tani đã đưa loại trái cây này đến với nhiều thị trường ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Thế Tân bên vườn mãng cầu Bà Đen của Natani. Ảnh: Nam Bình |
Công nghệ hữu cơ vi sinh giúp giải quyết vấn đề thị trường
Kể từ năm 2011, mãng cầu Bà Đen được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Việc này tưởng chừng mở ra cơ hội phát triển mới cho một trong những nông sản chủ lực của tỉnh Tây Ninh. Nhưng, vì là loại cây khó trồng, khó chăm sóc nên suốt một thời gian dài, nông dân thường phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với nồng độ cao để diệt trừ sâu bệnh.
Thậm chí nhiều nhà vườn còn lạm dụng thuốc kích thích để đạt sản lượng cao nhất. Hậu quả là cây kháng thuốc, môi trường ô nhiễm, chất lượng trái không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là chưa kể mãng cầu là loại trái khó bảo quản sau thu hoạch. Tình trạng hư hỏng nhiều khiến cả người trồng lẫn người tiêu dùng trong nước không còn mặn mà với loại trái cây này.
Ông Nguyễn Thế Tân vốn là nhà điều hành một công ty luật, nhưng với mong muốn vực dậy vùng sản xuất mãng cầu Bà Đen nổi tiếng lâu đời, ông đã đứng ra lập công ty, hợp tác với nông dân trồng mãng cầu theo quy trình mới: ưu tiên sử dụng các sản phẩm hữu cơ vi sinh, hạn chế tối đa phân bón vô cơ gây bạc màu đất cũng như thuốc bảo vệ thực vật.
Natani cũng áp dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất như đặt hệ thống tưới nước, bón phân tự động bằng ứng dụng (app), hay đặt đài quan trắc tại vườn để biết nhu cầu của cây trong quá trình canh tác. Kết quả là sản phẩm mãng cầu Bà Đen được thị trường chấp nhận trở lại, có mặt tại nhiều siêu thị lớn trong nước cũng như xuất khẩu đi Mỹ, Canada, các tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất (UAE), các nước Trung Đông...
“Trước khi dịch bệnh xảy ra, mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu khoảng 200 tấn mãng cầu. Hiện số lượng xuất khẩu có giảm do những ách tắc vận chuyển hoặc giãn cách xã hội vì đại dịch. Còn với thị trường trong nước thì mãng cầu Bà Đen của Natani luôn không đủ đáp ứng nhu cầu”, ông Tân chia sẻ.
Tin vui gần nhất từ Natani là công ty này vừa có thêm khách hàng mới ở Trung Đông với đơn hàng 1 tấn mãng cầu Bà Đen được xuất đi hồi giữa tháng 4 vừa qua. Đáng mừng hơn là sau đơn hàng đầu tiên đó, phía đối tác đã nhập thêm một đơn hàng nữa ngay trong tháng 4 và hứa hẹn sẽ tiếp tục nhập số lượng 1-3 tấn/tuần, tùy diễn biến thị trường và khả năng của nhà cung cấp.
Cũng theo ông Tân, sắp tới, doanh nghiệp này có kế hoạch áp dụng công nghệ thụ phấn nhân tạo cho hoa nhằm giảm nhân công, tăng sức khỏe cho cây nhờ chỉ tập trung nuôi dưỡng những trái đạt chất lượng.
Nhìn cảm quan, trái mãng cầu Bà Đen có hình trái tim tròn, vỏ màu xanh lục. Ảnh: Nam Bình |
Giữ uy tín chỉ dẫn địa lý của sản phẩm
Qua hơn ba năm đi đến từng vườn, vận động từng nhà bà con nông dân thay đổi hướng canh tác, đến nay, doanh nghiệp của ông Tân đã xây dựng được hơn 200 héc ta đất trồng mãng cầu Bà Đen chất lượng cao. Ông Tân cho biết: “Giá sản phẩm mãng cầu Bà Đen của Natani bán tại vườn hiện đã cao gấp hai, ba lần so với mãng cầu trồng theo quy trình thông thường hay trồng ở vùng khác”.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, mãng cầu Bà Đen được cấp chỉ dẫn địa lý về cảm quan, trái mãng cầu Bà Đen có hình khối cầu dạng trái tim tròn, vỏ màu xanh lục, khi chín chuyển sang màu xanh sáng hơi vàng, đường kính trung bình quả 7-8 cen ti mét, trọng lượng trung bình 179,6 gam. Mãng cầu Bà Đen có vị ngọt thanh, thịt quả màu trắng ngà, dai, ráo, có hạt hoặc không có hạt. |
Trò chuyện với Kinh tế Sài Gòn, ông Tân nhớ lại những ngày đầu mới bắt tay vào dự án vực dậy tên tuổi cho trái mãng cầu Bà Đen, khi đó, quy trình trồng theo chuẩn VietGAP không được nhiều nông dân ủng hộ do chi phí cao mà năng suất thấp.
Nhưng qua thời gian, những vườn cây ít sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... đã nâng chất lượng trái mãng cầu, lại được Natani ký bao tiêu với giá tốt nên đã vực dậy lòng tin của bà con nông dân cũng như thị trường tiêu thụ.
Thế nhưng không phải ai cũng được tham gia vào chuỗi sản xuất mãng cầu Bà Đen của Natani. Tiêu chí lựa chọn của ông Tân là những nông hộ thuộc tám xã quanh chân núi Bà Đen đã được UBND tỉnh Tây Ninh xác định có điều kiện tự nhiên giúp tạo nên trái mãng cầu thơm ngon đặc trưng, tức những xã nằm trong danh sách được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Ông Tân cho biết điều này rất quan trọng, vì nếu mở rộng sản phẩm ra ngoài phạm vi các xã đó, chất lượng trái mãng cầu sẽ thay đổi, sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín của thương hiệu “mãng cầu Bà Đen”. Ông Tân tâm sự ông vẫn luôn tâm tư chuyện sử dụng chỉ dẫn địa lý của sản phẩm này sao cho hiệu quả, vì đây là tài sản chung, không phải của riêng Natani. “Mỗi doanh nghiệp khi đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý phải ý thức việc bảo vệ uy tín của sản phẩm. Phần còn lại cũng phải có sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc quản lý các nhãn hiệu này”, ông Tân nói.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, cũng xác định mối quan tâm phát huy hiệu quả của chỉ dẫn địa lý đã được cấp từ các cấp quản lý ở địa phương. Về sản phẩm, mãng cầu Bà Đen được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Trong đề án thực hiện chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, mãng cầu nằm trong nhóm sản phẩm có tiềm năng 4 sao.
Mặt khác, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cũng thừa nhận nhóm sản phẩm này vẫn còn một số mặt hạn chế như chưa khai thác hết giá trị về nguồn gốc, xuất xứ và quá trình hình thành sản phẩm, ít được tư liệu hóa để người tiêu dùng tìm hiểu. Đặc biệt, yếu tố chỉ dẫn địa lý của sản phẩm vẫn chưa được khai thác tốt, chưa thể hiện sự nổi bật các yếu tố bản sắc, đặc trưng, văn hóa... của địa phương. Do đó, trong giai đoạn tới, các sở, ngành tỉnh Tây Ninh sẽ cùng phối hợp giải quyết những vấn đề này.
Nguồn tin: KTSG ONLINE
Cung cấp giống Tiêu Srilanka - Chuẩn giống Ceylon Khoo Tiêu Srilanka - Chuẩn giống Ceylon Khoo chuỗi dài, sức đề kháng mạnh, bộ rễ khỏe, năng suất cao