Theo các chuyên gia, giá tiêu Việt Nam thấp so với các nước khác do công nghệ thấp, doanh nghiệp thiếu chuyên nghiệp…
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn,Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam chiếm khoảng 50% thị phần quốc tế hồ tiêu thế giới nhưng giá trị mang lại không cao so với tiêu xuất khẩu của các nước như Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Malaysia…
Lý do là tiêu xuất khẩu các nước nói trên đạt tiêu chuẩn ASTA (khử trùng theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế) còn Việt Nam chủ yếu vẫn xử lý bằng hơi nước nên mới chỉ cho ra sản phẩm tiêu sạch. Giá tiêu sạch thấp hơn so với tiêu đạt chuẩn ASTA khoảng từ 200 – 300 USD/tấn.
Nhờ có công nghệ xử lý tiên tiến, các nước trên đã mua hàng thô của Việt Nam và những nước có công nghệ kém khác để xử lý rồi bán ra thị trường với giá cao. Vì vậy, nhiều năm gần đây, hồ tiêu Việt Nam luôn đứng đầu về sản lượng nhưng lợi nhuận thu được thường kém xa so với sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Tổng hợp báo cáo từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2011 cả nước có khoảng 52.171 ha tiêu, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 46.153 ha, năng suất thu hoạch khoảng gần 2,4 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 110.000 tấn. Văn phòng Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, năm qua giá tiêu đạt mức kỷ lục, bám sát mặt bằng giá thế giới ở mọi thời điểm.
Phần lớn các nhà kinh doanh hồ tiêu đã chủ động trong mua, bán, xuất khẩu song vì vốn lớn, lãi suất vay rất cao nên hầu hết các doanh nghiệp đều phải mua ngay, bán ngay, quay vòng vốn. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp ký bán xuất khẩu trước, rồi mua hàng sau, trong khi giá ngày một tăng cao vẫn còn nhiều.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp không mua được hàng để giao theo giá ký thấp nên đã không thực hiện hợp đồng. Cá biệt có doanh nghiệp chiếm dụng tiền cọc của khách hàng, để xảy ra tranh chấp khiến kiện làm mất uy tín đến hoạt động xuất khẩu của ngành hồ tiêu trong nước.
Do giá tiêu tăng cao, phá vỡ chu kỳ thông thường những năm trước đây đã kích thích sản xuất phát triển. Bà con đã mở rộng diện tích trồng mới khá mạnh, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên. Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch VPA cho rằng, nếu tăng năng suất và sản lượng cao thì có khả năng cung sẽ vượt cầu, dẫn đến giá cả sẽ giảm thấp.
Việc tạm trữ tiêu trong vụ thu hoạch và chỉ bán khi cần thiết, lúc giá cao đã trở thành tập quán của bà con nông dân. Ông Nam khuyên các doanh nghiệp phải cải tiến cách buôn bán, nắm bắt phân tích thông tin, điều hòa tiến độ mua, bán, chủ động điều tiết tiến độ xuất khẩu cho từng kỳ, tháng trong năm.
Chủ động về vốn, chọn thời điểm giá, tranh thủ mua gom tạo chân hàng hóa ngay từ đầu vụ thu hoạch, sau đó bán quay vòng. Giữ thế chủ động trong giao dịch đàm phán ký kết hợp đồng cung ứng, xuất khẩu. Hạn chế tối đa việc ký bán hàng, trung, dài hạn, ký trước mua sau trong bối cảnh giá biến động tăng, rất dễ rủi ro thua lỗ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đi sâu vào chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhãn mác, xuất xứ địa lý hàng hóa, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường và quản lý chặt chẽ khâu vận chuyển hàng xuất khẩu, phòng ngừa trộm cắp thất thoát hàng hóa.
Theo Đại Đoàn Kết
Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...