Vấn đề: "Làm sao để thu nhập người nông dân ngày càng tăng cao là điều tôi trăn trở"

Thứ bảy - 04/02/2012 06:46

Minh họa

Minh họa
Đó là chia sẻ của người đứng đầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhân dịp đón xuân mới Nhâm Thìn 2012, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với vị “tư lệnh” ngành - Bộ trưởng Cao Đức Phát, xung quanh những vấn đề về kế hoạch phát triển của ngành nông nghiệp trong năm mới.

PV: Trong năm 2012, ngành nông nghiệp còn rất nhiều việc phải làm, vậy trăn trở lớn nhất của Bộ trưởng trong năm 2012 là gì?

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trăn trở lớn nhất của tôi trong năm 2012 là tái cơ cấu ngành. Để thực hiện tái cơ cấu phải có hành động thiết thực, trong đó phải rà lại quy hoạch để làm rõ trên mỗi một cánh đồng, thì trồng cây nào hay ở mỗi địa phương, nuôi con nào là có lợi nhất. Ngay cả với những cây trồng, vật nuôi đó, thì cần làm kỹ thuật nào, chú trọng vào khâu nào, mới có giá trị gia tăng cao hơn.

Cùng với đó là phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư để hỗ trợ mạnh hơn những cây, con có giá trị cao; tập trung đầu tư cho những cây, con, những khâu ta thấy cần thiết nhất. Chẳng hạn như thủy sản, chúng tôi đã xác định, phải đầu tư thủy lợi cho thủy sản mới phát triển được, còn vừa qua, dù chúng ta thúc đẩy phát triển thủy sản, nhưng mới là do nhân dân tự đầu tư, Nhà nước chưa đầu tư nhiều. Đầu tư thủy lợi trong thời gian qua vẫn nặng cho cây lúa nhiều hơn. Do đó, tới đây sẽ phải điều chỉnh lại cả cơ cấu đầu tư, theo hướng đầu tư cho những khâu, những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Tuy nhiên, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một quá trình dài, vì chúng ta làm ra cái gì, cũng phải gắn với thị trường, bám sát với thị trường. Do vậy, chúng ta luôn luôn phải điều chỉnh, nên không có một việc gì chỉ làm một lần là xong. Nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng để hy vọng trong giai đoạn 5 năm tới sẽ có những chuyển biến tích cực.

PV: Theo Bộ trưởng, vấn đề nóng nhất, cần tháo gỡ nhất cho người nông dân ngay trong năm 2012 là gì?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Năm 2011, thu nhập người nông dân vẫn tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng chậm. Đây là vấn đề cần phải tháo gỡ cho người nông dân trong năm 2012. Thu nhập của người nông dân còn thấp chứng tỏ, những nỗ lực của chúng ta đem lại cho người nông dân đang thấp hơn mong đợi, tức hiệu quả sản xuất và hoạt động trong các chính sách cho nông dân còn nhiều hạn chế.

Vì thế, để nâng cao thu nhập cho người nông dân, để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao, chúng ta cần phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phải phấn đấu làm sao để người nông dân khi bỏ ra một đồng vốn, một ngày công, thu nhập của họ phải cao hơn so với công sức mình bỏ ra. Hiện nay, sản lượng nông nghiệp có tăng lên, nhưng thu nhập của nông dân tăng chậm hơn vì giá trị gia tăng (GTGT) của ngành nông nghiệp từ năm 2001 đến nay đang giảm dần. Về số lượng lúa gạo, lợn, gà… tăng lên rất nhiều, nhưng chỉ là tăng về sản phẩm, còn về giá trị gia tăng thực của người nông dân thì đang tăng chậm lại.

Bên cạnh đó, phong trào xây dựng nông thôn mới, tuy đã lan rộng trên cả nước nhưng mới dừng lại ở xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch, đề án, chứ chưa đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Do đó, trong năm 2012, việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới cần được đẩy mạnh hơn nữa, góp phần đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân.

PV: Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có kế hoạch cụ thể như thế nào để tháo gỡ nhanh những vấn đề này, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Để tháo gỡ được những vấn đề trên đây đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa những lĩnh vực là ưu thế của ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp năm 2011 xuất khẩu tới 25 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 16 tỷ USD, như vậy cả xuất, nhập khẩu tới 41 tỷ USD, trong khi giá trị tổng sản lượng của ngành chưa đến 30 tỷ USD. Tức là những việc trao đổi, buôn bán nông, lâm, thủy sản còn lớn hơn cả giá trị chúng ta làm ra trong nước, nên chúng ta phải tiếp tục tìm cách để thúc đẩy thương mại, giao lưu quốc tế.

Cùng với đó, chúng ta phải thúc đẩy hơn nữa phát triển khâu chế biến. Đây là một khâu rất quan trọng để làm tăng giá trị trên mỗi sản phẩm nông nghiệp. Ví dụ như ngành sữa, nếu chúng ta chỉ vắt sữa theo kiểu thanh trùng, tiệt trùng, rồi đem bán, thì giữa giá sữa thanh trùng, tiệt trùng với giá mua của nông dân chênh lệch không đáng bao nhiêu. Nhưng nếu chúng ta chế biến ra những sản phẩm khác như sữa bột, giá bán có thể cao hơn hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.

Đối với cà phê cũng vậy, nếu chúng ta chỉ bán cà phê thô, thu nhập của chúng ta thu được không đáng kể. Trong khi giá trị từ cà phê trên thế giới mỗi năm mang về 100 tỷ USD, nhưng những người trồng cà phê chỉ được hưởng chưa đến 20 tỷ USD, còn lại thuộc về những người làm thương mại và chế biến. Do đó, cần phải chú trọng phát triển mạnh hơn cho khâu này.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang cân nhắc lựa chọn phương án ứng xử phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể để có thể tận dụng tối đa những có hội thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu…

PV: Là người đứng đầu ngành nông nghiệp, có khi nào trong tâm tưởng của Bộ trưởng nghĩ mình có thể làm thay cho người nông dân việc gì đó không? Vì có những việc mình đặt ra đôi khi người nông dân không thể làm được?

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tôi luôn suy nghĩ và trăn trở điều đó, là người đứng đầu ngành nông nghiệp, nếu có thể làm gì thay nông dân thì đều cần phải làm và nên làm. Việc tôi có thể làm thay người nông dân với tư cách là Bộ trưởng đó là phải có trách nhiệm đưa ra được cơ chế, chính sách, những hướng đi, cách làm phù hợp, tạo điều kiện cho bà con nông dân làm ăn ngày càng có hiệu quả hơn, thu nhập ngày càng tăng cao hơn...

PV: Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng có thông điệp gì nhắn nhủ tới bà con nông dân?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Kính chúc bà con năm mới dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng; sản xuất đại thắng, tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn
Báo dangcongsan.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất vượt trội

Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây