Lao động nông thôn sau học nghề là... thất nghiệp (Ảnh minh họa) |
Điều đáng buồn, đa số người sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề đều thất nghiệp. Trung tâm Đào tạo nghề huyện Đam Rông mở lớp học nghề mây tre đan tại xã Phi Liêng. Học viên được hỗ trợ 100% kinh phí. Sau 3 tháng học, các học viên còn được nhận hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng...
Bà Nông Thị Keo, dân tộc Nùng cùng cô con dâu và hơn 30 hội viên phụ nữ trong xã tích cực tham gia học nghề. Nhưng đến nay, sau hơn 1 năm có nghề trong tay, bà Keo và tất cả học viên đều thất vọng vì chưa có việc làm. Cầm trên tay hộp mây tre đan đã cũ- là vật kỷ niệm do tự tay mình làm được từ khi còn tham gia lớp nghề, bà Keo buồn rầu nói: “Khi học nghề, chị em rất nhiệt tình tham gia. Trung tâm dạy nghề hứa là sau khi học xong sẽ giải quyết việc làm, nhưng đến giờ chị em vẫn không có việc, chẳng biết làm gì”.
Ông Hoàng Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Phi Liêng cho biết: Trung tâm đào tạo nghề đã tổ chức 3 lớp dạy nghề mây tre đan, 1 lớp nghề xây dựng cho gần 150 lao động. Đến nay, các lớp này đã kết thúc, nhưng chưa có lao động nào được giải quyết việc làm.
Còn ông Phùng Văn Thế- PCT UBND xã Đạ R’sal cho biết, 120 người dân trong xã theo học mây tre đan, móc len. Lớp học đã kết thúc gần 2 năm rồi, nhưng hơn nửa số học viên chưa có việc. Trong số ấy có chị Đinh Thị Lý ở thôn Đắc Măng bị bệnh tật quanh năm, sức khỏe giảm sút. Được tham gia lớp học nghề mây tre đan là cơ hội để chị có việc làm phù hợp với sức khỏe của mình. Niềm hy vọng của chị ấp ủ từ 2 năm nay vẫn chưa thành hiện thực...
Thực tế hiện nay, các địa phương ở huyện Đam Rông hầu như chưa có sự phối hợp đồng bộ, thu hút DN để sử dụng nguồn lao động địa phương đã qua đào tạo nghề phi nông nghiệp. Ông Phùng Văn Thế- PCT UBND xã Đạ R’sal thừa nhận: “Đúng là bà con học nghề xong đang thất nghiệp, bởi xã chưa tìm được cơ sở nào ký kết hợp đồng làm công, để người dân có việc”.
Ông Nguyễn Văn Thái- Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề huyện Đam Rông cho biết, 2 năm qua huyện đã dành trên 1 tỷ đồng tổ chức 18 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho trên 500 lao động ở địa phương. Đến nay, các lớp đào tạo cơ bản hoàn thành, hầu như tất cả lao động phải bỏ thời gian từ 3- 4 tháng để học nghề. Song họ vẫn chưa được giải quyết việc làm, mà chỉ nhận số tiền nhỏ hỗ trợ theo quy định. Điều này làm lãng phí tiền tỷ của Nhà nước, mất thời gian và không đem lại lợi ích cho dân; trong đó phần đông là người nghèo.
Theo ông Thái, vấn đề tạo việc làm sau đào tạo nghề chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị dạy nghề, các DN với địa phương. Để hoạt động đào tạo nghề phát huy hiệu quả, phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động của DN; phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, các cơ sở đào tạo và DN. Thực tế cho thấy nơi nào có sự phối hợp tốt thì đào tạo nghề mới phát huy nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, để thực sự đào tạo nghề, chứ không phải là đào tạo... nghèo.
Theo Báo Nông nghiệp
Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...