Hạ lãi suất: Điều phải làm

Thứ tư - 11/04/2012 10:03

Minh họa

Minh họa
Nếu lạm phát tiếp tục giảm, mỗi quý Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh giảm 1% lãi suất huy động và cuối năm có thể xuống 10%. Theo đó, lãi suất cho vay sẽ giảm dần
Tuy nhiên, theo các ngân hàng (NH), muốn lãi suất cho vay giảm về mức “hấp dẫn” để doanh nghiệp (DN) chấp nhận được, phải cần độ trễ nhất định.
Trần lãi suất về 12%/năm
Ngày 10-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 08/2012/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 13 về quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 4%/năm. Lãi suất tối đa đối với tiền gửi từ 1 tháng trở lên là 12%/năm, riêng quỹ tín dụng nhân dân tiền gửi kỳ hạn 1 tháng trở lên là 12,5%/năm.
Thông tư có hiệu lực từ hôm nay (11-4). Đây là lần hạ trần lãi suất huy động thứ 2 trong vòng 1 tháng qua. Trước đó, tại hội thảo về giải pháp vốn cho DN nhỏ và vừa tổ chức tại Hà Nội, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, chủ động để mỗi quý điều chỉnh giảm 1% lãi suất, trong điều kiện vĩ mô cho phép. Việc hạ trần lãi suất dựa trên cơ sở lạm phát quý I đang giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 chỉ tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 14,15% so với cùng kỳ. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp CPI hạ nhiệt.
Hồi cuối tháng 3, NHNN đã có văn bản yêu cầu 5 NH thương mại gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank và MHB tiết giảm chi phí từ 5%-10%, hạ lãi suất cho vay... Các NH phải đăng ký mức tiết giảm và báo cáo cụ thể về cơ quan này. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Agribank, cho biết NH đang thực hiện yêu cầu này nhằm tạo cơ sở hạ lãi vay trong thời gian tới. Những khách hàng có uy tín, đặc biệt là khách hàng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn sẽ được ưu đãi hưởng lãi vay từ NH này.
 Doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn tại ACB. Ảnh: Hồng Thúy
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng trước đây, chúng ta lo ngại giảm lãi suất huy động sẽ không thu hút được người gửi tiền. Nhưng thực tế, dù mức lãi suất 13%/năm các NH vẫn khó tăng huy động bởi một phần tiền rất lớn đang bị “chôn” trong bất động sản.
Cùng lúc, nhiều DN không cầm cự nổi mức lãi suất “khủng” nhất thế giới đã phải hoạt động cầm chừng, đình đốn hoặc phá sản. “Việc hạ trần lãi suất sẽ làm cơ sở cho thị trường giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN. Các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản… đang trầm lắng nên NH không cần lo ngại tiền gửi sẽ “chạy” sang kênh khác” - TS Đinh Thế Hiển nhận xét.
Lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh
Theo các NH, khi trần lãi suất huy động về 12%/năm, DN vẫn phải chờ một thời gian lãi vay mới có thể giảm tương ứng. Thực tế gần một tháng qua, sau khi áp trần huy động mới là 13%/năm, lãi suất cho vay đã tương ứng giảm đáng kể nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn sụt giảm. Tính đến hết quý I, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 2,13% so với cuối năm trước.
Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phát triển TPHCM (HD Bank) Phạm Thiện  Long lý giải nếu so với mức trên 20%/năm, lãi suất cho vay hiện nay đã giảm khá nhiều nhưng vẫn chưa thật sự hấp dẫn. Còn khi trần huy động về 12%/năm, phải có độ trễ nhất định lãi suất đầu ra mới giảm tương ứng. Hiện nay, nhiều DN muốn vay vốn nhưng NH không dám cho vay vì không đủ điều kiện, khả năng rủi ro cao. Ngược lại, những DN có sức khỏe tốt lại không muốn vay nên tín dụng khó tăng.
Còn ông Trương Đình Long, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cho rằng hạ lãi suất là điều phải làm trong tình trạng nhiều DN khó khăn, phá sản như hiện nay. Nếu đúng theo định hướng của NH Nhà nước, lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh từ quý III trở đi. Khi đó, thanh khoản của các NH thật sự ổn định, lãi suất đầu ra giảm về mức 16%-16,5%/năm sẽ là điều kiện tốt để  DN vay vốn, giúp tăng trưởng tín dụng  nền kinh tế cao hơn.
Neo mức cao
Sau khi trần huy động về 13%/năm, nhiều DN kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm tương ứng nhưng thực tế vẫn phải vay với lãi suất cao. Về mặt kỹ thuật, đầu vào 13%/năm - đầu ra sẽ tương ứng khoảng 16,5%-17%/năm nhưng các DN đang vay với lãi suất từ 18%-20%/năm.
Một chuyên gia cho rằng huy động thực chất của các NH, nếu tính cả khuyến mãi, “lách” trần… đều hơn 13%/năm nên lãi suất cho vay vẫn “neo” mức cao là dễ hiểu!
Theo NLD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU Đắk Lắk

Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây