Sáng nay 26.3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; vấn đề y đức trong ngành y tế; điều chỉnh khung giá viện phí.
Bệnh nhân tiếp tay cho tiêu cực?
Mặc dù mới đây, Bộ trưởng Tiến đã có 2 cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân nhưng phiên trả lời chất vấn của cử tri cả nước lần này vẫn tiếp tục nóng vấn đề y đức và viện phí. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) chất vấn về vấn đề y đức, nhất là nạn phong bì còn xảy ra nhiều nơi nhiều lúc khiến nhân dân bức xúc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, tiêu cực tại các cơ sở khám chữa bệnh không hẳn là lỗi do cán bộ y tế (CBYT). Và nếu bệnh nhân (BN) không đưa phong bì sẽ bớt tiêu cực.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên trả lời chất vấn sáng nay 26.3. Ảnh Chinhphu.vn |
Bà Tiến nói: “Thực tế vẫn tồn tại tình trạng: Người nhà BN muốn người thân của mình được khám trước nên tìm mọi cách tiếp cận nhân viên y tế để đưa phong bì. Rõ ràng, sai phạm không chỉ đơn thuần xuất phát từ phía CBYT mà nhiều khi do chính người bệnh khởi xướng và tiếp tay cho sai phạm. Tôi kêu gọi người bệnh nhất quyết không đưa phong bì cho bác sĩ nữa, chấn chỉnh cả y bác sĩ và phía BN”.
“Bác sĩ nhận phong bì - đó chỉ là số ít “con sâu làm rầu nồi canh” còn đại đa số bác sĩ thức đêm thức hôm, thậm chí bị hành hung vẫn say nghề. Thời của chúng tôi, bác sĩ điều trị cho BN nào phải theo BN đó đến cùng, thậm chí khi BN chết còn phải tự tay tiến hành mổ xác. Thử hỏi có mấy ai muốn làm nghề này trong khi chế độ phụ cấp, lương vẫn thấp lại chưa có phụ cấp thâm niên nhưng họ vẫn theo đến cùng? Chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại BV Bạch Mai và có đến trên 90% bệnh nhân nội trú hài lòng với việc phục vụ của y bác sĩ nơi đây, không hài lòng chủ yếu xảy ra với bệnh nhân ngoại trú do quá đông”- bà Tiến giãi bày thêm.
Tóc bạc vì nghĩ chuyện... tăng lương
Cũng tại phiên trả lời chất vấn sáng nay, nhiều đại biểu dành sự quan tâm cho vấn để giảm tải BV và việc áp dụng khung giá viện phí mới vào tháng 4 tới.
Đại biểu Tô Văn Tám chất vấn, tình trạng 2 BN nằm trên 1 giường vẫn chưa được khắc phục. Đại biểu Cù Thị Hậu thì băn khoăn, BN nằm la liệt ngoài hành lang, dù ốm ít nhưng vào viện có khi lại ốm nhiều hơn. Trách nhiệm của Bộ Y tế như thế nào và phải có cách gì để giải quyết tình trạng này?
Theo Bộ trưởng Tiến, ngoài 2015 mới cơ bản giải quyết tình trạng quá tải ở những khoa trọng yếu như nhi, tim mạch, ung bướu, sản, chấn thương chỉnh hình. “Cơ sở 2 của BV K Trung ương đã xây dựng 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành do thiếu kinh phí kéo dài. Cho nên năm nay dù đã giao 300 tỷ để tiếp tục xây dựng và yêu cầu tháng 6, BV phải di dời ra cơ sở 2 khoảng 300-500 giường bệnh nhưng lãnh đạo BV kêu khó, phải cố gắng lắm mới thực hiện được”- vị tư lệnh ngành y nói.
Nằm trong kế hoạch giảm tải, Bộ Y tế cũng yêu cầu Viện tim mạch (BV Bạch Mai) phải sửa sang lại để mỗi nơi có thể kê thêm được 50 giường bệnh. Và trong tháng 5 này, BV Bạch Mai phải xây dựng xong tòa nhà 70 tỷ để giải quyết cho các bệnh nhân hô hấp, tim mạch. Còn tại TP. HCM, được biết, Bộ Y tế cũng đã chi 50 tỷ chuẩn bị quỹ đất sạch để đầu tư xây mới giảm tải cho BV Chợ Rẫy.
Bệnh nhi và người nhà lũ lượt ngồi chờ tại BV. |
Về khung giá viện phí mới, có một số đại biểu nói rằng, họ chưa thống nhất với mức thu tiền giường mà Bộ Y tế đề ra vì như vậy BV vẫn thu không đủ bù chi. Song Bộ trưởng Tiến nói rằng, áp mức khung giá nằm ghép đôi, BV chỉ được thu 50% tiền giường, ghép 3 thu 30% của BN mục đích là để các BV hạn chế nằm ghép, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
“Có lãnh đạo BV than phiền với tôi rằng, mỗi lần nghĩ đến chuyện tăng lương cho CBYT là tóc họ bạc đi rất nhiều. Nhất là tại các BV tuyến huyện, 80% nguồn thu là từ BHYT nhưng số lượng BN lại ít, nguồn thu thấp khó chi phụ cấp, lương cho CBYT”- bà Tiến cho hay.
Nữ Bộ trưởng cho biết, trong tương lai gần, Bộ Y tế sẽ thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, điều chỉnh lương, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở, phát triển các bệnh viện vệ tinh… Trước mắt năm 2012 sẽ ra Nghị định đổi mới tài chính. Đây được coi là nền tảng để các đơn vị sự nghiệp có nguồn thu và thực chất là gián tiếp giúp lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ
Hiện giá dịch vụ được điều chỉnh lần này mới chỉ tính 3/7 yếu tố đầu vào. Đến năm 2016, nếu được Chính phủ cho phép sẽ tiếp tục tính 100% chi phí, tức 7 yếu tố. Điều này cũng đồng nghĩa, viện phí sẽ có đợt điều chỉnh giá mới.
Thầy thuốc “chết dần” khả năng chẩn đoán lâm sàng?
Đại biểu Đặng Thuần Phong (UB các vấn đề xã hội của Quốc hội) hỏi, việc nhập khẩu nhiều trang thiết bị công nghệ cao như hiện nay có dẫn đến tình trạng lạm dụng kỹ thuật, mất chủ động, thầy thuốc “chết dần” khả năng chẩn đoán lâm sàng mà chỉ dựa vào máy móc?
Bộ trưởng Bộ Y tế: Không hề có chuyện nhập công nghệ mới lại làm giảm kỹ năng lâm sàng của thầy thuốc. Theo xu hướng chung, càng ngày y học phải càng phát triển, ngoài nhập khẩu chúng ta phải tăng cường sản xuất trang thiết bị trong nước, tự túc trang thiết bị thiết yếu, đơn giản để phục vụ BN. Như vậy không thể nói là lạm dụng mà là phát triển hơn. Song song với T.Ư, BV tuyến tỉnh cũng được đầu tư máy CT scaner, máy chạy thận.... để điều trị cho BN nhưng theo tôi, khó nhất là vấn đề con người, làm sao để chuyển giao công nghệ, xây dựng BV vệ tinh nâng cấp chất lượng cho tuyến dưới.
Một số nơi vẫn xuất hiện tình trạng lạm dụng nhưng tại mỗi BV chúng tôi đã lập hội đồng chuyên môn, hội chẩn cho BN sử dụng kỹ thuật cao xem có đúng với bệnh tình không, có phác đồ hướng dẫn chẩn đoán, thanh tra chuyên ngành...
Đề xuất SV ngành y ra trưởng phải đi “nghĩa vụ”
Đại biểu Uông Chu Lưu (PCT Quốc hội) chất vấn: Mất cân đối trong ngành nghề đào tạo, có ngành nhưng SV không đăng ký học là tình trạng đang diễn ra. Làm thế nào để khắc phục?
Bộ trưởng Bộ Y tế: Hiện Bộ đang xây dựng và sẽ trình trong quý 2.2012 Đề án thu hút bác sĩ đi theo những chuyên ngành khó thu hút như lao, pháp y, tâm thần.... Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị Bộ GDĐT riêng với ngành y nên phân theo chuyên khoa và bắt buộc SV phải đi theo chuyên khoa đó. Mục đích là đáp ứng nhu cầu xã hội chứ không phải chỉ theo sở thích của bản thân. Với những trường hợp này, một số chuyên khoa khó sẽ có chế độ ưu đãi đặc biệt.
Chúng tôi cũng đề xuất, SV mới ra trường phải thực hiện “nghĩa vụ” theo phân công từ 1-3 năm, một số ý kiến đề xuất SV đi nghĩa vụ 2 năm rồi mới được về lấy bằng để đảm bảo cân đối ngành nghề. Không làm vậy, tôi lấy ví dụ, chuyên khoa pháp y gần như “tuyệt chủng” nếu chúng tôi không có tác động tạo điều kiện ưu đãi, liên thông đào tạo, nới đầu vào thấp hơn hệ chuyên khoa. Còn một phương án nữa là UBND tỉnh có thể ký kết với trường đào tạo, trả chi phí học tập cho SV và đề nghị SV ra trường sẽ về tỉnh làm.
Theo Tin mới
Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...