“Quốc hội cần xem xét sửa đổi theo hướng tăng thời hạn giao đất nông nghiệp, tăng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, quy định chặt chẽ, cụ thể, rõ trách nhiệm hơn về bảo vệ đất trồng lúa, thu hồi đất nông nghiệp, việc bồi thường, hỗ trợ và chuyển đổi nghề và ổn định cuộc sống của người dân có đất bị thu hồi; giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo,...”, ông Giàu kiến nghị.
Ông Giàu đề cập đến kiến nghị trên khi đọc báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được truyền hình trực tiếp ngày 5-6.
Theo ông Giàu, việc khống chế hạn điền trong sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai đã ảnh hưởng quá trình tích tụ ruộng đất để tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh lớn có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho nông nghiệp.
Bên cạnh đó, quy định liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập trong việc giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất; giữa quyền của Nhà nước (đại diện sở hữu toàn dân về đất đai) khi thực hiện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế và quyền của người dân.
Ông nhận xét thêm, đến nay một số loại đất đã gần hết thời hạn nhưng Nhà nước chưa có chủ trương, quyết định cụ thể nên nông dân không yên tâm mạnh dạn đầu tư.
Kiến nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế được nhiều đại biểu đồng tình. Đại biểu Lê Thị Công, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói: “Việc khống chế hạn điền và giao đất nông nghiệp có thời hạn theo Luật Đất đai đã ảnh hưởng đến quy mô đầu tư, vùng kinh doanh lớn có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho nông nghiệp“.
Đại biểu Trần Văn Tấn, tỉnh Tiền Giang bổ sung: “(Tôi) Kiến nghị Quốc hội nghiên cứu xem xét sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân“.
Luật Đất đai đã được kiến nghị sửa đổi vào kỳ họp Quốc hội tới sau khi bộc lộ rõ bất cập, đặc biệt là trong bảo vệ quyền sử dụng đất trồng lúa của người nông dân trước sự xâm lấn của các dự án công nghiệp.
Ước tính có 70% khiếu kiện trên toàn quốc là liên quan đến đất đai và đền bù đất đai.
Đầu tư nông nghiệp mới chỉ đáp ứng 55- 60% nhu cầu
Theo báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, trong giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.788 tỉ đồng, bằng gần 50% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 55- 60% nhu cầu đầu tư.
Trong khi đó, vốn FDI đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn rất thấp và có xu hướng giảm dần, từ tỷ lệ 8% trong tổng cơ cấu FDI của cả nước năm 2001 giảm xuống còn 1% năm 2010. Tính chung cả thời kỳ 1990-2010, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới thu hút được khoảng 738 dự án (không kể các dự án chế biến thực phẩm) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm 2,3% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Trong giai đoạn 2006-2011, tổng giá trị hiệp định về ODA đã được ký kết hơn 26,897 tỉ đô la Mỹ, chiếm trên 94% là nguồn vốn vay ưu đãi, trong đó vốn đầu tư dành cho nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, giảm nghèo là 3,833 tỉ đô la Mỹ.
Báo cáo của Quốc hội nhận định, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn thiếu so với nhu cầu. Mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhưng nhu cầu thực tế rất lớn, vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số Việt Nam gắn với nông nghiệp, nông thôn, chưa có chính sách, giải pháp hữu hiệu để huy động được nhiều nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp và toàn xã hội cho khu vực này.
(TBKTSG Online)
Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...