Tổng chi phí cho Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 tại tỉnh Đắk Lắk là khoảng 20 tỉ đồng, trong đó một nửa là từ ngân sách Nhà nước. Festival này có hơn 10 chương trình, phần lớn không ăn nhập gì với chủ đề của lễ hội mà chủ yếu “ăn theo” cà phê, như biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang với giá vé “cắt cổ”. Điều lạ là các sản phẩm cà phê trong nước được trưng bày ít, phần nhiều là cà phê của các nước. Tại sự kiện này còn trưng bày một siêu xe, chẳng biết để làm gì!
Điểm nhấn của Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 là thiết lập hàng loạt kỷ lục Việt Nam, như Lễ hội cà phê lớn nhất, Lễ hội đường phố mang bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên lớn nhất, Cuốn sách có bìa làm bằng nu cà phê lớn nhất, Đạo diễn chương trình nghệ thuật sắp đặt bằng hạt cà phê và vật dụng văn hóa Tây Nguyên lớn nhất, Bảo tàng cà phê lớn nhất…
Trong đó, nhiều kỷ lục không khỏi làm người ta “choáng” như Phin cà phê lớn nhất Việt Nam. Chiếc phin này có đường kính 2 m, cao 2,8 m, mỗi lần pha được 200 kg cà phê, đủ cho hàng ngàn người uống.
Theo giới thiệu của ban tổ chức, chiếc phin có thể tách lọc hương vị cà phê truyền thống, thơm ngon của cà phê Đắk Lắk (!?). Ngắm chiếc phin, nhiều người cho rằng đây là một sự phô trương quá đáng. Theo họ, pha chế cà phê là cả một nghệ thuật, không phải cứ đổ cà phê vào rồi chế nước sôi là được.
Một vấn đề quan trọng mà người dân Tây Nguyên kỳ vọng từ festival này là làm thế nào để người trồng cà phê sống được từ cây cà phê. Tuy nhiên, suốt lễ hội không thấy bàn thảo về chính sách trợ vốn, trợ giá, đưa khoa học kỹ thuật vào hỗ trợ, nâng cao chất lượng cà phê Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ngay cả hội thảo “Phát triển cà phê Buôn Ma Thuột” cũng không có một người trồng cà phê nào được dự trong khi lực lượng này chiếm hơn 80% diện tích cà phê; còn lễ khai trương sàn giao dịch cà phê kỳ hạn thì chỉ có các chủ doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương được mời. Chính những chủ nhân của hạt cà phê Tây Nguyên đã phải thốt lên: “Festival cà phê là sân chơi của các doanh nghiệp chứ không phải của người trồng cà phê!”.
Từ năm 2009, nông dân cả nước vui mừng khi Festival Lúa gạo đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang nhằm tôn vinh nông dân và vinh danh hạt gạo Việt. Mọi công tác chuẩn bị cho Festival Lúa gạo được tỉnh Hậu Giang lo chu đáo, đặc biệt là xây dựng con đường cửa ngõ vào TP Vị Thanh và đường Trần Hưng Đạo cặp kênh xáng Xà No.
Ông Nguyễn Phong Quang – Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, người phát kiến ý tưởng Festival Lúa gạo lần thứ 1, cho biết: “Sau festival này, sản xuất lúa gạo tại Hậu Giang có nhiều thay đổi rõ nét như diện tích, sản lượng, năng suất, lượng gạo xuất khẩu đều tăng, đời sống người dân có phần cải thiện.
Qua đó, nông thôn cũng được đầu tư nhiều về thủy lợi, giao thông, cơ sở hạ tầng…”. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án “hậu” festival vẫn còn là điều đáng bàn. Trong đó, đáng chú ý là dự án xây dựng khách sạn 5 sao Hậu Giang Diamond Plaza lớn nhất – nhì ĐBSCL. Sau 3 năm, nơi triển khai dự án nay vẫn chỉ là bãi đất trống nằm trong lòng TP Vị Thanh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án này đã bị “chìm xuồng” từ lâu và được thay thế bằng một dự án khác.
Tiếp đó, tháng 11-2011, Festival Lúa gạo lần thứ 2 được tổ chức ở Sóc Trăng cũng không khá hơn. Ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, nói: “Sau Festival Lúa gạo, giống lúa thơm ST được tiêu thụ mạnh. Năm nay, diện tích trồng lúa này trong toàn tỉnh tăng thêm 3.000 ha, năng suất và giá cũng tăng mà lúa thường không thể nào có được”.
Thế nhưng người trồng lúa trong tỉnh thì không nghĩ như vậy. Họ cho rằng qua 2 kỳ festival, hiện giá lúa vẫn phập phù, đời sống nông dân bấp bênh. Vấn đề “liên kết 4 nhà” hầu như Festival Lúa gạo nào cũng đặt ra, song chỉ là lý thuyết suông, đến nay vẫn mạnh ai nấy làm.
Ai được lợi?
GS-TS Võ Tòng Xuân nói rằng chỉ riêng khu vực ĐBSCL cũng đã có khá nhiều festival như Trái cây Nam Bộ (Tiền Giang), Lúa gạo (Hậu Giang, Sóc Trăng…), Dừa (Bến Tre)… Việc tổ chức tốn kém này chỉ giúp các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm chứ nông dân chẳng được lợi ích là mấy.
“Có những mùa vụ thu hoạch xong, nông dân lại trắng tay vì lỗ lã. Trong khi đó, qua mỗi lần tổ chức sự kiện lớn như vậy, các công ty, nhà phân phối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc nông nghiệp… kiếm được nhiều tiền hơn nhờ quảng bá được sản phẩm. Các đơn vị tổ chức sự kiện cũng kiếm được một khoản tiền kha khá.Nhiều tỉnh, thành thường có “cái tật” lớn và phổ biến là thấy ai làm được gì thì muốn bắt chước làm theo.
Tổ chức lễ hội hoành tráng cho “bằng chị, bằng em” nhưng cốt chỉ phô trương, sản phẩm nông dân làm ra bán không được thì cũng chẳng có tác dụng gì” – GS Võ Tòng Xuân nói.
Theo Báo Người Lao Động
Giống tiêu Srilanka có nguồn gốc từ quốc đảo Srilanka với tên gọi quốc tế là Ceylon Khoo hiện đang được trồng nhiều tại phía bắc Thái Lan và biên giới Campuchia. Giống đã được Trung Tâm Cây Giống Vườn ươm Minh Phát nhập về và nhân giống thành công. Đặc điểm của giống tiêu này này là...