Chưa chắc. Một kẻ ưa cãi ở trong tôi cố phản biện: cơm chiên bằng cơm cũ một ngày ngon hơn cơm mới nấu đem chiên, cơm cũ để lên men ba ngày thành cơm rượu ăn là say, và rượu mà để năm mười hai chục năm, càng cũ càng ngon. Đồ cũ biết chế biến biết xài có khi tốt hơn đồ mới.
Cãi cho vui, chứ tôi từng trải niềm vui sướng, thích thú, sự thoải mái, sảng khoái, khi xài đồ mới, từ mặc chiếc áo mới may, ăn rau trái mới hái trong vườn, nằm trên cái giường trải nệm drap mới tinh, nhập tên mình vô cái máy tính “brand new”. Mới – thường cùng nghĩa với tươi, trẻ, còn nguyên, do vậy cùng gần gũi với tốt, ngon, đẹp, tiến bộ. Và sang giàu nữa, đương nhiên, vì phải có tiền mới sắm được đồ mới. Coi quảng cáo kìa, cái gì cũng nhấn mạnh là “mới”, kiểu dáng mới, công dụng mới, hàng mới về, chưa “bóc tem”. Cái tâm lý chuộng mới phổ biến hẳn nhờ công lớn của kỹ nghệ quảng cáo trong xã hội tiêu thụ.
Tôi cũng từng trải qua nỗi buồn buồn, tủi tủi khi phải xài đồ cũ. Không kể nỗi bực dọc, ngao ngán, ngượng ngùng với những thứ đồ cũ hỏng hóc, khiếm khuyết, kém chất lượng. Cuối thập niên 1980 tôi sắm được cái xe gắn máy “nghĩa địa” để đi dạy, một cái xe “Cánh én 81” giá tương đương ba lượng vàng, tính ra mắc hơn một chiếc Honda mới toanh bây giờ. Nhưng thời đó nước mình chỉ nhập xe cũ, có xài là mừng rồi. Xe người ta xài rồi thải ra thế nào cũng có trục trặc gì đó, tôi với ông thợ sửa xe đầu đường trầy trật nhiều phen mới khiến nó chạy êm được mấy năm. Lúc đó nước mình bắt đầu nhập xe mới, xe đỏ xe tím bóng loáng sáng choang, cái xe “đồ xài lại” của mình đã cũ càng cũ thê lương, không buồn không tủi sao được?
Bây giờ tôi không màng xe cộ nữa, dù mới dù cũ. Nhưng có lẽ vì già, hay trở thành lớp “người cũ” chăng, mà tôi dần dần bớt phấn khích trước những thứ mới lấp lánh, mà nhận ra mình có xu hướng bênh “đồ cũ”. Đôi giày cũ mang quen chân, đi đường xa không bị rộp da bong gân như khi mang đôi giày mới, Cái ghế cũ ngồi riết nó biết tư thế của mình nên lõm đúng chỗ mình ưa tựa vào; ngồi đúng cái ghế đó mới có cảm giác thân thuộc, thoải mái, an tâm và có cảm hứng viết. Máy tính cũng vậy, mỗi lần máy cũ trục trặc phải sắm máy mới cứ cảm giác như ở trọ nhà ai, sống với người lạ, chẳng biết ứng xử ra sao, đồ đạc của mình chẳng biết để chỗ nào.
Hai mươi năm trước tôi dọn từ nhà cũ trong hẻm sang “nhà mới” ở chung cư, một căn hộ đã có người ở trước khi tôi dọn vào, nghĩa là cũng là nhà cũ. Đã cũ còn hoang tàn: người ở trước đó, khi dọn đi đã gỡ cả cửa kính, gạch bông, vòi nước, ván ốp tường… nói chung là những thứ tháo gỡ được. Đó là thời ghế gỗ ở công viên cũng bị gỡ làm củi chụm và hàng rào song sắt thì đem cân ký bán ve chai. “Nhà mới” chỉ là một không gian trống lốc lưng chừng một chung cư. Ưu điểm duy nhất là nó rộng rãi, có nắng sớm rọi vào, gió chiều thổi qua, và ban đêm thấy được trăng sao trên trời. Ba tôi và em tôi sửa sang dần cửa nẻo tường sàn, để nó thành nhà, là nơi mọi người trong gia đình trở về, nơi trú ngụ an toàn dù ngoài trời mưa bão.
Năm tháng qua, ba tôi bây giờ không thể lên cầu thang để về nhà trên tầng 3 chung cư nữa, gia đình tôi dọn về nhà cũ trong hẻm, đã được em tôi giở ra xây lại, nên coi cũng mới. Đại khái là dùng vật liệu mới dựng lại không gian cũ, nơi chị em chúng tôi đã sống qua tuổi thơ và tuổi trẻ. Em tôi mua giường mới cho ba, ghế mới có bánh xe cho ba tiện xê dịch, một số đồ đạc cũng mua mới để phù hợp với nhu cầu của người già bệnh. Mấy tháng đầu nằm trên giường ba cứ hỏi đây là đâu, chị em tôi ngày nào cũng ôn bài cho ba: “Đây là nhà mình ở Dòn Mé Sán, đối diện trước cửa là nhà A Khòn, trong này là bếp, kia là cầu thang lên gác”. Khi ba ngồi dậy được, chị em tôi đẩy xe đưa ba đi vòng vòng trong xóm để ông nhớ lại nhà nào của ai. Bây giờ ba đã nhớ ra hết, ai ở nhà nào, sinh sống ra sao, con cháu thế nào.
Ba không chịu nằm trên giường nữa, đòi đem cái ghế bên “nhà cũ” ở chung cư qua, cái ghế mà ba vẫn quen ngồi coi tivi bao nhiêu năm. Những thói quen cũ của ba dần dà được thiếp lập lại: Cái tivi để trước cái ghế, ba mở tivi rồi nghoẹo đầu ngủ. Cái giường trở thành nơi bày các vật dụng thường dùng, thành giường là nơi treo máng các bao ny lông đựng các thứ thuốc tây, thuốc bắc, thuốc dán, dầu xoa… Áo quần thì vắt trên thành ghế hay treo trên cây mắc mùng, trong tầm tay với. Mền gối la liệt chung quanh, thức dậy là ba xếp mền xếp gối lại theo một trật tự nhất định mà đôi lần tôi thử xếp cho gọn thì ba kêu là tôi làm “lung tung” hết. Cuối cùng, dường như ba đã cảm thấy đúng là mình đang ở nhà mình, khi không gian chung quanh ba trở nên quen thuộc với những thứ cũ kỹ ở trong một trật tự cũ xưa.
Cách đây một năm, tôi vẫn đau đáu trong lòng một giấc mơ là mua một ngôi nhà mới ở ngang mặt đường để ba tôi đỡ cực khi lên xuống ba tầng cầu thang chung cư. Khi ba té và phải đưa ba về nhà trong hẻm Dòn Mé sán, trong không gian chật chội tôi đã dằn vặt mình là cả đời không có nổi một cái nhà cho ra hồn. Nhưng tám tháng ngồi cạnh ba tôi hằng đêm, nhìn ba tôi hồi phục dần trí nhớ, ổn định dần sức khỏe, an cư dần trong không gian quen thuộc của mình, và thanh thản với nhịp sống đơn giản: ăn, ngủ, tiêu, tiểu, và thở, tôi đã nghĩ quanh đi quẩn lại có một điều: người ta có cần nhiều hơn thế?
Nhà văn Lý Lan
Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...