Cay đắng những phận đời quanh giọt cà phê

Chủ nhật - 25/03/2012 05:47

Minh họa

Minh họa
Những cô gái bán cà phê tại Hà Nội đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhưng chủ yếu là đến từ các tỉnh lân cận như Hoà Bình, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Tây và Thái Bình... và hầu hết đang phải ở trọ.

Hết những buổi làm ngày, làm đêm tại một vài quán cà phê trong thành phố, hoàn thành "nhiệm vụ", tôi trở về với công việc chính của mình. Không được trả lương lại còn bị bà chủ cằn nhằn "mới thử việc được mấy ngày mà cô đã bỏ rồi".

Móc trong túi chỉ còn 20.000 đồng, tôi mua nào khoai mì, chè, bánh trái... gọi là lễ chia tay với những người bạn "đồng nghiệp" của mình. Và tôi ngậm ngùi thương xót những ngày vào nghề đầy cay đắng vừa mới qua khi những "giọt đắng" của cà phê vẫn còn chưa tan hết...

Vị đắng cà phê

Thu Hằng, 19 tuổi, quê ở Phủ Lý (Hà Nam), theo bạn bè ra Hà Nội bán cà phê được ba năm. Ba năm trôi qua, cô không nhớ đã bao nhiều lần đổi nơi làm, khi thì làm ở cà phê vườn, lúc thì cà phê biệt thự, còn bây giờ là cà phê sàn.

Hằng bảo: "Tiền ăn một tháng chỉ có trăm rưỡi thôi. Bữa cơm chẳng có gì, toàn những thứ rẻ vì còn phải trả tiền nhà trọ, tiền đủ thứ khác nữa".

Hằng còn cho biết thêm, lương 800.000 đồng một tháng, ngoài ra không có một khoản phụ cấp nào khác. Nếu làm trọn năm thì đến Tết chủ cho tiền may bộ quần áo mới. "Có bạn trai mà phải giấu, chẳng mấy khi có thời gian dành cho anh ấy, thứ bảy chủ nhật cũng đi làm - Hằng tặc lưỡi nói tiếp - Tết nhất cũng không được nghỉ nhiều. Mùng hai mùng ba đã phải rời quê đến quán bắt đầu những ngày làm việc đầu năm rồi".

Không đơn giản chỉ là mối quan hệ chủ - khách - nhân viên mà còn có không biết bao điều phức tạp với những người pha chế, nhân viên giữ xe và giữa các nhân viên phục vụ với nhau...

Tôi nhớ lại ngày mới vào làm, chị Thu và chị Mơ, những người có "thâm niên" trong nghề nhìn tôi cứ "nguýt" từng cái dài dù chẳng có lý do gì rõ ràng khiến tôi còn chạnh lòng thương hại cho chính mình.

Nhìn vào khu pha chế, những chiếc phin cà phê rửa qua loa, cái ca nhựa để khắp nơi rồi lại nhúng vào xô trà đá múc nước, một ly nước cam nhưng đã được "chế biến" cùng với một loại nước gì đó không rõ, một trái dừa tươi cũng được người ta cho thêm một ít đường...

Thấy nhưng coi như không thấy gì - đó là cách tốt nhất để "tồn tại" mà những người bạn "đồng nghiệp" đã rút kinh nghiệm truyền lại cho tôi.

Đường còn dài...

Khá nhiều cô gái đến với nghề bán cà phê ngoài mưu sinh còn có một mục đích khác: Giấc mơ "đổi đời". Tôi không được chứng kiến những ước mơ của các "đồng nghiệp" ấy cuối cùng đã thành... hiện thực như thế nào.

Hồng Hà, một "đồng nghiệp" làm cùng ở quán cà phê tôi làm tăng ca buổi tối, kể: "Trước kia ở quán này có Thủy, người Nam Định, quen với một ông Tây nên bỏ quán đi để được đổi đời, rốt cuộc ôm cái bầu to tướng về quê vượt cạn một mình".

Nhưng đó chỉ là chuyện "tai nghe", còn "mắt thấy" thì phần lớn những cô gái ở quê ra phố bán cà phê mà tôi có dịp tiếp xúc đều có những ước mơ thật giản dị. Họ xem việc bán cà phê là một nghề chân chính, là cách kiếm tiền lương thiện, mặc dù cũng có không ít những băn khoăn.

Làm nhân viên phục vụ quán cà phê không chỉ có những cô gái mà còn có rất nhiều những chàng trai. Việt, quê ở Thanh Hoá, chưa đến 20 tuổi nhưng Việt cũng không được học hành tới nơi tới chốn nên lấy việc phụ quán cà phê làm kế sinh nhai. Việt ở nhờ nhà cậu, đỡ được một khoản tiền trọ hàng tháng, nhưng vẫn rất khó khăn trong mọi sinh hoạt.

Hay như Thuận (17 tuổi, quê ở Hoà Bình), là nhân viên của một quán cà phê khác trên phố Triệu Việt Vương, ngày làm 9 tiếng ở đây, ngoài ra, Thuận còn phải làm thêm ở một số nơi khác để có thêm thu nhập. Thuận chỉ mới học hết cấp 1, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải bỏ học, xuống Hà Nội ở trọ và đi bán cà phê.

Anh Đạt, một quản lý quán cà phê Trung Nguyên chia sẻ: "Nhân viên hầu hết đều rất nghèo, nên tiền bo của khách, tiền bán ve chai hàng tháng cộng lại chúng tôi chia đều cho nhân viên. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng tổ chức cho các bạn vui chơi như hát karaoke, tổ chức sinh nhật, liên hoan... Ngày lễ, Tết nhất cũng có thêm cho nhân viên các khoản khác ngoài mức lương hàng tháng".

Nhưng, không phải ông chủ nào, người quản lý ở quán cà phê nào cũng có được cuộc sốngsự cảm thông đối với nhân viên của mình như vậy. Ngay cả tôi, khi chưa vào cuộc cũng không thể biết được, phụ việc ở quán cà phê là một nghề mưu sinh đầy gian khó, là những ngày xa quê dài đằng đẵng, biết bao mồ hôi và những giọt nước mắt gạt vội...
Theo Người đưa tin

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU Đắk Lắk

Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây