CÔNG TY CP TM MINH PHÁT GROUP Giấy Phép Hoạt Động Số: 6001 072 720 397 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất , Tp Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. ĐT: 02623.81.22.33 - 02626.55.6666 - 0948.53.56.59 Emial:mr.thanh.1977@gmail.com
Ngộ độc dinh dưỡng trên cây trồng và biện pháp xử lý
Thứ hai - 10/08/2015 07:44
Việc bón phân hữu cơ cũng có tác dụng làm giảm tác dụng độc của việc dư thừa phân bón, bởi khi bón phân hữu cơ sẽ làm cho hệ đệm hoạt động hiệu quả hơn
(Diễn giả: PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ, ĐH Cần Thơ; TS Đỗ Minh Nhựt, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang; Ths. Phan Văn Tâm, Cty CP Phân bón Bình Điền)
TÌNH HÌNH CÂY TRỒNG BỊ NHIỄM ĐỘC Năm ngoái, một nhà vườn ở Tri Tôn, An Giang kiện một công ty phân bón khi vườn khoai sáp (loại khoai không thể thiếu trong món cà ri) của ông bỗng nhiên bị rũ xuống. Khi tìm hiểu kỹ mới thấy nhà vườn đã sử dụng phân bón quá nhiều. Theo khuyến cáo, với khoai sáp chỉ bón 150-200 kg/ha nhưng không hiểu sao lại sử dụng đến 100 kg/công (10 công bằng 1 ha). Sau cùng nhà vườn phải thú nhận do giá khoai sáp lên cao (10.000 đ/kg) nên nhà vườn sốt ruột đã sử dụng quá nhiều phân. Trường hợp trên không phải là chuyện mới. Trước đây từng có nhiều chủ vườn vú sữa, cam sành, dưa hấu… từng chạy đôn đáo tìm nhà khoa học khi không hiểu sao vườn cây của họ cứ bị "buồn khi trưa, chiều mới tỉnh". Sau khi phân tích mãi, các nhà khoa học mới biết do trái cây lúc đó có giá quá cao và các nhà vườn đã thúc quá nhiều phân. Ở Tây Nguyên hiện nay cũng đang xảy ra một số trường hợp tương tự trên vườn cà phê do nhà vườn mong muốn đậu nhiều trái mà bón quá nhiều Bo. Bo là chất vi lượng, khi thiếu chỉ cần bón bổ sung một lượng nhỏ nhưng sẽ mang lại hiệu quả lớn. Tuy nhiên nếu chỉ dư một ít thì hoa cũng rất dễ bị ngộ độc và sẽ gây nên thảm họa
CÁC LOẠI NGỘ ĐỘC DO DINH DƯỠNG Có thể chia thành 3 dạng cây bị ngộ độc do phân bón: - Bị cháy phân: Tương tự như da người bị cháy do nắng, do tắm biển. Đây là dạng ngộ độc trực tiếp, cấp tính lên một bộ phận của cây mà có thể trên tổng thể với lượng phân đó thì chưa xảy ra dư thừa khiến cho cây bị ngộ độc. Ví dụ, khi bị ngập nước thì rễ cây bị ngộp, đua nhau ngoi lên mặt đất để tìm kiếm oxy, khi nước rút đi nếu mình bón phân ngay thì phân tan ra và lớp rễ cám sẽ bị cháy, mặc dù lượng phân bón không nhiều. - Mất cân đối: Cây bị ngộ độc trong trường hợp lượng phân bón chưa dư nhưng do các chất sẽ ảnh hưởng lẫn nhau nên khi có mặt chất này sẽ gây thiếu chất kia. Ví dụ, với kẽm (Zn) mỗi khi sử dụng thuốc trừ sâu có chứa kẽm thì ta cứ thấy cây xanh lên. Với kẽm thì đất ĐBSCL không thiếu nhưng do bà con mình sử dụng phân urê khiến cho cây không hấp thu được từ đất nên khi có kẽm xịt lên thì lá cây sẽ hấp thụ được nên cây sẽ xanh lên. Ví dụ khác như với kali. Kali là yếu tố giúp cây chắc, ít sâu bệnh và cây cũng có thể hấp thu nhiều kali mà không bị nhiễm độc. Tuy nhiên khi nhiều kali thì sẽ ức chế khiến cho cây không hấp thu được canxi và manhê khiến cho cây có triệu chứng như bị ngộ độc. Ngộ độc thực sự: Là trường hợp bón quá nhiều so với nhu cầu và ngưỡng chịu đựng của cây. Ví dụ như nếu bón quá nhiều phân đạm thì sẽ làm cho lá cây bị vàng, rũ xuống. CÁCH XỬ LÝ KHI CÂY BỊ NGỘ ĐỘC Trong cả 3 trường hợp trên khi phát hiện được cần có những biện pháp xử lý ngay càng sớm càng tốt. Đầu tiên là phải ngưng ngay việc bón phân và sau đó là dùng nước để rửa bớt. Với cây mọc dưới nước thì việc thay nước là giải pháp cần làm ngay. Với cây trồng cạn thì tưới nước sẽ làm cho phân bị loãng ra và trực di xuống tầng dưới.
Nếu bị ngộ độc bởi vi lượng thì có thể bón them vôi, lân. Việc bón thêm vôi hoặc lân sẽ làm cho pH tăng lên. Khi pH tăng thì sẽ làm giảm khả năng ảnh hưởng của vi lượng. Tuy nhiên với các vi lượng là mo líp đen, clot hi việc nâng độ pH lên sẽ có tác dụng ngược lại khiến cây bị ngộ độc nặng hơn do khi pH lên trung tính hoặc kiềm thì hoạt động của 2 vi lượng này càng mạnh hơn. Việc bón phân hữu cơ cũng có tác dụng làm giảm tác dụng độc của việc dư thừa phân bón, bởi khi bón phân hữu cơ sẽ làm cho hệ đệm hoạt động hiệu quả hơn. Cây trồng cũng là sinh vật sống nên khi bị nhiễm độc thì sẽ có những phản vệ nhằm hạn chế nhiễm độc. Với người, phản xạ đầu tiên có thể là nôn, thì với cây chúng cũng sẽ được thải nhanh qua mép lá. Nếu kết hợp được khả năng tự vệ của cây với các giải pháp trợ giúp của con người thì việc nhiễm độc sẽ được giảm thiểu. Giải pháp tránh cho vườn cây bị ngộ độc tốt nhất là mỗi nhà nông phải tự trang bị kiến thức cho mình, hiểu nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây, từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của nó, cũng như phải cập nhật hàm lượng các chất có trong đất của ruộng nhà mình bằng các phân tích thổ nhưỡng chuyên ngành làm sao sử dụng phân bón vừa đủ, mang lại hiệu quả kinh tế cao và không lo cây trồng bị ngộ độc.