Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, công tác xã hội hóa thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, tình trạng tăng thu, tận thu còn tồn tại. Một phần nguyên nhân thuộc về chính sự thiếu minh bạch giữa công tác xã hội hóa và tự chủ tài chính ở các bệnh viện công.
Bệnh viện tăng dịch vụ để lạm thu –
người bệnh mất tiền nhưng vẫn phải chịu thiệt
ẢNH: HOÀNG LONG
Còn nhiều vướng mắc
Cuối tuần qua, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình về xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định rằng, những năm gần đây, nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân ngày một tăng cao và đa dạng, khoa học kỹ thuật về y tế phát triển mạnh, đòi hỏi nhu cầu đầu tư cho y tế ngày một lớn. Do ngân sách có hạn, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư vào ngành y tế. Việc làm này đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi nhận thức của các đơn vị y tế trong việc huy động vốn đầu tư vào các trang thiết bị phục vụ hoạt động. Các thiết bị được đầu tư chủ yếu là thiết bị khám chữa, điều trị công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh cho người dân. Song, bên cạnh những điểm thành công, theo Bộ Y tế, tại một số bệnh viện có xu hướng quan tâm đến khoa, phòng, lĩnh vực có có thu hoặc tập trung kinh phí, nhân lực vốn đã hạn hẹp để phát triển khu dịch vụ theo yêu cầu, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao song chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân...
Thực tế cũng đã chứng minh, công tác xã hội hóa y tế diễn ra vẫn chưa tương xứng với tiềm lực trong nhân dân, tình trạng tăng thu, tận thu vẫn tồn tại. Câu chuyện quá tải ở các bệnh viện vẫn luôn là chủ đề nóng trong thời gian qua. Ghi nhận tại các bệnh viện thuộc tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản trung ương... việc xếp hàng dài chờ khám bệnh, 2-3 người bệnh chung một giường bệnh, nhiều bệnh nhân phải làm những xét nghiệm không cần thiết... vẫn luôn gây bức xúc trong dư luận.
Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập này được cho là nằm ở khâu tài chính. Việc thiếu minh bạch trong tài sản công và tư trong xã hội hóa ở các bệnh viện công dễ dẫn đến sai phạm trong quá trình quản lý tài chính, dễ xảy ra tiêu cực trong liên doanh, liên kết, đấu thầu thuốc... Đồng thời, phương thức chi trả dịch vụ khám chữa bệnh hiện nay vẫn là "phí theo dịch vụ”, tức là người bệnh sử dụng dịch vụ gì sẽ trả tiền dịch vụ đó. Song phương thức này, khi được đặt trong môi trường xã hội hóa (tư nhân đặt trang thiết bị tại bệnh viện) và cơ chế "tự chủ tài chính”, việc kiểm tra, giám sát còn hạn chế thì rất dễ gây ra việc lạm dụng dịch vụ. Dịch vụ y tế có những nét đặc thù với các dịch vụ xã hội khác, người bệnh ít biết thông tin về dịch vụ cần sử dụng cũng như giá cả, do đó, vì áp lực thu hồi vốn nhanh trong liên doanh, liên kết... dễ dẫn tới hiện tượng, bệnh viện tăng cung cấp dịch vụ quá mức cần thiết để tăng thu, tận thu, hay còn gọi là lạm dụng dịch vụ. Việc lạm dụng dịch vụ này thể hiện ở nhiều hình thức như lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc, nhập viện ở cả các bệnh nhẹ có thể điều trị ở tuyến dưới, kéo dài thời gian điều trị gây quá tải bệnh viện... Không chỉ ở bệnh viện công, nó còn diễn ra ở cả các bệnh viện tư, và hậu quả, là tăng chi phí điều trị, gây thiệt hại cho người bệnh, gây mất cân đối quỹ BHYT, đồng thời, tăng chi phí xã hội cho y tế nói chung.
Chuyện quá tải ở các bệnh viện
luôn là chủ đề nóng trong thời gian qua
ẢNH: HOÀNG LONG
Hoàn thiện thêm văn bản quy phạm về xã hội hóa y tế
Thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa luôn là hướng đi đúng đắn, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, kinh phí dành cho ngành y tế còn hạn hẹp. Báo cáo tổng quan ngành y tế năm 2011 đã nhấn mạnh, trong năm 2012, công tác xã hội hóa cần được kiểm soát chặt chẽ hơn, thông qua việc tăng cường năng lực quản lý nhà nước với việc thực hiện tự chủ. Đồng thời, tiến hành rà soát, phân tích hệ thống văn bản pháp quy để xây dựng chính sách đồng bộ hóa, hài hòa quá trình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế với các yếu tố bên ngoài. Riêng về cơ chế tài chính, cần tăng cường quản lý, đổi mới cơ chế tài chính bệnh viện theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch.
Còn trong phiên giải trình vừa qua, Bộ Y tế cũng đưa ra kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục tăng ngân sách cho y tế, ở cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Trong đó chú trọng cho việc tăng ngân sách chi đầu tư phát triển cho y tế từ ngân sách và trái phiếu chính phủ để ngành xây dựng thêm cơ sở, bước đầu xây dựng cơ sở 2 của một số bệnh viện đầu ngành, kỹ thuật cao để tăng số giường bệnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Với các cơ sở y tế công lập, cũng cần tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa để vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo hướng khuyến khích và tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị này có thể vay vốn xây dựng bệnh viện, mua sắm trang thiết bị với lãi suất ưu đãi hơn khu vực sản xuất. Đồng thời, về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng cần tiếp tục được hoàn thiện, chỉnh sửa những điều bất cập như giá dịch vụ y tế chậm thay đổi, cách tính phí dịch vụ còn hạn chế... tạo một hành lang pháp lý thiết yếu cho công tác xã hội hóa thời gian tới.
Theo Đại đoàn kết