Hơn 70% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao so với 23% trước đây, gần 60% người tiêu dùng tự xác định ưu tiên mua hàng Việt, 40% khuyên người thân mua hàng Việt Nam, đó là những kết quả cụ thể được công bố tại Hội nghị sơ kết 3 năm cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra ngày 14-12.
Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, thời gian qua, đã diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, giới thiệu và đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp... được tổ chức ở hầu hết các địa phương, với 1.433 hội chợ, triển lãm, 1.150 đợt bán hàng về nông thôn, 370 đề án xúc tiến thương mại. Công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại được tích cực triển khai với việc phát hiện, xử lý 46.060 vụ buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, 35.412 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng và hơn 126.000 vụ vi phạm khác.
Các tập đoàn, TCty, các DN tích cực triển khai các hoạt động hưởng ứng. Khối sản xuất ưu tiên mua sắm hàng trong nước phục vụ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, ưu tiên phân phối hàng trong nước. Điển hình là việc nỗ lực sử dụng công nghệ, nguyên liệu trong nước, đưa sản phẩm chiếm lĩnh thị trường (các DN dệt may, dầu khí, xi măng, điện lực có tỷ lệ mua sắm hàng trong nước chiếm tới 70%, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đầu vào, nguyên liệu, thiết bị máy móc của DN thuộc Bộ Công Thương tăng bình quân 25%/năm. Trong hệ thống siêu thị lớn, hàng Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, từ 80-90%, tỷ lệ này trong hệ thống Saigon CoopMart là 95%)...
Theo đánh giá chung, sau 3 năm triển khai, CVĐ đã làm thay đổi, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại bấy lâu. Các cuộc khảo sát nghiên cứu thị trường về xu hướng tiêu dùng cho thấy, hiện 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao; tại TP HCM, 90% người tiêu dùng cho biết chắc chắn lựa chọn hàng Việt, tỷ lệ này ở Hà Nội là 83% và 60% hài lòng với lựa chọn đó; 38% người tiêu dùng khuyên người thân ưu tiên dùng hàng Việt.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, như việc một số cấp uỷ, Mặt trận, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo, tổ chức CVĐ ở địa phương, đơn vị; công tác tuyên truyền ở một số cơ quan truyền thông chưa thường xuyên, chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến. Vai trò của nhiều DN, nhà sản xuất, ngành hàng chưa thực sự tạo ra thế mạnh, hấp dẫn thị trường, giá trị, chất lượng sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại cùng chủng loại.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đề cập tới các giải pháp nhằm xây dựng mục tiêu đến 2015, 80% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên dùng hàng hóa thương hiệu Việt, 100% cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN ưu tiên mua sắm hàng trong nước khi mua sắm công, 90% các cơ sở kinh doanh thương mại bán hàng có niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, 90% số xã ở nông thôn, miền núi có cửa hàng bán hàng Việt, giảm 50% hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, CVĐ này có ý nghĩa nhiều mặt đối với nền kinh tế và trên thực tế thì mục tiêu đưa hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường chính là bài toán đảm bảo chất lượng phát triển của nền kinh tế. Đây là hoạt động yêu nước, là phong trào nhưng cũng góp phần quan trọng thay đổi toàn diện định hướng phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ, các lĩnh vực kinh tế. “Đến nay, Việt Nam làm chủ được 70% thị trường phân bón, 100% xi măng, 100% thép xây dựng, 50% hóa chất cơ bản, 70% về nhựa, 30% về vải sợi, 40% sản phẩm cơ khí, 59% về giấy, 50% bột giấy,… Các nhà phân phối lớn đều có tỷ trọng hàng Việt chiếm đa số, đó là thành quả đồng thời cũng là đích đến trong việc nâng cao tỷ trọng hàng Việt trên thị trường trong nước, qua đó hình thành, xây dựng nếp văn hoá tiêu dùng hàng Việt của mỗi người dân”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng, CVĐ được xác định là một quá trình lâu dài, liên tục,hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức người tiêu dùng, xây dựng nếp văn hóa tiêu dùng, nhấn mạnh hơn vai trò của nhà sản xuất. Điều này đỏi hỏi một mặt nhà sản xuất vừa lấy khách hàng là trọng tâm, nâng cao chất lượng, dịch vụ, phân phối để cạnh tranh, thu hút được khách hàng, mặt khác, cũng cần người tiêu dùng trong nước thay đổi nhận thức, có ý thức ủng hộ hàng nội địa. Bài học từ nước Nhật, với nhiều sản phẩm nội địa có chất lượng khác biệt hơn cả hàng xuất khẩu là một tấm gương để thị trường Việt Nam học hỏi. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các DN đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, thực hiện các cam kết bảo vệ người tiêu dùng,...