Tháng Tư về

Chủ nhật - 01/04/2012 21:23

Minh họa

Minh họa
Không hiểu từ bao giờ và vì sao tôi lại thích tháng Tư. Có lẽ vì tôi thích mùa Hè nên háo hức chờ đợi ngày đầu Hè như trẻ con mong hết tháng hết năm đến Tết.
Mỗi sáng thức giấc được ngửi mùi nắng, mùi hơi đất nồng nồng ẩm ẩm, hoa bưởi, hoa xoan rụng rơi đầy, thoang thoảng tỏa hương trong gió, cảm giác thật thư thái. Rồi những cơn giông bất chợt khi chiều làm tôi khóc ré lên. Những trò chơi, những trò nghịch ngợm của trẻ con nữa, đã ăn sâu vào tiềm thức để mỗi độ Hè về nhớ lại không khỏi bồi hồi.
 
Cũng độ đầu Hè, sau những cơn mưa rào xua đi cái nắng oi ả, loài dế có dịp sinh sôi, gáy râm ran, cũng là mùa chơi dế bắt đầu. Dế nhiều nhất vẫn là trên lô cao su, dưới những đám rác ẩm là thiên đường của loài dế. Thôi thì đủ loại, con đen tuyền, con đỏ như hòn than... Suốt mấy ngày liền cả bọn nghĩ ra cách gì để qua mặt mấy chú bảo vệ nhưng đành chịu, nghe tiếng dế gáy đầy “khêu gợi” mà nuốt nước bọt. Cuối cùng chỉ có mấy đứa to gan, liều mạng nhân buổi trưa đứng bóng, mấy chú bảo vệ ngủ, tranh thủ ào lên như ăn cướp, tay lật, chân đá mấy đống rác không còn biết trời trăng mây gió gì. Chỉ thương mấy mầm cao su mới nhú bị gãy nhựa chảy tràn. Mình yếu ớt lại non gan nên đành nhìn chúng đem dế ra khoe mà nuốt nước bọt...

 

 
Mỗi buổi chiều đi học về lại thấy chị cần mẫn nhặt nhạnh từng nhúm hoa bưởi còn tươi, trắng muốt nấu với bồ kết gội đầu. Chị đẹp lắm, dù còn bé nhưng mình vẫn cảm nhận được nét đẹp thuần khiết dịu dàng của cô thôn nữ đang độ trưởng thành. Dông việc đồng áng nặng nhọc nhưng nước da chị trắng hồng ưa nhìn, đôi mắt đen lay láy ẩn hiện dưới hàng mi cong vút. Mái tóc chị dài, đen mượt, cả làng không ai có... Trong đám trẻ chị thương mình nhất vì mình hiền, không nghịch ngợm như mấy đứa khác. Hai chị em vừa nhặt hoa vừa rủ rỉ trò chuyện, chị hỏi han chuyện học hành, một lúc mình mới dám thỏ thẻ “Mai chị đi làm cỏ lô bắt cho em mấy con dế”, chị cười vang “Có thế mà ấp a ấp úng, mai chị bắt cho”. Từ đó mình có dế chơi mà không nhọc công gì, nghĩ lại thương chị quá.
 
Sau những trận mưa rào mát mẻ loài ếch nhái bước vào mùa sinh sản. Trên những mô đất cao ếch cái cõng ếch đực nhảy chồm chỗm. Đám bạn lại rủ mình đi soi ếch. “Ếch to không?” - Mình ngơ ngác hỏi - “To, bằng người mày cũng có”. Bọn chúng phì cười khó hiểu. Tất nhiên mình đi cho vui thôi, ngồi trên gốc cây si chờ bọn chúng...
 
Người ta bảo dưới gốc si thường có ma vì vậy chỗ cây si thường vắng người qua lại và dĩ nhiên trở thành điểm hẹn lý tưởng cho những đôi lứa yêu nhau. Gốc cây lúc nào cũng nhẵn thín, bóng loáng. Cả bọn đang hăm hở bước tới thì...
 
Dưới ánh đèn pha mờ ảo hai bóng người trăng trắng. Chị và anh Dương lõa lồ, lâu nay mọi người xì xầm, hóa ra? Mình quày quả chạy về, không thèm ếch nhái gì nữa. Mấy ngày sau mình tránh mặt chị, có cái gì đang đổ vỡ xen lẫn chút hờn ghen của trẻ con.
 
Một buổi trưa đang cột bò vào gốc mít thì chị đến, chị cười buồn xoa đầu mình: “Chuyện hôm trước em đừng nói với ai nghe! Lớn lên em sẽ hiểu, cả mấy đứa nữa, bảo chúng đừng nói với ai, chị đi lô bắt dế cho”.
 
Mấy tháng sau anh Dương nhập ngũ, suốt ngày thấy chị thơ thẩn đi ra đi vào. Cảm giác ấy bây giờ mình mới hiểu. Dăm bữa nửa tháng anh mới có thư về. Chị mừng rỡ nhưng cũng chỉ mở ra đọc lén. Rồi những lá thư cũng thưa dần... Đáp lại sự mong chờ của chị là sự thật phũ phàng, ngày anh ra quân, theo sau anh là cô gái lạ hoắc, không lời chia tay, không một tiếng thanh minh, họ bước lầm lũi trước con mắt soi mói của cả làng. Chị không gục trước cú sốc này nhưng từ đó chị lầm lũi, ít nói hẳn. Mình sợ nên không dám vòi chị bắt dế nữa.
 
Hôm đám cưới anh chị cũng đến dự, môi mím chặt, mặt lạnh tanh không cảm xúc. Mấy tháng sau chị theo người bà con vào Đắc Lắc làm cà phê rồi lấy chồng trong đó.
 
Tháng Tư lại về, những cơn gió Lào đầu mùa rát bỏng. Nhìn bọn trẻ bắt dế lại nhớ chị vô cùng. Cây bưởi, cây bồ kết ngày xưa không còn nữa. Không biết ở nơi xa ấy chị có còn để mái tóc dài đen mượt, gội đầu bằng bồ kết, hoa bưởi và nhớ kỷ niệm xưa không, hay chỉ mình tôi ôm mãi ký ức mỗi độ sang Hè?


Nguồn dân tri

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giống tiêu Srilanka năng suất cao

Giống tiêu Srilanka có nguồn gốc từ quốc đảo Srilanka với tên gọi quốc tế là Ceylon Khoo hiện đang được trồng nhiều tại phía bắc Thái Lan và biên giới Campuchia. Giống đã được Trung Tâm Cây Giống Vườn ươm Minh Phát nhập về và nhân giống thành công. Đặc điểm của giống tiêu này này là...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây