Duy trì định giá điện để “trị” độc quyền

Thứ năm - 12/04/2012 09:10

Duy trì định giá điện để “trị” độc quyền

Duy trì công cụ định giá với điện vì chỉ có 1 Tcty duy nhất làm từ khâu sản xuất đến phân phối; giữ yêu cầu đăng ký giá với sữa để kiểm soát việc khống giá, nâng giá… cả cơ quan soạn thảo lẫn thẩm tra dự án luật Giá cùng nêu quan điểm.

Thảo luận dự án luật Giá tại UB Thường vụ QH chiều ngày 11/4, tranh luận về nội dung quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, sắt thép, xi măng, sữa… vẫn chưa ngã ngũ.

Buông xăng, dầu nhưng không thể “thả giá” với điện

Dự thảo luật Giá qua nhiều lần chỉnh lý vẫn đưa điện, xăng, dầu thành phẩm vào cả danh mục hàng hóa định giá và hàng hóa bình ổn giá.

Nghe xong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lập tức hỏi lại, điện, xăng, dầu xây dựng cơ chế theo giá thị trường rồi, làm sao nhà nước định giá được? Quy định này, ông Hùng cũng cho rằng thiếu khả thi vì như giá dịch vụ vận tải hàng không, mới thực hiện định khung giá đã nhận phản ứng mạnh mẽ, chưa nói đến định giá chuẩn (giá chính xác). Theo ông Hùng chỉ có thể can thiệp bằng công cụ bình ổn giá.
 
Quy trình định giá điện vẫn mang tính độc quyền.

Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển chia sẻ băn khoăn này. Ông Hiển khẳng định quan điểm của cá nhân cũng muốn thu hẹp danh mục hàng định giá và bình ổn giá ở mức “hẹp tối đa”. Đại diện cơ quan thẩm tra lý giải, danh mục bình ổn giá liệt kê như thế nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng mà tùy thời kỳ mới lựa chọn một vài mặt hàng trong danh mục để thực hiện.

Còn những hàng hóa phải áp định giá do một nguyên tắc để hạn chế tính độc quyền vì “thả giá” trong tình trạng độc quyền, việc quản lý, điều tiết rất khó khăn. Ông Hiển xác nhận bản thân băn khoăn nhiều về việc đưa điện vào nhóm hàng định giá hay bình ổn giá. UB tài chính ngân sách ban đầu đề xuất đưa sang nhóm bình ổn giá nhưng cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) lại “xin” xếp thêm vào nhóm hàng định giá.

“Đây là lĩnh vực sản xuất độc quyền, nếu không định giá, sẽ có chuyện nhà sản xuất bắt chẹt người tiêu dùng” – ông Hiển phân trần.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cũng quả quyết: “Hiện chưa thể bỏ việc định giá điện, xăng dầu vì các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này tỷ lệ độc quyền rất lớn. Không định giá sẽ khó quản lý về sau”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thị Kim Thoa lại nêu quan điểm, ngành điện hiện có quy định giá bán lẻ nhưng không quy định giá phân phối, như vậy không hẳn là độc quyền. Không nên đưa điện vào danh mục hàng định giá.

Còn xăng, dầu thành phẩm, bà Thoa cho rằng đã có Nghị định 84 về việc “thả giá” theo thị trường có sự giám sát của nhà nước về giá, càng không nên áp quy định định giá.

“Gật đầu” với lập luận này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lo ngại, luật Giá được ban hành thì Nghị định 84 phải “vứt đi” vì khi đó, doanh nghiệp không thể xây dựng giá bán xăng dầu theo giá thị trường vì việc này nhà nước đã tranh quyền.

Bật lại, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển phân tích, nhà nước định giá một mặt hàng cũng đã căn cứ theo thực tế thị trường, theo quan hệ cung cầu. Vấn đề định giá chỉ là để khống chế mức lợi nhuận của đơn vị sản xuất, cung cấp hàng hóa để chống hiện tượng doanh nghiệp mặc sức lợi nhuận độc quyền.

“Đề nghị UB Thường vụ cân nhắc. Nếu bỏ điện, xăng dầu khỏi danh mục hàng định giá, chỉ thực hiện bình ổn giá sẽ thoáng hơn nhưng theo tôi vẫn phải giữ dây cương này vì vấn đề độc quyền” – ông Hiển nhấn mạnh.

“Kêu” quy định đăng ký giá – chủ yếu doanh nghiệp sữa
 
Doanh nghiệp sữa hiện vẫn "thả tay" áp giá.

Báo cáo những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự luật Giá, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết, Phòng thương mại Châu Âu (EuroCham) phản ứng, đề xuất bỏ quy định buộc đăng ký giá đối với một số mặt hàng. Cơ quan này cho rằng, đó là sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào thị trường, đi ngược lại quyền của đơn vị sản xuất kinh doanh đã ghi trong luật Doanh nghiệp. UB Tài chính ngân sách nêu quan điểm “bác” ý kiến này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đồng tình quan điểm của cơ quan thẩm tra với lý do, việc điều hành giá theo cơ chế thị trường phải có lộ trình. Nếu áp ngay các yếu tố hoàn toàn thị trường thì trước hết, luật có ban hành cũng không thực hiện được.

Còn quy định đăng ký giá, ông Hiếu chia sẻ, ngay khi Bộ Tài chính ban hành thông tư 122 về vấn đề này, Eurocham đã phản ứng rất mạnh. Xem xét lại một cách cẩn trọng, Bộ nhận thấy, những đơn vị “kêu” nhiều nhất chủ yếu là các doanh nghiệp sữa.

Bộ Tài chính khi đó đã lập đoàn chuyên gia sang Indonesia, Malaysia… để tham khảo việc thực hiện quy định định giá sữa ở các nước này. Đoàn kiểm tra sau đó đã đề nghị giữ quy định này để bình ổn giá. Theo đó, các nước ASEAN đều thực hiện quy định này, việc kiểm soát giá sữa ở các nước này thậm chí còn làm nghiêm hơn.

“Nếu chỉ quy định đơn vị sản xuất kinh doanh thông báo giá thì việc quản lý hết sức hình thức vì doanh nghiệp muốn báo bao nhiêu cũng được. Còn quy định đăng ký nghĩa là doanh nghiệp báo giá lên, cơ quan quản lý đồng ý mới được thực hiện” – ông Hiếu phân tích.
Thoe dan trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU Đắk Lắk

Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây