Đau thương một khúc sông Cầu

Thứ năm - 03/05/2012 07:58

Minh họa

Minh họa
Những dòng sông của thơ, ca, nhạc, họa. Những dòng sông của ký ức đồng quê. Những dòng sông chứa chan đôi bờ hoài niệm. Giờ, những dòng sông quằn quại, bốc mùi dữ dội, tức tưởi chết…

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Cty Khai thác Công trình Thủy lợi Bắc Đuống, là người gắn bó với ngành hơn 30 năm đã tổng kết quy luật lạ ở sông Đuống từ năm 2004 đến nay lặp đi, lặp lại chuỗi thời kỳ hạn hán: “Cao trình thiết kế cống Đông Tửu lấy nước từ sông Đuống vào hệ thống, ở thượng lưu là 2,58 m, hạ lưu là 2,5m nhưng thường xuyên không thể lấy nước được trong mùa cạn. Chỉ những khi nhờ xả hồ Hòa Bình nước mới lưu thông”.

Cá tôm tuyệt diệt

Sông Đuống đang ngày càng cạn nước, ô nhiễm nhưng cũng không thê thảm bằng bi kịch của hệ thống sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê.


Một đoạn sông Ngũ Huyện Khê giáp sông Cầu. Nước sông đen sì vì ô nhiễm

Lưu vực sông Cầu có dân số khoảng 7 triệu trải dài trên một diện tích cỡ 10.000 km2. Theo các nhà môi trường tính toán, lượng chất thải lỏng ngày đêm xối xả đổ vào sông Cầu khoảng 40 triệu m3/năm trong đó chỉ tính riêng ở Thái Nguyên thải xuống cỡ 24 triệu m3 với nhiều kim loại nặng cực độc như chì, thiếc, thủy ngân…

 

Tại Bắc Ninh hàng chục làng nghề chế biến lâm sản, tái sinh giấy, cồn rượu cũng ồ ạt đổ chất thải, chất Clo tẩy trắng xuống sông này. Các phụ lưu, chi lưu của dòng sông Cầu những chỉ số phân tích đều vượt từ vài lần đến vài chục lần cho phép như nhu cầu oxy hóa học (COD), lượng oxy hòa tan (DO), tổng cặn lơ lững (TSS), nitrite (NO2)…Nghiêm trọng hơn là lượng oxy hòa tan rất thấp, nhiều khi dưới một đơn vị đồng nghĩa với sự tuyệt diệt của nhiều loại tôm cá của dòng sông.
Sông Ngũ Huyện Khê chảy từ đầm Thiếc qua cống Đặng rồi đổ vào sông Cầu với tổng chiều dài chừng 35 km. Tôi làm một hành trình ngược sông và chứng kiến nhiều điều đau đớn. Đoạn chảy qua địa phận xã Long Châu (Yên Phong, Bắc Ninh), tôi gặp hai ngư dân Nguyễn Văn Bùi, Nguyễn Văn Thuyết người ở xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đang đánh cá giữa dòng nước đen lờ lờ, giữa đám vỏ trai, hến, cá chết dập dờ mặt sông. Ba mươi năm hành nghề đánh cá trên sông Cầu, họ chứng kiến nhiều đổi thay của dòng sông, trước trong veo giờ đục ngầu bùn rác.

Sông Cầu ba bốn năm nay tuyệt diệt loài cá đối còn những loài khác sản lượng cũng rất ít: “Trước làng tôi có 30-40 người đánh cá giờ chỉ còn 12 người. Chúng tôi phải rời bỏ sông Cầu đi đánh cá ở đây nhưng sông Ngũ Huyện Khê dạo này cũng ô nhiễm lắm. Cá mương, cá thiểu đánh ở đoạn Châm Khê, Cào Cỏ còn có mùi dầu máy, bán chẳng ai mua. Đoạn Long Châu này cách đây chừng nửa tháng một đợt nước đen đổ về, mái chèo bơi còn nặng bởi nhầy nhớt.

Nước bẩn đến nỗi dân Tam Tảo phía huyện Tiên Du chuyên bắt hến không dám thò chân xuống, có ông thả hến gần cầu Nét cũng lỗ chỏng gọng vì mất trắng chẳng còn một con. Cá tôm trên sông chết gần hết chỉ mỗi loại rô phi sống sót. Cả buổi sáng hôm nay mỗi người chúng tôi bắt được cỡ 10 kg rô phi bằng ba đầu ngón tay, ngoài ra không có một loại cá nào khác. Cá này được cánh hàng cơm, hàng bún mua với giá 10.000đ/kg".


Sinh vật chết nổi đầy trên sông Ngũ Huyện Khê

Làng Chi Long (Long Châu, Yên Phong) xưa nhiều người chài lưới giờ còn ba ông: Nguyễn Văn Thủy, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Cẩn bám nghề. Trước ông Cẩn chuyên đánh lờ tôm, khi sông không còn tôm ông chuyển sang đánh rọ cua, đến lúc cua cũng sạch bóng, ông đành quay sang rải lưới bắt cá rô phi.

Chị Nguyễn Thị Hòa, vợ anh Thủy, thủa nào còn kiếm cá cùng chồng giờ sản vật trên sông chết gần hết đành phải lọ mọ ra bờ đê làng nhặt nylon. Những xe ô tô chở rác lặc lè từ Khu công nghiệp Yên Phong trút ầm rầm xuống triền đê Ngũ Huyện Khê cả sáng lẫn chiều. Triền đê vài cây số trắng lốp, óng ánh các loại rác công nghiệp. Các bãi rác mới đều đã được mua, được thầu nhặt hết đồ “thơm” còn cánh người cùng khổ như chị Hòa ngày ngày ngập đầu, ngập cổ trong rác chỉ đi mót lại chút giấy bóng, đinh vụn. Ngày nào người ta cũng đốt rác, khói lửa ngút trời, khí độc cay xè mắt bốc đi để lại những núi tàn tro vất vơ cho gió thốc.


Rác ngập triền sông

Trong ký ức của anh Thủy những ngày không xa có đêm thâu đi đánh cá chép vật đẻ ùm ùm ngoài sông, lắm hôm sực tỉnh tiếng pháo giao thừa đã râm ran cùng lời Bác Hồ chúc tết qua đài còn vang trên sóng nước. Dòng Ngũ Huyện Khê từ bến đò Đông Yên đến cống Đặng nay đen như mực, bột giấy đặc kết váng như những lớp màu cua khổng lồ. Hàng trăm ống xả nước thải từ các nhà máy giấy ở Đống Cao (Phong Khê) cắm xuống sông như những vòi bạch tuộc đen sì, nhức nhối. Nước thải lan ra đến đâu, cá nổi trắng chết dạt đầy bờ đến đấy. Tôm tép, diếc, chép, trôi mè chết đầu tiên rồi lần lần đến trai, hến, ốc.

Anh Thủy bảo: “Trước đây cá bò, cá bống, cá nheo rất sẵn ngoài sông. Kéo mẻ lưới tôm nhảo dày như đất. Giờ cả sáng không đánh nổi một vài con tôm, chài cũng phải bỏ để chuyển sang rải lưới gõ cành cạch bắt rô phi. Cả làng ngập trong rác thải. Đến cây lúa, hạt gạo cũng bị biến chất vì ô nhiễm. Vợ tôi đi cấy thuê ở làng Đống Cao về bảo lúa bên ấy tưới bằng nước sông ăn cơm cứ khô rông rổng không hề có nhựa hệt như gạo thời mậu dịch”.


Ông Nguyễn Văn Bùi với mớ cá rô phi kiếm được trên sông Ngũ Huyện Khê

Những vần thơ đau đớn của một nông dân

Tôi lại men theo dòng nước đen sền sệt chảy của Ngũ Huyện Khê mà đi đến tận cùng nơi hợp lưu với sông Cầu. Ông Đặng Văn Phú, Phó chủ tịch phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, than thở: “Cống Đặng năm cửa chặn lại dòng Ngũ Huyện Khê đổ ra sông Cầu chỉ những khi mưa to, nước nhiều mới mở. Một năm đến 7-8 tháng sông bị ô nhiễm nặng. Dẫn nước vào ao cá chết hàng loạt. Dẫn nước lên đồng hoa màu lụi tàn. Như mấy vụ trước cả cánh đồng khoai lang, khoai tây Lương Xá của ba xóm Láng, xóm Soi Núi, xóm Chanh đang tốt tươi bỗng hỏng 40% vì tưới nước ô nhiễm. Dân đôi bờ chúng tôi lắm lúc ngủ phải đeo khẩu trang hay đắp khăn mặt ướt, ra đồng phải mặc quần áo cao su cao ngang ngực. Các bệnh về mắt, tiêu chảy, phụ khoa, ngoài da, ung thư rất hay gặp. Ở ngay khu Lương Xá có lắm người mắc ung thư gan như hai chị em Đặng Thị Tị, Đặng Thị Thìn lần lượt chết bỏ lại cái nhà không. Chúng tôi kêu nhiều thì họ tháo nước sông lớn về một ngày để pha loãng, tình trạng có cải thiện vài bữa rồi lại như cũ”.

Khi tôi đến xóm Chanh đang mất nước sạch 1 tháng nay vì thi công đường, dân kêu váng trời khi phải đi xin từng ca, từng chậu trong khi dự án xử lý nước thải ở Phong Khê 400 tỉ đồng chờ dài cổ chẳng hề thấy động lay.

Dòng sông trong xanh thủa nào có những mô đá ngày Tết dân lao xao rửa lá gói bánh, có những đêm trăng, nam thanh gái lịch ngồi bờ kè hóng gió đông, có liền anh liền chị quan họ Lương Xá hát trên thuyền, dưới bến, có những hội thi bắt vịt, lễ rước rộn rã cả đôi bờ…

Hai mươi năm chứng kiến dòng sông quê dần đi vào cõi chết, ông Đặng Văn Lợi đã thốt lên những vần thơ đau đớn rằng: “Ông trời ở tận trên cao/ Có nghe dân chúng xôn xao nói về/ Ấy là sông Ngũ Huyện Khê/ Tự nhiên cá chết người chê cũng nhiều/ Thế mà dân chúng vẫn liều/ Nước ăn, nước uống sớm chiều phải xơi/ Ô nhiễm đã bao năm rồi/ Phải chăng hậu thế của thời da cam/ Trời rằng có biết hãy khoan/ Đợi ta còn họp còn bàn lai rai”.
Theo Báo Nông Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cung cấp giống Tiêu Srilanka Ceylon Khoo

Cung cấp giống Tiêu Srilanka - Chuẩn giống Ceylon Khoo     Tiêu Srilanka - Chuẩn giống Ceylon Khoo chuỗi dài, sức đề kháng mạnh, bộ rễ khỏe, năng suất cao  

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây