Qũy bảo hiểm càphê: Ưu tiên cho việc tái canh

Thứ sáu - 30/03/2012 18:27

Minh họa

Minh họa
Có đến 80% số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu càphê kêu lỗ, 50% nguyên liệu bị DN nước ngoài thao túng, 90% số hộ trồng càphê có diện tích canh tác dưới 1ha… Rõ ràng, trong nội tại ngành sản xuất, kinh doanh càphê còn nhiều “lỗ hổng” phải lấp.
50% lượng càphê còn trong dân
 
Đến thời điểm này, lượng càphê trong dân tại Đắk Lắk vẫn còn 40-45% sản lượng, khiến các DN xuất khẩu lao đao. Theo ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty Càphê Thắng Lợi, việc người dân “găm hàng” góp phần giữ giá càphê ở mức 39.200 đồng/kg. Do khan hiếm nguồn nguyên liệu cộng với thiếu vốn nên số lượng DN xuất khẩu càphê tại Đắk Lắk đã giảm, chỉ còn 11 DN thay vì vài chục DN như những năm trước, lượng càphê xuất khẩu cũng giảm (từ đầu năm 2012 đến nay, các DN trong tỉnh mới xuất khẩu được 30.000 tấn càphê nhân, đạt kim ngạch 60 triệu USD).
 
       
     Quỹ bảo hiểm càphê sẽ ưu tiên cho việc tái canh cây càphê.
 
Tại tỉnh Lâm Đồng, tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Công Thành, Giám đốc chi nhánh Công ty cổphần Càphê Inexim cho biết, giá càphê đang có xu hướng tăng, trong khi lượng càphê trong dân còn trên 50%. Với công suất thiết kế hiện có, trung bình mỗi ngày Chi nhánh Inexim tại Lâm Đồng phải mua được ít nhất 50-70 tấn càphê nhân, tuy nhiên, hiện công ty chỉ mua được 20-30 tấn.
 
Cũng theo ông Thành, việc người dân không bán càphê ra nhiều như trước, cộng với khó tiếp cận vốn ngân hàng khiến công ty phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Theo đó, thay vì mua tạm trữ như mọi năm, công ty phải áp dụng hình thức “mua ngay, giao ngay”, đồng nghĩa với việc phải hạn chế xuất khẩu. “Từ đầu mùa vụ tới nay, chúng tôi mới xuất khẩu được khoảng 10.000 tấn, trong khi thời điểm này năm ngoái xuất khẩu được 40.000-50.000 tấn”, ông Thành nói.
 
DN nước ngoài không trồng vẫn được “hái”
 
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang thu mua hơn 50% tổng sản lượng càphê trong nước. Sự hiện diện của các “ông lớn” này đáng ra là một tín hiệu tốt, bởi DN trong nước có thêm cơ hội cạnh tranh cũng như học hỏi kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến. Song việc các DN nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị trường đang gây ra sự chèn ép không nhỏ đối với DN nội địa.
 
Sở dĩ DN trong nước lép vế ngay trên sân nhà là do thiếu vốn, trong khi DN nước ngoài không những có tiềm lực tài chính mà còn không phải chịu mức lãi suất cao như ở Việt Nam. Cuối cùng, vấn đề lớn nhất của DN và ngành càphê vẫn là giá trị gia tăng còn thấp do việc sản xuất nhỏ lẻ, không đồng bộ và chưa chú trọng đúng mức khâu chế biến sau thu hoạch.
 
Hãy tự cứu mình!
 
Để đối phó với khó khăn, Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã xây dựng đề án thành lập Quỹ bảo hiểm càphê trình Chính phủ. Theo đó, các DN thuộc Vicofa sẽ bị thu phí 2 USD/tấn càphê xuất khẩu. Với sản lượng xuất khẩu của thành viên Vicofa khoảng 600.000 tấn/năm, dự tính mỗi năm quỹ thu khoảng 1 triệu USD nhằm hỗ trợ cho các DN thành viên và nông dân.
 
Đây là sáng kiến rất thiết thực của Vicofa khi tận dụng được sức mạnh tập thể. Song vấn đề đặt ra là làm thế nào để sử dụng số tiền này hiệu quả? Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, nếu dùng quỹ để trợ giá cho DN khi giá thành thế giới giảm thì hiệu quả không đáng kể, lại không mang lại lợi ích lâu dài. Vì thế, Vicofa thống nhất sử dụng phần lớn tiền quỹ này vào việc tái canh cây càphê. Ông Tự cảnh báo: “Nếu không đầu tư lại cho cây càphê thì 10 năm nữa Việt Nam sẽ tụt xuống vị trí thứ tư, thứ năm về sản xuất và xuất khẩu càphê”. Hiệp hội quyết định dành 50-70% tiền quỹ để hỗ trợ DN và nông dân tái canh cây càphê già cỗi, 30% hỗ trợ lãi vay tạm trữ càphê, còn lại để dùng cho việc xúc tiến thương mại.
 
Tuy nhiên, đề án này cũng vấp phải sự phản đối không nhỏ từ phía các DN thành viên Vicofa. Vì thế, đáng ra việc thu phí bắt đầu từ 1/1/2012 nhưng Vicofa phải lùi thời hạn triển khai đến 1/10/2012. Các DN cho rằng, với mức lợi nhuận thấp, hạn chế trong tiếp cận vốn cùng với tình hình kinh tế thế giới ảm đạm, mức phí 2 USD/tấn sẽ gây ra nhiều khó khăn cho DN.
 
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng vừa phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các tiêu chí, đưa xuất khẩu càphê vào diện kinh doanh có điều kiện. Theo đó, hai tiêu chí chủ chốt để DN được phép xuất khẩu càphê là phải có kinh nghiệm chế biến - xuất khẩu càphê trong hai năm liên tiếp và phải xuất tối thiểu 5.000 tấn/năm. Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện, bởi theo số liệu thống kê, cả nước có 140 DN xuất khẩu càphê thì ngoài 50 DN lớn, 90 DN còn lại chỉ xuất khẩu tổng cộng 30.000 tấn/năm.
Phải khẳng định rằng, việc thu phí để lập quỹ đầu tư cho dài hạn hay sàng lọc, thu hẹp số lượng DN để nâng cao chất lượng là hợp lý, song chắc chắn không dễ thực hiện. Và không chỉ có nỗ lực từ phía Hiệp hội hay Nhà nước, bản thân các DN cũng phải tìm cách tự vươn lên, nâng cao tính chuyên nghiệp nếu không muốn bị loại ra khỏi cuộc chơi toàn cầu.
Theo KTNT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU Đắk Lắk

Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây