Bài 1: Tụt hậu
Mức độ trang bị động lực của nông nghiệp Việt Nam chưa bằng 1/3 của Thái Lan; ¼ của Hàn Quốc và xấp xỉ 1/6 của Trung Quốc...
Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn quá yếu. Thống kê của viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) cho thấy, mức độ trang bị động lực của nông nghiệp Việt Nam bình quân chỉ đạt 1,16 cv/ha canh tác, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có mức độ trang bị động lực cao nhất cả nước cũng chỉ đạt 1,85 cv/ha. Con số này chưa bằng 1/3 của Thái Lan (4 cv/ha), 1/4 của Hàn Quốc (4,2 cv/ha) và chỉ xấp xỉ 1/6 của Trung Quốc (6,06 cv/ha)…
Thành tựu nổi bật: Chiếc máy kéo!
“Cho đến nay, thành tựu nổi bật của cơ khí nông nghiệp Việt Nam cũng mới chỉ dừng lại ở việc chế tạo thành công chiếc máy kéo phục vụ cho sản xuất lúa, còn đối với máy móc cho sản xuất các cây trồng khác hầu như vẫn còn để trống”, Ông Bùi Quốc Việt, trưởng phòng Thị trường kinh doanh, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam nói.
Căn cứ vào số liệu bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh máy nông nghiệp, các loại máy nông nghiệp được sản xuất tại Việt Nam bao gồm cả chế tạo và lắp ráp chỉ chiếm khoảng 15-20% thị trường. Phần lớn vẫn là máy nhập khẩu của Trung Quốc (chiếm 60%), Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ giới hóa cũng chỉ tập trung chủ yếu ở một số khâu như làm đất, bơm tưới, tuốt đập, vận chuyển và xay xát còn các khâu như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch có mức độ cơ giới hóa rất thấp, phần lớn vẫn là lao động thủ công.
Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng viện Lúa ĐBSCL, tính tỷ lệ cơ giới hóa cả nước trong sản xuất nông nghiệp thì cây lúa đạt 72%, các cây trồng cạn (mía, dứa, ngô, đậu, lạc) đạt 65%. Nếu tính theo các khâu, riêng đối với lúa, tỷ lệ sử dụng máy cho tưới đạt 85%; tuốt đập 84%; vận chuyển 66%; sấy 38,7%; thu hoạch 15-20%; xay xát 95%...
Nông dân thiệt thòi
Cũng theo TS Bảnh, ĐBSCL có diện tích lúa hàng hóa lớn nhất cả nước, nhưng tỷ lệ thu hoạch bằng máy mới chỉ đạt khoảng 20%, một lượng không nhỏ lúa bị rơi rụng do không có lao động gặt; tỷ lệ tổn thất trong khâu thu hoạch lên đến 2,9%.
Công đoạn làm khô chủ yếu dựa vào năng lượng mặt trời, sân phơi không đảm bảo kỹ thuật, tỷ lệ áp dụng máy sấy còn rất thấp, công nghệ sấy cũng như chất lượng máy sấy còn lạc hậu; tỷ lệ hao hụt ở khâu này đối với lúa 3,3% - 3,9%. Phương tiện bảo quản, cất trữ nông sản trong dân còn hết sức thô sơ chủ yếu là hòm, gỗ, thùng, chum, vại nên mức tổn thất có thể lên đến 4% sau 3 tháng tồn trữ.
Một số nông sản khác như ngô, lạc, đậu tương cất giữ tại hộ gia đình sau 3 - 10 tháng bị tổn thất khoảng 10%-15% do chuột, mọt xâm hại; nhiều nơi bị nấm mốc, tổn thất lên đến 30%. “Tốc độ cơ giới hóa trong nông nghiệp chậm đã làm giảm giá trị sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam” TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết.
Bên cạnh những tổn thất trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch thì chi phí lao cho lao động thủ công cũng rất cao. TS Chu Văn Thiện, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cho biết, chỉ tính riêng trồng lúa, nếu tính toán theo quy trình phổ biến ở miền Bắc (làm đất và đập tuốt bằng máy, thu hoạch và làm mạ cấy bằng thủ công) thì chi phí lao động trên một ha vào khoảng 90-100 công.
Ở miền Nam nếu không dùng cấy mà thay thế bằng phương pháo gieo sạ thì chi phí lao động cũng từ 50-60 công/ha. Trong khi đó, nếu tất cả các khâu được cơ giới hóa đồng bộ thì chi phí công lao động theo tính toán sơ bộ ở cả hai miền sẽ chỉ vào khoảng 20-30 công/ha, giảm từ 20-40%.
Nhiều bất cập
Tình trạng ruộng quá manh mún, nhỏ lẻ đang là yếu tổ gây cản trở việc áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, đặc biệt là khâu canh tác, cung cấp nước…
Kết quả điều tra hộ gia đình ở nông thôn năm 2008 của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung uơng, viện Khoa học lao động xã hội và Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiêp nông thôn cho thấy, bình quân mỗi hộ có khoảng 4,6 mảnh. Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là nơi ruộng đất manh mún nhất, trung bình 8,6 thửa/hộ nông nghiệp.
Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, để nền nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần có biện pháp dồn điền đổi thửa để giám số lượng mảnh ruộng trên mỗi hộ, cải tạo đồng ruộng cho bằng phẳng để dễ dàng cơ giới hóa; xây dựng các cơ sở sản xuất tập thể, hợp tác xã dịch vụ; xây dựng các vùng chuyên canh để qua đó, tạo địa bàn thuận lợi cho cơ giới hóa.
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển ngành cơ khí nông nghiệp có nhưng chưa khả thi. Doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng để sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp gặp khó khăn do ngân hàng sợ gặp rủi ro nếu hàng tồn kho không tiêu thụ được. Hỗ trợ lãi suất của Chính phủ cho nông dân mua máy nông nghiệp chỉ trong thời gian ngắn trong khi quá trình đầu tư cho nông nghiệp lâu dài. Sự liên kết giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học chưa được tốt.
“Nên chăng cần phải có một văn bản luật riêng để gắn kết nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong việc phát triển ngành cơ khí máy nông nghiệp. Có như thế, mới tạo đà cho việc áp dụng cơ giới hóa và thúc đẩy nền nông nghiệp, nông thôn Việt Nam phát triển”, ông Việt cho biết.
Bài 2: Có máy nhưng không dễ áp dụng
Thanh Lâm
Nguồn http://www.tinmoi.vn/che-tao-may-cho-nha-nong-de-ma-kho-09608423.html
Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...