Ngày 14.5, ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình chủ trì cuộc họp với các ngành chức năng của tỉnh. Cuộc họp thống nhất phương án truy quét lâm tặc ra khỏi rừng, truy tìm để thu hồi hết số gỗ sưa còn lại…
Gỗ vẫn còn trong rừng
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyên - Phó Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng và ông Phạm Hồng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đều khẳng định là phần lớn số gỗ của 3 cây sưa bị đốn hạ hiện vẫn còn nằm trong rừng.
Nhận định này phù hợp với nhiều thông tin cho rằng phần lớn gỗ sưa tuồn trót lọt ra ngoài là gỗ bìa, cành, ngọn… Còn một lượng lớn gỗ đẹp thuộc “sở hữu” của 11 đối tượng đốn hạ 3 cây sưa cũng như các đầu nậu hiện vẫn còn bị kẹt trong rừng.
Cũng có nhiều thông tin cho rằng, một lượng gỗ lớn đã bị tuồn ra khỏi rừng đi qua Lào bằng đường biên giới. Tuy nhiên, tại cuộc họp, đại tá Phan Công Lương - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình khẳng định, từ 1 tháng nay lực lượng biên phòng đã được tăng cường lên khu vực biên giới để tuần tra ngày đêm và từ trước tới nay biên phòng chưa hề phát hiện một vụ vận chuyển gỗ nào.
Ông Phạm Hồng Thái cho biết thêm, trong rừng hiện không chỉ còn gỗ mà còn cả người. “Bằng chứng là mấy hôm nay chúng tôi phát hiện có rải rác những nhóm người gùi lương thực đi vào rừng để tiếp tế” – ông Thái nói.
Chính vì vậy, tại cuộc họp, ông Phạm Hồng Thái và đại tá Phan Công Lương đã đề xuất phương án, muốn ổn định tình hình ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng thì nhất định phải tổ chức lực lượng truy quét lâm tặc cũng như truy tìm bằng hết lượng gỗ sưa còn lại trong rừng.
“Khi không còn gỗ trong rừng thì các đối tượng lâm tặc, cũng như các băng nhóm, người dân…sẽ không có lý do gì để ở lại trong rừng nữa, tình hình lúc đó chắc chắn sẽ ổn định” – đại tá Phan Công Lương nói.
Ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý với phương án này. Ông Quang giao trách nhiệm cho VQG Phong Nha – Kẻ Bàng bổ sung phương án, tăng cường lực lượng để tổ chức truy quét, tìm và đưa gỗ ra khỏi rừng sớm nhất có thể.
Chưa xác định được người mua gỗ
Đến thời điểm này, cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã xác định chính xác danh tính 11 đối tượng tham gia đốn hạ và xẻ bán 3 cây gỗ sưa cổ thụ trong VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Tuy nhiên, những người mua (tức các đầu nậu gỗ) là những ai thì hiện vẫn chưa có câu trả lời.
Hơn một tháng qua, dư luận và báo chí dẫn nhiều nguồn tin khác nhau đã nêu tên một số đầu nậu gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã huy động một lượng tiền rất lớn để vào VQG Phong Nha – Kẻ Bàng mua gỗ sưa từ 3 cây sưa bị đốn hạ như: H “mía”; H “xăng dầu”…
Theo đại tá Nguyễn Văn Hiệu - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, ngay khi nhận được thông tin có 3 cây sưa trong VQG Phong Nha – Kẻ Bàng bị đốn hạ, Công an tỉnh Quảng Bình đã lên danh sách tất cả những đầu nậu gỗ ở Quảng Bình có khả năng tham gia vào việc mua gỗ sưa để tiếp cận nhằm răn đe, ngăn chặn không cho các đầu nậu mua gỗ sưa trái phép từ VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã tiếp cận với các đầu nậu được cho là có tham gia mua bán gỗ sưa, rồi bị cướp hàng trong khi vận chuyển ra…và tất nhiên là ai cũng chối không nhận là mình có tham gia.
“Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa thể xác định được những ai tham gia vào việc mua 3 cây gỗ sưa nói trên do chưa tìm thấy chứng cứ. Hiện chúng tôi đang tiếp tục điều tra”- ông Hiệu cho biết.
Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...