, nhưng tôi không chịu. Vì làm quen rồi, đêm cứ giờ đó là thức, mà không làm buồn lắm chú ạ”, bà Mười tâm sự.

Cùng trên con đường ấy, cách chỗ bà Mười khoảng 3 cây số, là cổng Bệnh viện Y học Cổ truyền (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3) là gánh bún xào của bà Tư Hồng, 56 tuổi, quê ở Quảng Ngãi.

Gặp bà, tôi không khỏi thán phục khi biết người phụ nữ này đã một mình gồng gánh nuôi đàn con đến 6 đứa nên người. “Tôi ở quê, lấy chồng sớm, rồi cứ đẻ sòn sòn đến 6 đứa. Cuộc sống khó khăn quá nên chồng tôi không chịu được, bỏ đi tha phương kiếm ăn đâu đó rồi biệt tăm. Năm 1990, tôi thấy người ta vào Sài Gòn làm ăn nhiều nên cũng liều dắt 2 đứa lớn vào theo, 4 đứa còn lại chia đều gửi nội, ngoại nuôi. Vào đây, may nhờ những người đi trước chỉ bảo, giúp đỡ, tôi vay ít tiền sắm đồ bán bún riêu, bún xào. Tằn tiện, chắt bóp, thấy cũng đủ sống nên hai năm sau dắt cả 4 đứa vào”, bà Tư Hồng kể.

Nhờ gánh bún, cả 6 người con bà Tư đều được ăn học, đến nay đã có gia đình và việc làm ổn định. Riêng người con lớn tốt nghiệp đại học xây dựng, có Cty riêng và đang khá lên.

“Tôi mừng nhất là tụi nhỏ được học như người ta, đều ngoan, biết yêu thương đùm bọc nhau. Giờ tôi thảnh thơi rồi. Mấy đứa cũng bảo tôi nghỉ, nhưng một ngày không được ra đường, tôi bứt rứt không chịu nổi”, bà Tư Hồng cười, khuôn mặt già trước tuổi đã đầy nếp nhăn.

Mẹ chạy xe ôm, con học trường quốc tế

Trong số những người phụ nữ tôi gặp, chị Hồ Thị Nửa, năm nay 49 tuổi, là người khá “nổi tiếng” ở khu vực cổng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (quận Thủ Đức, TP. HCM). Chị được nhiều người biết đến bởi có lẽ chị là người “chơi ngông” khi một mình lam lũ mưu sinh, kiếm miếng ăn hằng ngày, nhưng lại dám cho con học trường đại học quốc tế tại Việt Nam.

15-13-08_nh-2
Chị Hồ Thị Nửa đang tất bật với quán ăn lề đường bán đủ thứ trên đời để nuôi 2 con ăn học

Chị Nửa được mọi người nể, quí, không chỉ vì lam lũ, nuôi con ăn học thành tài mà còn bởi chị có tấm lòng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Mỗi lần đi ngang những đồng nghiệp nam chạy xe ôm ngày nào, chị lại tấp vô, lúc thì cho họ hai chục ngàn, khi thì biếu họ ổ bánh mì, chai nước. Có khách quen muốn đi xe ôm, chị bận bán hàng không đi được, lại gọi điện cho đồng nghiệp đến.
Mới đây, một người bạn chạy xe ôm bị cướp xe, bị đánh ngất giữa đường, chị đã đưa về nhà cưu mang cho đến khi anh khỏe hẳn...

Chiều, tôi ghé con hẻm nhỏ đối diện trường trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, thấy chị Nửa đang tất bật lo bán hàng, chị bán 5-6 loại đồ ăn, từ bún riêu, bún bò, hủ tiếu, canh bún, đến chiên bánh khọt và một xe nước giải khát. Cuộc nói chuyện của chúng liên tục bị ngắt quãng vì chị luôn tay luôn chân.

Chị kể: “Khi tôi có đứa con gái thứ hai thì chuyện gia đình đứt gánh giữa đường. Từ đó, tôi một mình nuôi hai đứa con. Ban đầu, tôi bày mấy chiếc ghế ra lề đường bán mấy món ăn chơi cho tụi nhỏ. Rồi tình cờ có lần một người phụ nữ cần đi công việc, nhờ tôi chở đi.

Sau lần ấy, thỉnh thoảng lại có người thuê chở. Riết rồi quen, tôi theo cánh đàn ông ra chạy xe ôm luôn. Nhưng hồi đó, có lẽ tôi là nữ chạy xe ôm duy nhất ở đây nên thời gian đầu, lúc nào cũng đeo khẩu trang kín mít vì mắc cỡ, và chỉ chở khách nữ. Sau quen dần, lại nhiều mối hơn tài xế nam vì tâm lý của khách là đi xe nữ vẫn an toàn hơn, nhiều khách nữ cũng thích mình chở hơn”.

Thế rồi, người chạy xe ôm ngày một nhiều lên, kiếm tiền khó hơn, chưa kể tình trạng cướp giật thường xuyên xảy ra, khiến chị nản, nên một mặt vẫn chạy xe ôm, mặt khác chị bày bàn ghế ra con hẻm nhỏ, bán thêm đồ ăn cho học sinh, sinh viên và người trong xóm. Chị bảo, mỗi ngày kiếm được 2-3 trăm ngàn.

Năm 2009, con trai lớn Trần Văn Hải học xong cấp 3 và ngập ngừng tâm sự với mẹ là muốn thi vào ngành Quản trị Kinh doanh, trường Đào tạo Cử nhân Quốc tế, ĐH Sunderland (Anh) tại Việt Nam, chị lặng người.

15-13-08_nh-5
Cháu Trần Thị My, con gái chị Nửa, sau buổi học lại về phụ mẹ bán hàng

“Biết tôi buồn vì không lo nổi, con lại động viên, nói mẹ đừng buồn, con chỉ nói thế thôi chứ không học đâu. Đến lúc này thì tôi lại bắt đầu nung nấu quyết tâm tìm cách cho con học. Thế rồi, 3 mẹ con về tá túc nhờ mẹ ruột, còn căn nhà nhỏ cho thuê, tháng 3 triệu đồng.

Tôi lấy trước 3 tháng tiền nhà, vay mượn thêm, mới đủ học phí ban đầu cho con. Nhưng sau đó là những ngày tôi phải làm cật lực, vì mỗi học kỳ 6 tháng cháu phải đóng học phí đến 20 triệu đồng. Thực sự là tôi không lo nổi nếu không có người bạn giúp đỡ một phần. Đó chính là người tôi từng chở ngày xưa. Chị ấy quí tôi nên động viên, giúp đỡ rất nhiều”, chị Nửa kể.

Sau khi con trai vào học trường quốc tế, hai năm sau đến lượt cô con gái Trần Thị My cũng thi đậu vào khoa Quản trị Du lịch - Khách sạn trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ.

“Vất vả lắm, mỗi ngày tôi chỉ ngủ hơn 3 tiếng. Nhưng giá nào cũng phải lo cho con. Ngày 20/10 này, thằng Hải lên trường làm lễ và nhận bằng tốt nghiệp. Tôi không đi với con được, nhưng có nhờ người quen đi theo chụp cho cháu mấy tấm hình. Đây là hạnh phúc lớn nhất của tôi”, chị Nửa nói.

Theo KHƯƠNG HỒNG THỦ, Báo Nông Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU Đắk Lắk

Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây