Lãi suất vay bất lợi cho doanh nghiệp cà phê
Trên thực tế, hiện cả nước có 150 DN cà phê nhưng hầu hết trong số này đều đang trong tình cảnh khó khăn, thua lỗ, thậm chí có chủ DN phải bỏ trốn. Nguyên nhân chính của tình trạng bê bết này là do thiếu vốn. Về việc này, ông Nguyễn Viết Vinh cho biết hiệp hội đã đề nghị DN cần ký kết thỏa thuận trước với ngân hàng để chủ động vốn. Nhờ vậy, năm 2011, nguồn vốn đã bớt khó khăn hơn khi có tới hàng ngàn tỉ đồng được cam kết cho vay. “Tuy nhiên, với mức lãi suất vay hiện vẫn cao tới 18%-20%/năm, thì kinh doanh cà phê không có lãi” – ông Vinh nhận định. Nhà nông và doanh nghiệp cần liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cà phê. Ảnh: CAO NGUYÊN
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), cho biết ngân hàng khẳng định tiền cho vay không thiếu nhưng vấn đề là các DN muốn tiếp cận được nguồn vốn thì phải có phương án kinh doanh cụ thể, tính khả thi và độ tin cậy cao.
Trước tình trạng vô cùng khó khăn của DN cà phê hiện nay, ông Nguyễn Viết Vinh cho biết Vicofa sẽ tiếp tục đề xuất Nhà nước có chính sách dãn nợ, khoanh nợ cho DN cà phê, đồng thời cho vay mới để tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, cũng cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác.
Tăng cường tạm trữ
Ông Nguyễn Viết Vinh khuyến cáo kinh doanh nông sản, nhất là cà phê luôn luôn gắn kết với “sức khỏe” của thị trường, giá lên xuống liên tục. Vì vậy, DN cà phê phải tính toán để chuyển đổi phương thức mua bán. Vicofa đã nhiều lần khuyến cáo DN không nên áp dụng phương thức mua trừ lùi và không nên mua bán theo “future” (tương lai) trong khi không đủ năng lực mà nên theo phương thức kỳ hạn, tức là có hàng vào rồi mới ký hợp đồng bán.
Song theo ông Vinh, không chỉ riêng cà phê mà đối với nhiều mặt hàng nông sản khác, Nhà nước nên tạm trữ hàng khi giá xuống thấp để tạo cung cầu và đẩy giá lên. “Việc tạm trữ cà phê áp dụng từ niên vụ trước theo quyết định của Thủ tướng đã rất thành công và giữ được giá cao và hiện đang giữ ở mức cao hơn 10% so với niên vụ cũ” – ông Vinh đánh giá.
Cũng theo ông Vinh, số lượng cà phê chế biến sâu chỉ có 80.000 - 100.000 tấn cà phê (10%); trong khi lượng cà phê sơ chế thành bột rồi xuất khẩu đã đến ngưỡng, không nên phát triển thêm. Về giải pháp đẩy mạnh mối liên kết giữa nông dân và DN, Vicofa đang đề xuất Nhà nước hỗ trợ DN tham gia đầu tư, liên doanh, liên kết trực tiếp với nông dân.
Cần lập lại công bằng Bên cạnh đó, theo ông Vinh, Viacofa đang tích cực cùng Bộ NN-PTNT thành lập Quỹ Bảo hiểm cho ngành hàng cà phê (thay vì tên trước đó là Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu cà phê). Đây là quỹ quốc gia để phục vụ tái canh 180.000 ha cà phê già cỗi và nâng cấp hệ thống thủy lợi, điện, hạ tầng… Hiện số hecta cà phê già cỗi phải tái canh đã chiếm 30% tổng diện tích cà phê cả nước và đến năm 2020 dự báo sẽ là 50% tương đương với việc giảm 50% sản lượng cà phê.
Tổng Thư ký Vicofa cho biết DN FDI trong lĩnh vực cà phê đang chiếm khoảng 50% vùng nguyên liệu và đang gia tăng rất nhanh. Vì vậy, Vicofa đã kiến nghị và được Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương ủng hộ xây dựng quy định pháp luật về việc kinh doanh cà phê phải có điều kiện. Quy định sẽ cụ thể từng đối tượng như sản xuất có xuất khẩu, chế biển có xuất khẩu, hay kinh doanh thuần túy...
Khi bổ sung quy định mới, DN FDI có quyền xuất khẩu nhưng không có quyền thu mua trực tiếp như vừa qua. Hiện nay, số DN FDI mua cà phê để chế biến sâu là rất ít mà chủ yếu là mua cà phê nhân rồi xuất khẩu để thu lợi. “Nếu kiến nghị của Vicofa được chấp thuận, DN FDI sẽ không được thu mua trực tiếp làm ảnh hưởng rất lớn đến DN trong nước” - ông Vinh nói.
Ngoài ra, để chặn tình trạng DN FDI né thuế thu nhập DN khi dùng chiêu chuyển giá để hạch toán lỗ, đại diện Vicofa khẳng định hiệp hội đã có báo cáo về việc này và Bộ Tài chính đã vào cuộc kiểm tra, kết quả cho thấy nhiều khuất tất, gây thất thu cho Nhà nước. Nên hình thành cụm cà phê quốc gia Ngày 28-3, tại lễ khánh thành nhà máy cà phê hòa tan lớn nhất châu Á của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên tại KCN Quang Châu (Bắc Giang), ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, cho biết công ty mới đệ trình Chính phủ dự án cụm cà phê quốc gia. Ông Vũ cho rằng dự án cụm cà phê quốc gia có thể tạo ra 5-6 triệu việc làm và mang lại giá trị 20 tỉ USD trong 15 năm tới. Trong giai đoạn hiện tại, dự án triển khai mô hình mẫu công-nông nghiệp và nông thôn mới tích hợp liên hoàn tại Ea Tul (Đắk Lắk). |
Theo Người Lao Động