Đến nơi, mới biết lịch của ông trong ngày là: 7 giờ đến 11 giờ chủ trì hội nghị trên, 11 đến 12 giờ hội ý thường vụ. 12 đến 12 giờ 30 ăn cơm, 1 giờ 30 họp tỉnh. 7 giờ kém 15 tôi đến, phòng họp đã kín người, ước phải trên ba trăm, chưa kể khách mời của tỉnh và ban thường vụ huyện ủy. Đây là những vị được mời đến để làm một nhiệm vụ duy nhất là… long trọng.
Liếc mắt một cái cũng nhận ra thành phần bên dưới, đó là đủ các phòng, ban của huyện ủy, ủy ban, toàn bộ lãnh đạo chủ chốt và cũng đủ các ban, ngành của các xã, các HTXNN trong huyện. Mỗi đại biểu được phát 3 bản đề án, thêm 3 bản tham luận của 3 xã và một phong bì trong có 50 ngàn. Chắc lầm tôi cũng là một cán bộ xã nên một chủ tịch xã “thổ lộ tâm tình”:
- Không đi, cấp trên thấy vắng mặt lại phê bình. Mà đi thì phải bỏ cả đống công việc. Mọi thứ đã có đủ trong các đề án, báo cáo này rồi, sao không in luôn kết luận hội nghị của chủ tịch huyện rồi gửi về xã cho anh em, để tối có thể xem, đỡ mất thì giờ ngồi nghe đọc. Cần nhất là cái sự kiểm tra giám sát sau đó.
Tôi hoàn toàn đồng cảm với ông chủ tịch xã thẳng tính nọ, bởi tôi đã phải dự hàng trăm hội nghị, hội thảo… mà cuộc nào cũng giống cuộc nào về cách tổ chức, điều hành: Nội dung hội nghị, hội thảo cũng như tham luận của các đại biểu đã được in rất đầy đủ, phát cho từng người. Và trong hội nghị, sau lời người dẫn chương trình, từng người phụ trách lĩnh vực nào của hội nghị lại lên bục… đọc lại không sai một chữ từng văn bản đó (gọi là “đọc biểu”).
Nhân chuyện “đọc biểu”, chợt nhớ có lần về quê, đang mải truy cập intenet thì thằng cháu nội học lớp 2 kéo tay tôi:
- Ông ơi, ông kia học dốt.
Rời mắt khỏi mạng, tôi mới biết ti vi đang phát trực tiếp một đại hội lớn nhất của tỉnh nhà, một ông to nhất tỉnh đang “đọc biểu”, tôi lừ mắt:
- Ông ấy là lãnh đạo cao nhất của tỉnh đấy. Sao cháu lại bảo ông ấy học dốt. Không được hỗn thế, nghe chưa.
- Nhưng ông ấy đọc vấp. Ở lớp con, bạn nào đọc bài vấp là cô giáo chê dốt, bị điểm 2 đấy.
Đúng cái lý của trẻ con, nhưng không thể bẻ nó được. Bài “đọc biểu” do thư ký soạn sẵn, đưa trước cho nhưng có khi lên xe đến hội nghị ông mới kịp giở ra liếc qua. Bài dài, có khi đọc đến đoạn dưới đã quên sạch đoạn trên. Đầu cuộc họp đã phải “đọc biểu” rồi. Mắt kém, nên ông phải lia kính vào sát trang giấy trên cái bục trơ trọi. Chỉ mươi phút, tôi thấy ông đọc vấp đến 3 lần (sau này, để các vị đỡ xấu hổ, ban tổ chức bày một lẵng hoa rất to trên bục, cho các vị dấu cái văn bản xuống thấp mà “đọc biểu”, nhưng ai mà chả biết chẳng vị nào dám nói vo).
Vô tư ngủ khi nghe “đọc biểu”
Trở lại cái hội nghị tôi đang dự. Ba ông trưởng phòng huyện lần lượt lên đọc 3 đề án. Tiếp theo là 2 chủ nhiệm HTXNN và 1 chủ tịch xã của 3 địa phương nối nhau đọc tham luận. Phần lớn người ngồi phía dưới tai nghe, mắt liếc theo văn bản như thể đang… kiểm tra người đọc, còn một phần thì tranh thủ… chợp mắt. Để ý, tôi thấy có 2 kiểu ngủ: một là dựa đầu vào cái ghế mình đang ngồi, hai là gục đầu vào ghế trước. Một số ông “ý tứ” hơn đeo kính râm ngủ, nhưng chỉ cần nhìn qua là người ta biết ngay ông đang say sưa giấc điệp, nhiều ông không thèm ngụy trang, cứ vô tư tựa đầu vào ghế.
Không ngủ thì biết làm gì cho qua cái thời gian đằng đẵng ấy. Ba ông đọc đề án, mỗi ông mất 45 phút, thành 135 phút, 3 ông tham luận mỗi ông 15 phút nữa, tổng cộng cả 6 ông, mất đứt 3 tiếng đồng hồ, thêm phần khai mạc và dẫn chương trình 30 phút nữa là 210 phút. Chủ tịch huyện còn đúng 25 phút kết luận (lẽ ra thì 30 phút, nhưng mất 5 phút cho người dẫn chương trình và… vỗ tay). Mà chủ tịch cũng chẳng có “kết luận” gì mới ngoài việc tóm tắt, nhấn mạnh một số điểm trong mỗi đề án (trong bản in, những chỗ đó cũng đã được in bằng co chữ vừa to vừa đậm, thể hiện điều cần quan tâm rồi).
Thật là một sự lãng phí thời gian ghê gớm mà người ta có thể quy ra tiền bạc được: Tính cả khách mời là 350 người, mỗi người mất 4 tiếng, vị chi 1.400 tiếng đồng hồ. Nếu bình quân lương của các vị chỉ 20 ngàn/giờ thôi, thì số giờ ngồi không ấy quy ra tiền đã là gần 30 triệu đồng rồi. Thêm khoảng 20 triệu tiền phong bì và nước, băng rôn, loa đài… mất 50 triệu là cái chắc.
Nhưng cái hại lớn hơn không thể tính được bằng tiền là trong khi chừng ấy con người bắt buộc phải ngồi đây chỉ để nghe… đọc chính tả thôi, thì hàng đống công việc do họ phụ trách phải đình lại, hàng ngàn người dân có việc cần đến họ giải quyết phải chờ đợi, tốn thêm gấp mấy lần lượng thời gian (đồng nghĩa với lượng tiền bạc) của xã hội nữa.
Tại sao không làm như ý kiến của ông chủ tịch xã kia. Hoặc là in tài liệu chuyển đến đại biểu trước vài ngày, để khi đến dự hội nghị thì họ đã đọc kỹ rồi. Chủ tịch huyện chỉ cần đăng đàn, yêu cầu ai chưa rõ hay còn thắc mắc, kiến nghị điều gì thì nêu, để ông giải đáp, và sau đó kết luận luôn. Cuộc hội nghị sẽ bớt đi ít nhất 2/3 thời gian. Điều quan trọng là khâu kiểm tra sau đó.
Nếu ai có công, thử làm một cuộc thống kê xem mỗi năm trên cả nước ta có bao nhiêu hội nghị, hội thảo từ cấp xã đến cấp trung ương, rồi tính ra lượng thời gian lãng phí vì kiểu tổ chức, điều hành này, chắc số giờ lãng phí phải bằng rất nhiều tỷ. Và từ đó quy ra tiền bạc, thì con số đó sẽ khiến những người thờ ơ nhất cũng phải giật mình. |
Không chỉ những hội nghị cấp huyện mới có kiểu tổ chức và điều hành như thế này. Sự thực, chúng chỉ là bản sao của các hội nghị cấp tỉnh, cấp trung ương, có điều chi phí cho những hội nghị cấp tỉnh, cấp trung ương lớn hơn các hội nghị cấp huyện gấp nhiều lần. Và không chỉ những hội nghị to nhỏ, mà cả hội thảo cũng thế.
Có lần đi dự một hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, về một nhân vật lịch sử đời Trần, hội thảo này do một doanh nhân rất lớn tài trợ, kinh phí đến cả tỷ đồng. Hội thảo khoảng 500 người dự nếu tính cả khách mời, kéo dài cả ngày. Mỗi người được phát 1 tập kỷ yếu gần 300 trang, gồm 25 bài tham luận. Cứ tưởng hội thảo thì phải khác hội nghị. Nào ngờ vẫn thế. Sau màn “văn nghệ chào mừng” khoảng 30 phút đinh tai nhức óc, là khai mạc, đọc đề dẫn, và từng người có tham luận in trong kỷ yếu lần lượt lên “đọc biểu” bài tham luận của mình. Nhiều vị đọc ê a đến chán ngấy.
Lạ một điều là hội thảo vừa mở màn, tôi đã thấy ông ngồi bên cạnh có bài kết luận hội thảo, dưới đề tên một giáo sư danh tiếng. Ô hay, kết luận một hội thảo khoa học quan trọng nhường này, thì người kết luận phải dự nghe từ đầu đến cuối, phải tổng hợp cả ý tham luận lẫn phản biện rồi mới phát biểu kết luận được chứ. Phải chăng là người ta đã soạn sẵn cho vị GS kia, và ông chỉ việc đến ngồi để cuối cùng làm một… cái loa? Thế này mà là hội thảo khoa học à?
Theo BNN
Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...