Hết " Cà Tặc " đến “Tiêu tặc” lộng hành

Thứ sáu - 14/11/2014 15:08

Hết " Cà Tặc " đến “Tiêu tặc” lộng hành

Bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu vẫn chưa qua thì người trồng tiêu tỉnh Đăk Nông lại phải đối mặt với nạn “tiêu tặc”.

Một vườn tiêu trồng xen cà phê bị trộm cắt dây tiêu

Đến thời điểm hiện tại, chính quyền và các ngành chức năng dường như đã bó tay với vấn nạn này...

Trồng 3 năm, trộm 1 giờ

Trong lúc người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Đăk Nông còn phải gồng mình giữ vườn tiêu trước đại dịch chết nhanh chết chậm, thì trong thời gian qua, hàng ngàn gốc tiêu của các hộ dân tại các huyện Đăk Song, Đăk Mil, Đăk R’Lấp, Tuy Đức đã bị bọn “tiêu tặc” hái trộm hạt, chặt dây tận thu tiêu, khiến cho nông dân hoang mang, lo lắng.

Tại xã Đạo Nghĩa, huyện Đăk R’Lấp, chỉ tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra hơn 20 vụ hái trộm hạt, cắt dây với số lượng lên đến hàng trăm trụ tiêu. Tình trạng trên đã gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người dân, đồng thời cũng nảy sinh những nghi ngờ, nghi kị chơi xấu lẫn nhau, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Phạm Minh Thu, Chủ tịch UBND xã Đạo Nghĩa cho biết, do giá tiêu trên thị trường hiện nay đang ở mức rất cao nên kéo theo nạn trôm tiêu cũng bùng phát. Các đối tượng trộm cắp thường tổ chức đi từng nhóm và thường xuyên cắt cử người canh gác nên khi thấy động là chúng lẩn trốn rất nhanh, rất khó bắt quả tang.

Ban ngày bọn trộm lẻn vào các rẫy tiêu không có người canh giữ, tuốt sạch tiêu non lẫn già như “đi càn” rồi mang đi. Đến đêm thì chúng mang theo dao, rựa, bao tải, xông vào các vườn tiêu chặt cả gốc, cho vào bao tải mang đi nhằm tận thu triệt để.

Hàng trăm gốc tiêu từ 3-5 tuổi xanh tốt, là thành quả lao động suốt mấy năm trời của các hộ dân trong xã đang bước vào thời kì kinh doanh, giá trị là thế mà chỉ sau một đêm bị “tiêu tặc” viếng thăm đã trở nên xơ xác, chết dây đành phải phá bỏ, trồng mới.

Tương tự, nhiều tháng nay người dân ở xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song cũng đang phải kêu trời vì nạn tiêu tặc. Sở hữu 100 gốc tiêu trong vườn đang sai quả nhưng chỉ sau một đêm, hộ ông Nguyễn Hữu Tín thôn 10, xã Đăk Song đã bị kẻ gian lẻn vào chặt  gần 60 gốc tiêu, số gốc còn lại thì bị tuốt trơ trụi lá. “Đây là tiêu đã vào tuổi kinh doanh, mỗi trụ một năm cho thu hoạch cả chục kilôgam tiêu hạt, tính theo giá hiện tại thì gia đình tôi thiệt hại gần trăm triệu đồng”, ông Tín nói.

Dựng chòi, mắc võng giữ tiêu

Đến hẹn lại lên, dù mùa tiêu năm nay vẫn còn vài tháng nữa mới bước vào thời điểm thu hoạch, nhưng ngay từ bây giờ, gia đình anh Vương Văn Sài, xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa đã chuẩn bị dọn đồ đạc để chuyển lên căn chòi anh mới cất để giữ vườn tiêu. Năm nay, giá tiêu trên thị trường đang ở mức rất cao, kéo theo đó nạn “tiêu tặc” cũng lộng hành ở nhiều nơi khiến cho gia đình anh không khỏi nơm nớp lo sợ.

Để canh giữ vườn tiêu, anh Sài cùng với con trai thay phiên nhau lên chòi ngủ lại để canh gác. “Nhà tôi có hơn 1 ha đất trồng tiêu, trong đó có hơn 300 gốc đã trồng lâu năm, phát triển rất xanh tốt, trụ cao 6 m, mỗi gốc cho thu hoạch hàng chục kg tiêu, chỉ cần lơ là là bị trộm lẻn vào tuốt mất. Năm ngoái do chủ quan nên vườn tiêu sắp thu hoạch của nhà đã bị bọn “tiêu tặc” vào tuốt sạch tiêu non lẫn già, thiệt hại vài chục triệu đồng”, anh Sài kể.

Gia đình anh Nguyễn Duy Hải, xã Đăk Ha, huyện Đăk Glong cũng phải mắc võng, thường xuyên ngủ lại ngoài vườn để canh tiêu.

“Từ giờ tới lúc thu hoạch xong chắc tôi phải mắc võng mà ngủ ở vườn thôi. Thành quả lao động cật lực cả năm trời, bao nhiêu công sức đổ xuống, sắp đến lúc thu hoạch rồi thì cần phải cẩn thận. Không khéo mình khổ công trồng bao năm, trộm vào chặt đi một lần là đi tong cả vườn.

Tiêu bây giờ có giá cả hạt, lẫn gốc rễ, nên chúng vừa trộm hạt tiêu vừa chặt dây về để bán giống. Mỗi một gốc tiêu từ 3 - 5 tuổi mà chúng chặt dây mang đi cũng bán được không dưới 500.000đ”, anh Hải cho biết.

Trước nạn “tiêu tặc” đang có xu hướng lan rộng tại địa phương, ông Đoàn Nhị Hà, Phó Công an xã Đăk Ha cho biết: “Để đối phó với bọn trộm tiêu đang nở rộ chúng tôi đã thành lập thêm nhiều tổ tuần tra cả ngày lẫn đêm, nhất là tại các vườn tiêu xa khu dân cư.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng cắt cử người luân phiên trực ở các chốt dân phòng để khi phát hiện có đối tượng trộm tiêu là kịp thời hô hoán truy bắt. Ngoài ra, mỗi người dân cần phải chủ động trong việc bảo vệ vườn tiêu để tránh việc bị kẻ gian đột nhập vườn tiêu, gây nên những thiệt hại không đáng có”.

 

Nguồn tin: Nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU Đắk Lắk

Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây