Hội nghị “Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và nhập lậu gia cầm qua biên giới” do Bộ NN-PTNT tổ chức vào cuối tuần qua diễn ra ngay sau khi NNVN kết thúc loạt bài “Bóc trần những đường dây nhập lậu gà giống”. Sự nhức nhối của nạn nhập lậu gia cầm tại khu vực biên giới phía Bắc đã khiến lãnh đạo Bộ NN-PTNT cùng các địa phương khẩn trương tập trung mổ xẻ. Chúng tôi xin trích đăng những lí giải cũng như ý kiến hiến kế của các địa phương, nơi đang là điểm nóng của nạn nhập lậu gia cầm, cùng quan điểm chỉ đạo của Bộ NN-PTNT trong việc ngăn chặn vấn nạn này.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần: Thú y hết sức hỗn độn!
Chi cục Thú y TP Hà Nội kêu thiếu chế tài, thiếu thẩm quyền, lực lượng mỏng, rồi thì dư luận phê bình là không đúng…! Thế nhưng, thời gian qua lực lượng cán bộ thú y bị “mang tiếng” rất nhiều. Như vừa qua báo chí phản ánh giống gia cầm nhập lậu về đến Phú Xuyên, Thường Tín vẫn được cấp giấy kiểm dịch, bày bán công khai như thường? Giống gà lậu thế nào cả xã hội này ai cũng biết, duy chỉ có cán bộ thú y vốn là người trong ngành lại bảo rằng… không phân biệt được đâu là gà nhập lậu, đâu là gà trong nước!
Thậm chí như Bắc Giang, báo chí phản ánh gà lậu tuồn về ngay sát nách Chi cục Thú y nhưng cũng bảo là… không biết! Lại còn chuyện các lực lượng chức năng, trong đó có thú y dung túng, bao che, chia chác tiền “làm luật” của bọn buôn lậu… Thử hỏi là cơ quan tham mưu cho Sở NN-PTNT và UBND các tỉnh đưa ra các giải pháp ngăn chặn gia cầm nhập lập, các anh đã làm hết trách nhiệm chưa? Cơ quan thú y ở những nơi như Bắc Giang, Phú Xuyên, Thường Tín (Hà Nội) có phải là có vấn đề hay không? Tôi xin khẳng định hệ thống thú y nhiều nơi hiện rất hỗn độn!
Còn Sở NN-PTNT Lạng Sơn nói đường biên giới dài, lực lượng mỏng nên chống gia cầm lậu không xuể là đổ thừa! Vấn đề là tỉnh, và ngành nông nghiệp các anh có dám làm quyết liệt hay không mà thôi. Bởi chúng tôi đâu muốn các anh phải bủa người ra đi bắt cửu vạn đâu mà nói chuyện đường biên giới dài? Vừa rồi tôi đi Lạng Sơn, có người của Sở Nông nghiệp - PTNT nói hiện có 5 đầu nậu, tỉnh, Sở ai cũng biết cả nhưng chưa xử lí. Chẳng lẽ nhân viên của Sở biết, còn “sếp” thì không biết điều đó sao? Tôi yêu cầu Cục Thú y rà soát lại hệ thống cán bộ của mình, nếu có sai phạm phải thuyên chuyển, thậm chí nghiêm trọng thì cho nghỉ việc. Các cơ quan chức năng khác cũng nên tự nhìn lại mình, nếu thấy cấp dưới bao che cho buôn lậu thì mạnh dạn thay đổi.
Ông Nông Ngọc Tăng, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn: Bất lực!
Việc nhập lậu gia cầm qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn chúng tôi biết là có, tương đối nhiều, nhưng ngăn chặn chưa xuể. Bởi tỉnh không chỉ có việc chống buôn lậu mà còn nhiều việc khác phải làm…
Về thông tin mà đồng chí Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần khẳng định Lạng Sơn hiện có 5 đầu nậu nhập lậu gia cầm thì “có thể là có thật”, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh tôi chưa biết. Tôi nghĩ thông tin như thế phải do lực lượng chức năng như công an mới nắm được, chứ ngành nông nghiệp không thể lập chuyên án điều tra đầu nậu được. Việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu phải do các sở ban ngành khác trấn giữ ở biên giới như biên phòng, hải quan, các trạm kiểm soát dọc đường... Khó khăn muôn thuở mà có lẽ còn lâu mới khắc phục được đó là đường biên giới Lạng Sơn quá dài, nhiều cửa khẩu tiểu ngạch. Ngay bộ đội Biên phòng cũng chẳng thể giăng ra hơn 250 km để kiểm soát được.
Vấn đề nữa, muốn chặn gia cầm lậu thì các tỉnh sau lưng biên giới phải vào cuộc căn cơ đã. Báo NNVN nêu gia cầm lậu từ Lạng Sơn về tận Hưng Yên, Hà Nội… mà chẳng ai bắt. Các tỉnh nội địa mà không có nhu cầu thì làm sao gà lậu qua biên giới được?
Ông Cấn Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hà Nội: Gà lậu đã lọt qua biên giới, dưới này làm sao chống nổi?!
Các tỉnh nội địa ngăn chặn gia cầm lậu thì mới giải quyết được vấn đề vệ sinh ATTP và thúc đẩy chăn nuôi trong nước thôi, chứ chưa ngăn được dịch bệnh? Hà Nội dù có chặn được gia cầm lậu, mà Lạng Sơn, Quảng Ninh vẫn cứ để lọt, giả như nó mang theo virus thì các tỉnh sau lưng chống dịch làm sao được? Vì thế chống nhập lậu và chống dịch thì phải chặn tận gốc ở các tỉnh biên giới cơ!
Khen thưởng nóng cho các PV Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần: “Chúng ta có cả một hệ thống thú y tới tận cấp xã, nhưng lâu nay hỏi tới gia cầm lậu thì ai cũng bảo không biết. Tại sao vừa rồi anh em phóng viên của Báo NNVN chỉ đi thực tế có mấy ngày, đã nắm được thông tin cặn kẽ như thế? Đề nghị Cục Thú y và Cục Chăn nuôi trình văn bản, Bộ NN-PTNT khen thưởng “nóng” cho các PV Báo NNVN đã có những việc làm và loạt bài viết rất dũng cảm như vừa qua”. |
Việc dư luận và lãnh đạo Bộ NN-PTNT phê bình lực lượng thú y tôi cho là chưa đúng! Bởi một mình thú y không thể dừng được xe buôn lậu, không thể xử phạt được hoặc thẩm quyền rất hạn chế. Pháp lệnh Thú y cũng đâu có quy định thú y là lực lượng chống buôn lậu? Ngay như vụ xử lí hơn 3 tấn gà lậu tại Thường Tín hồi đầu tháng 10 vừa qua, bọn buôn lậu có hàng trăm người ra tẩu tán hàng, phải điều tới 100 công an mới ngăn chặn và xử lí được 3 tấn gà… Trong khi đó chốt kiểm dịch như tại Hà Vĩ chỉ có 3 người/ca (một công an, một thú y và 1 QLTT), ít như thế, gặp đối tượng lưu manh, bất chấp pháp luật thì làm sao xử lí được?
Ông Đoàn Duy Ái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ninh: Xin hỏi các tỉnh nội địa làm đủ trách nhiệm chưa?
Nói bắt được xe chở gia cầm lậu mà không có chủ hàng, chỉ có người lái xe thuê nên chỉ xử lí hành chính được một vài triệu đồng rồi thả thì vô lí quá! Lái xe thuê chẳng lẽ không biết chở cho ai, chở đi đâu? Còn việc nắm thông tin về các đầu nậu là việc quá đơn giản, chẳng phải điều tra chuyên án chuyên iếc gì cả. Ngay như tôi, biết rõ ở TP Hạ Long hiện có 9 đầu nậu, rõ từng biển số xe một…
Vấn đề là chúng ta chưa có chế tài xử lí, và các ngành chức năng làm không hết trách nhiệm mà thôi! Gia cầm lậu bị phát hiện chỉ là tảng băng nổi, thực tế tại Quảng Ninh chúng tôi nắm bắt được lớn vô cùng. Gà lậu từ Móng Cái về tới Hạ Long (Quảng Ninh) chỉ duy nhất đi trên QL18 độc đạo như thế rồi về tận chợ Hà Vĩ. Như thế các cơ quan chức năng khác có phải buông lỏng hay không? Xin nói muốn bắt gà lậu chẳng cần phải ra Móng Cái, cứ ngồi giữa TP Hạ Long mà bắt. Câu chuyện ở đây là kỷ cương quản lí xã hội. Tại sao Trung Quốc họ “cấm biên” thì một con chim của Việt Nam cũng không qua được biên giới, còn mình cấm thì hàng lậu của họ vẫn tuồn về được như thường…?
Một vấn đề nữa, ngăn chăn gia cầm lậu các tỉnh biên giới làm là chưa đủ. Xin hỏi các tỉnh nội địa hiện đã làm đủ trách nhiệm chưa?
Theo Báo NNVN
Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...